Thế giới có thể vạ lây vì náo loạn ở thị trường tài chính Anh

04/10/2022, 09:55
báo nói -

TCDN - Rủi ro "lây nhiễm" từ đà bán tháo ở thị trường tài chính Anh đang trở thành mối lo ngại mới với nhà đầu tư toàn cầu, làm tăng thêm sự bất an của họ.

Hồi tuần trước, chính phủ Anh công bố kế hoạch ngân sách với điểm nhấn là chương trình cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng (tương đương 48 tỷ USD).

Gần như ngay lập tức, đồng bảng rơi xuống mức thấp kỷ lục còn giá trái phiếu Anh tuột dốc. Các dấu hiệu của sự xáo trộn xuất hiện rõ rệt vào ngày 28/9 trước khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) can thiệp để xoa dịu thị trường tài chính.

Trước khi biến cố mới nhất từ Anh xảy ra, các thị trường tài chính đã bất an về cú sốc năng lượng thổi bùng làn sóng lạm phát và đồng USD mạnh mẽ gây rắc rối trên toàn cầu.

Nỗi đau và sự căng thẳng của thị trường

Ông Olivier Marcio, trưởng nhóm đầu tư đa tài sản tại Unigestion, mô tả: “Tình hình bây giờ cứ như thể chúng ta đang chứng kiến lâu đài cát bắt đầu đổ vỡ, và Anh là một trong những mảnh vỡ rơi xuống. Tình hình tại Anh càng làm tăng thêm nỗi đau và căng thẳng cho thị trường”.

Quan ngại về chính sách kinh tế mới của Anh đã khiến biến động càng lên cao hơn nữa. Sự náo động trong thị trường nợ chính phủ Anh lan sang cả trái phiếu Kho bạc Mỹ và các trái phiếu cấp cao nhất của Đức.

Rõ ràng, rủi ro lây nhiễm từ thị trường tài chính Anh đang trở thành mối lo toàn cầu. Hôm 26/9, ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta cảnh báo rằng các sự kiện tại Anh có thể khiến cho căng thẳng kinh tế ở Mỹ và châu Âu trở nên trầm trọng hơn.

moi gioi chung khoan 2

Ngày tiếp theo, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công khai chỉ trích kế hoạch tài chính mới của Anh. Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lên tiếng rằng Mỹ đang theo dõi những diễn biến từ Anh, tờ Financial Times đưa tin.

Ông Paul Malloy, Giám đốc đầu tư trái phiếu địa phương tại Vanguard, nhận định: “Kế hoạch của Anh sẽ có những tác động, những mối tương quan, gây ra một số biến động thị trường. Câu hỏi tiếp theo là kế hoạch đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến bức tranh tăng trưởng toàn cầu.

Nhìn chung, nền kinh tế Mỹ ở trong vị thế khá an toàn… Chúng ta được cách ly khỏi rất nhiều áp lực toàn cầu. Nhưng dù vậy, chúng ta cũng không miễn nhiễm hoàn toàn khỏi những gì xảy ra ở châu Âu, Trung Quốc và Anh”.

Ông Dan Ivascy, Giám đốc đầu tư của PIMCO, tin rằng các sự kiện ở thị trường tài chính Anh không phải là rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Dẫu vậy, chúng vẫn làm tăng thêm biến động trên thị trường.

Khi lợi suất trái phiếu chính phủ Anh tăng 100 điểm cơ bản chỉ trong hai ngày, lợi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn của Mỹ và Đức cũng bị đẩy lên (lợi suất tăng đồng nghĩa với giá trái phiếu giảm). Chỉ số ICE BofA Move, thước đo biến động trên thị trường chứng khoán trả thu nhập cố định của Mỹ, cũng tiến lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Tờ Reuters đưa tin biến động lớn của bảng Anh đã lan tỏa sang khắp thị trường ngoại hối. Theo Chỉ số Biến động Tiền tệ được đông đảo nhà đầu tư theo dõi của Deutsche Bank, biến động của các đồng tiền tệ hôm 28/9 đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, cao hơn 20% so với tuần trước.

Hôm 28/9, BoE tuyên bố họ sẽ mua trái phiếu chính phủ dài hạn từ nay cho đến ngày 14/10 với số lượng đủ để ổn định thị trường. Nhờ tuyên bố ấy, mức độ hoảng loạn đã giảm.

Song nhiều người không coi đây là cách tiếp cận tốt nhất. Tỷ phú đầu tư Stanley Druckenmiller đánh giá việc BoE mua trái phiếu là động thái không phù hợp trong môi trường lạm phát cao.

Các chỉ báo về căng thẳng tài chính được theo dõi sát sao vẫn đang được kiềm chế. Chi phí vay USD trên thị trường phái sinh ngoại tệ tăng đáng kể trong tuần này, nhưng vẫn thấp hơn hẳn giai đoạn ngay sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng 2.

VIX, chỉ số đo lường sự sợ hãi trên thị trường chứng khoán Mỹ, cũng lên cao hơn trong những ngày gần đây, nhưng vẫn chưa quay về mức cao nhất trong năm 2022.

Tuy nhiên, rủi ro lây nhiễm vẫn còn đó trong bối cảnh bất ổn và lãi suất toàn cầu gia tăng. Ông Charles Diebel, Giám đốc đầu tư chứng khoán có thu nhập cố định tại Mediolanum Asset Management chỉ ra: “Thị trường đang bị bán tháo, các ngân hàng trung ương quyết liệt thắt chặt chính sách. Tâm lý bối rối chung trên thị trường đồng nghĩa với việc các động thái có xu hướng tự khuếch đại”.  

Đà giảm của chứng khoán Mỹ

Hôm 27/9, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng hai năm, chịu ảnh hưởng từ đợt tăng lãi suất của Mỹ. Ông Michael Purves, CEO công ty cố vấn Tallbacken Capital Advisors, nói rằng sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ có thể có liên quan đến Anh do biến động tại thị trường này thúc đẩy nhà đầu tư “rũ bớt rủi ro”, bao gồm cả việc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ.

Trong các giai đoạn căng thẳng dâng cao như khi thị trường sụp đổ vì COVID-19 hồi tháng 3/2020, nhà đầu tư đã bán ra cả tài sản an toàn như trái phiếu Kho bạc Mỹ nhằm tăng cường thanh khoản và bù đắp cho thua lỗ trong danh mục.

Anh là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và bảng Anh chiếm 5% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Điều này cho thấy Anh có vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống tài chính.

Trong bối cảnh các đợt tăng lãi suất mạnh bạo của Mỹ gây ra căng thẳng trên các thị trường thế giới, những lời kêu gọi các nước phối hợp để xoa dịu thị trường ngày càng xuất hiện nhiều.

Ông Padhraic Garvey, Giám đốc đầu tư nợ và lãi suất toàn cầu tại ING Americas nói: “Để kiềm chế lạm phát, chúng ta cần có phản ứng trên quy mô toàn cầu để làm dịu nhu cầu. Rõ ràng khi Thủ tướng và chính phủ Anh nới lỏng chính sách tài khóa, hành động của họ không làm dịu nhu cầu”.

Tùng Lâm/theo Reuters
Bạn đang đọc bài viết Thế giới có thể vạ lây vì náo loạn ở thị trường tài chính Anh tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan