Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ như thế nào khi nguồn vốn ngoại được “bơm” vào?

08/06/2024, 16:21
báo nói -

TCDN - Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang được quan tâm nhiều từ các nhà đầu tư nước ngoài, bởi đây là thị trường tiềm năng với quy mô hiện khoảng 2,8 tỷ USD và theo dự báo đến năm 2030 sẽ gấp 10 lần, độ thâm nhập thị trường ở mức 1%GDP.

Sự phân hóa và nhóm đầu đang hưởng lợi từ quá trình hợp tác

Theo quan sát trong những năm gần đây việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại thị trường Việt Nam có thể thấy được sự phân hóa của một số doanh nghiệp trên cùng một thị trường.

Sự phân hóa trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam khi các nhà đầu tư nước ngoài bơm vốn.

Sự phân hóa trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam khi các nhà đầu tư nước ngoài "bơm" vốn.

Theo đó, với việc tiếp cận và nhận nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài khá sớm đã giúp một số doanh nghiệp lớn đang dần chiếm lĩnh thị trường, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và các nhà đầu tư ngoài cũng đang được hưởng lợi.

Cùng với đó là nhóm khá đông những doanh nghiệp nhỏ, có vị thế thấp trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm với kỳ vọng phát triển trong tương lai. Theo đó, đã có những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ này nhưng đa số vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Theo số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam từ 2019 - 2023 cho thấy, top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu đang chiếm đến 78% doanh thu, đây là các doanh nghiệp sở hữu mạng lưới phân phối rộng và thương hiệu mạnh, cụ thể: PVI, Bảo Việt, PTI, Bảo Minh, MIC…

Các doanh nghiệp thuộc top 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dẫn đầu thị trường này đa số được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ sinh thái tập đoàn Nhà nước, tổ chức tín dụng đứng phía sau.

Đơn cử, đứng đằng sau PVI đó là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, PTI là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, MIC là Ngân hàng quân đội MBBank, VBI là Ngân hàng Vietinbank, hay như Bảo Minh, Bảo Việt là 2 DN bảo hiểm phi nhân thọ lâu đời nhất tại Việt Nam.

Cùng với đó là khả năng am hiểu thị trường và khách hàng qua đó thiết kế ra những sản phẩm phù hợp nhất, cũng như tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, thông qua việc xây dựng và đào tạo được đội ngũ tư vấn viên có trình đô chuyên môn cao, cùng với khâu giải quyết bồi thường được quan tâm và đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng. Đây là một trong những điểm mạnh cốt lõi góp phần giúp các doanh nghiệp này duy trì trong top đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 năm vừa qua.

Từ những lợi thế và chiến lược phát triển nêu trên, cho nên nhóm doanh nghiệp trong top dẫn đầu này đã hấp dẫn và thu hút được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài từ khá sớm.

Đầu tiên, có thể kể đến các cái tên nhà đầu tư nước ngoài chiến lược tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ như: HDI Global SE (Đức), Funderburk Lighthouse (quỹ đầu tư của Chính phủ Oman), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) trong cơ cấu cổ đông của PVI, hay như tập đoàn Tài chính Bảo hiểm AXA (Pháp) và Công ty TNHH Firstland được cho là đang nắm giữ hơn 20% vốn của bảo hiểm Bảo Minh.

Tương tự, Hyundai Marine & Fire Insurance - HMFI cũng đã mua cổ phần để nắm giữ 25% vốn điều lệ của VBI, đồng thời trở thành cổ đông lớn thứ 2 (sau cổ đông lớn nhất là VietinBank). Bangkok Insurance và PICC P&C (Tập đoàn bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc) đã có sự hợp tác với Bảo Việt từ năm 2018. Hay như tại PTI, ông lớn DB Insurance doanh nghiệp bảo hiểm đứng thứ 2 của Hàn Quốc nắm giữ gần 37% vốn.

Theo quan sát của các chuyên gia, sự xuất hiện các nhà đầu tư ngoại cho đến nay được cho là chưa tạo ra được nhiều dấu ấn về nhân sự, quản trị, công nghệ hay thị trường trong vai trò nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, các nhà đầu tư ngoại dường như khá an tâm khi khoản đầu tư luôn được đảm bảo hiệu quả.

Vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường

Trái ngược với nhóm nằm trong top đầu thì 22 doanh nghiệp còn lại chỉ đang chiếm 22% thị phần lại đang cạnh tranh khắc nghiệt, tìm chỗ đứng trên thị trường, cụ thể: BIC, BSH, PJICO, VNI, GIC và ABIC, nhóm này được biết đến với nhiều thương vụ rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. 

Điểm đáng chú ý, trong số nhóm xếp dưới này đang có những cái tên được kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến tốt trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam khi đang có sự đồng hành của các nhà đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, cho dù được kỳ vong sẽ có sự chuyển biến tốt nhưng vẫn còn cách khá xa so với nhóm nằm trong top đầu về doanh thu và thị phần.

Năm 2023, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) khi doanh thu đạt 4.774 tỷ đồng, tăng trưởng 26,5% so với năm 2022.

Năm 2023, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) khi doanh thu đạt 4.774 tỷ đồng, tăng trưởng 26,5% so với năm 2022.

