Sự chao đảo của thị trường toàn cầu không khiến Fed bận tâm
TCDN - Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện rằng họ không dao động trước biến động dữ dội ở Mỹ cũng như thị trường toàn cầu.
Hôm 26/9, bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Cleveland của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), thừa nhận rằng bà và quan chức Fed có thể thấy những tương tác của thị trường toàn cầu với chính sách tiền tệ của Mỹ.
"Biến động trên thị trường toàn cầu có thể tác động đến quyết định của nhà đầu tư và giá trị của đồng USD thực sự có ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Song, khi nói về mục tiêu của Fed, thì chúng tôi nhất định sẽ thiết lập chính sách sao cho giá cả ở Mỹ ổn định trở lại, dù chúng tôi có thể cân nhắc phần nào đến môi trường tài chính hiện nay", bà nói.
Phát biểu tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) mấy ngày trước đó, bà Mester lập luận rằng việc quá nhẹ tay trong cuộc chiến chống lạm phát có thể gây hại nhiều hơn là quá mạnh tay.
Cùng ngày 26/9, phóng viên đã hỏi ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, là liệu ông có thấy rằng nhà đầu Mỹ đã quá lạc quan về chính sách của Fed cho đến cuộc bán tháo mạnh gần đây hay không. Ông đáp rằng tâm lý của nhà đầu tư không phải là điều quan trọng.
Reuters dẫn lời ông Bostic: “Tôi không biết liệu nhà đầu tư quá lạc quan hay chưa đủ lạc quan. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải kiểm soát lạm phát. Cho đến khi đạt được điều đó, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy rất nhiều biến động từ mọi hướng trên thị trường”.
Đề xuất cắt giảm thuế của chính quyền tân Thủ tướng Anh Liz Truss có nguy cơ khiến chính sách tài khóa của Anh xung đột với nỗ lực khống chế giá cả bằng cách tăng lãi suất của ngân hàng trung ương.
Các tín hiệu trái chiều đã khiến bảng Anh trượt dốc xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm. Thị trường tài chính thế giới vẫn đang phải vật lộn với các đợt tăng lãi suất của Fed lại tiếp tục hứng chịu thêm đợt biến động mới.
Ông Bostic bình luận: “Phản ứng của thị trường toàn cầu với kế hoạch do chính phủ Anh đề xuất đúng là yếu tố đáng ngại, cho thấy sự bất an về triển vọng kinh tế Anh. Câu hỏi quan trọng là kế hoạch này sẽ gây ra tác động gì đến nền kinh tế châu Âu đang trên đà suy yếu, vì đây là yếu tố quan trọng cần xem xét đối với nền kinh tế Mỹ”.
Quyết tâm mạnh để kiềm chế lạm phát
Tuần trước, Fed đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản (bps) lần thứ ba liên tiếp, nâng tổng mức tăng lãi suất trong năm nay lên 300 bps. Trong những tuần gần đây, các quan chức Fed kiên quyết rằng họ sẽ kéo lãi suất lên đến mức cần thiết để hạ nhiệt lạm phát – dẫu cái giá phải trả là thất nghiệp gia tăng và nguy cơ suy thoái.
Một số lĩnh vực trong nền kinh tế đã cảm nhận rõ hệ lụy từ chiến dịch tăng lãi suất của Fed. Lãi suất vay thế chấp mua nhà đã tăng gấp đôi lên hơn 6%, doanh số bán nhà sụt giảm.
Tại MIT, bà Mester liên tục bị hỏi về thị trường nhà đất, và thậm chí có người còn bày tỏ nghi vấn rằng phải chăng Fed đã đi đủ xa. Tuy nhiên, nữ quan chức Fed vẫn giữ nguyên lập trường.
Bà phát biểu: “Quá trình dập lạm phát sẽ đầy đau đớn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Nhưng để đẩy lạm phát xuống, chúng ta sẽ phải kéo lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn những gì chúng ta đã tưởng”. Bà nói thêm rằng cá nhân bà phải thấy tỷ lệ lạm phát so với tháng trước đó đi xuống vài lần liên tiếp thì mới tin rằng áp lực giá cả đã đạt đỉnh.
Trong sự kiện khác tại Phòng Thương mại Greater Boston, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston là bà Susan Collins cũng lặp lại quan điểm của các đồng nghiệp là cuộc chiến với lạm phát hiện nay có tầm quan trọng vô cùng lớn.
Susan Collins đánh giá rằng hiện tại lạm phát vẫn quá cao. Tuy nhận thấy tốc độ gia tăng của giá cả có lẽ đã lên đến đỉnh hoặc gần đạt đỉnh nhưng bà vẫn khẳng định: “Đưa lạm phát quay về ngưỡng mục tiêu vẫn sẽ đòi hỏi Fed phải thắt chặt chích sách tiền tệ hơn nữa”.
Fed đặt mục tiêu đưa lạm phát đo lường theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) về mức 2%. Số liệu gần nhất cho tháng 7 cho thấy chỉ số này tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu tháng 8 sẽ được công bố vào ngày 30/9.
Giới chức Fed thường bị chỉ trích là quá nuông chiều thị trường tài chính. Nhưng gần đây, các quan chức không cho thấy dấu hiệu nào rằng cuộc bán tháo hiện tại sẽ khiến họ thay đổi lộ trình chính sách. Gần như chắc chắn rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất chừng nào giá cả và tiền lương tiếp tục tăng và thị trường lao động vẫn duy trì sức mạnh.
Chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 12% kể từ khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra thông điệp cứng rắn tại hội nghị các ngân hàng trung ương ở Jackson Hole, rằng nền kinh tế phải chấp nhận “nỗi đau” để ghìm cương lạm phát.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899