Cụ thể, theo thông tin từ Đại hội cổ đông thường niên gần đây đã đã cho thấy sự khởi sắc trong kinh doanh năm 2023 của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) khi doanh thu đạt 4.774 tỷ đồng, tăng trưởng 26,5% so với năm 2022, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 4.602 tỷ đồng, tăng trưởng 27,9% so với năm trước, cao hơn gần gấp 10 lần mức tăng trưởng chung toàn thị trường, giúp BIC vươn lên vị trí thứ 6 thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Theo đó, BIC cũng đặt mục tiêu lọt vào top 5 nhà bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất vào năm 2025 với sự hậu thuẫn của nhà đầu tư ngoại là Fair Fax Asia chiếm 35% cổ phần. Cụ thể, mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng công ty mẹ năm 2024 đạt gần 5.600 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7%.

Cùng với đó, năm 2023 lần đầu tiên PJICO cán mốc 4.000 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của PJICO đạt 283,68 tỷ đồng, hoàn thành 111% kế hoạch, tăng trưởng 12,3% so với năm 2022.

Theo đó, năm 2024, PJICO đặt mục tiêu dự kiến doanh thu đạt 4.768 tỷ đồng, duy trì tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc bình quân tối thiểu 3-5%/năm, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 3%/nă. Tại doanh nghiệp này đang có nhà đầu tư ngoại là Samsung Fire & Marine Insurance sở hữu khoảng 20% vốn. 

So với BIC VÀ PJICO thì PVI có con số doanh thu gấp gần 3 lần, cụ thể: năm 2023, toàn hệ thống PVI đã hoàn thành các chỉ tiêu với tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.083 tỷ đồng, Bảo Việt đạt 11.752 tỷ đồng, còn Bảo Minh là hơn 6.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại DB Insurance với thương vụ đầu tư vào VNI và BSH, sau nhiều năm đầu tư ở PTI đang gây nên nhiều sự quan tâm.

Nhà đầu tư ngoại DB Insurance với thương vụ đầu tư vào VNI.

Nhà đầu tư ngoại DB Insurance với thương vụ đầu tư vào VNI.

Cụ thể, tính đến ngày 31/01/2024, sau giao dịch thành công, Bảo hiểm DB Hàn Quốc, sở hữu 75% cổ phiếu (tương đương 75 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 75% vốn điều lệ) và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ Nghệ, sở hữu 11,55% cổ phiếu (tương đương 11.550.000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 11,55% vốn điều lệ) và trở thành cổ đông lớn của VNI.

Việc Bảo hiểm DBI trở thành cổ đông lớn sẽ giúp VNI tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn từ Hàn Quốc cùng mạng lưới hoạt động toàn cầu. DBI sẽ hỗ trợ VNI phát huy năng lực, phát triển, nâng cấp công nghệ thông tin nhằm thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường bảo hiểm, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng, phát triển sản phẩm mới, tăng năng lực tái bảo hiểm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc khách hàng và tạo các cơ hội mở rộng, phát triển VNI trong tương lai.

Về phía BSH, doanh nghiệp này cũng đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng 75% cổ phần cho DB Insurance. Như vậy, hiện DB đang nắm 75% vốn điều lệ tại VNI, BSH và 37% vốn điều lệ PTI.

Những diễn biến tích cực của một vài doanh nghiệp trên cho thấy các nhà đầu tư ngoại rất kỳ vọng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam và họ sẵn sàng đổ vốn cho tương lai.

Tuy nhiên, trong sự cạnh tranh khốc liệt, những thương hiệu nhỏ đang ngày bị chèn ép và đánh mất vị trí. Một số cái tên ở nhóm dưới như GIC, ABIC, Bảo Long… có điểm chung là đã có nhà đầu tư ngoại vào từ nhiều năm. Các nhà đầu tư ngoại đều là những tên tuổi lớn trên thế giới nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thể hiện được gì nhiều và doanh nghiệp của họ cũng vất vả chuyện giữ được 1 - 3% thì phần để tồn tại.

Đồng thời, có doanh nghiệp còn bị giảm thị phần như ABIC từ 3,3% năm 2019, xuống còn 2,8% năm 2023, GIC cũng mất 0,4% thị phần trong 4 năm từ 2,6% xuống còn 2,2%. Tương tự Bảo Long giảm 0,4% thị trường khi chỉ còn chiếm 1,8% năm 2023 so với con số 2,2% cách đây 4 năm.

Theo đó, các chuyên gia đều nhận định rằng, với đặc thù của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và sự cách xa trong xếp hạng của nhóm nằm trong top dẫn đầu và nhóm xếp dưới là một khoảng cách khá xa. Cho nên, các nhà đầu tư ngoại ở các doanh nghiệp nhóm nằm dưới cũng không có nhiều hy vọng, họ sẽ buộc phải chờ đợi và đối đầu với nhiều rủi ro trong quá trình phát triển để dành thị phần và doanh thu.

PV
Bạn đang đọc bài viết Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ như thế nào khi nguồn vốn ngoại được “bơm” vào? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bảo hiểm Hàng không có tân Chủ tịch
Trước khi đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của Bảo hiểm Hàng không, ông Lê Tuấn Dũng là Thành viên HĐQT của Bảo hiểm Hàng không tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.