Thu nhập ngoài lãi là kỳ vọng của cổ phiếu ngân hàng dịp cuối năm
TCDN - Bên cạnh thu nhập ngoài lãi, mạng lưới CASA bán lẻ sẽ là động lực tăng trưởng đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng trong những tháng còn lại của năm.
Sau đà tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tiếp giảm và phân hóa rõ rệt kể từ đầu tháng 7 đến nay. Giới đầu tư chứng khoán tỏ ra thận trọng hơn với nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi các phân tích đều lo ngại về sự giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng hậu đại dịch. Trong tháng 8, nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục biến động mạnh
Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tổng thu nhập hoạt động (TOI) toàn ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, song mức tăng sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm khi Ngân hàng Nhà nước trở nên thận trọng trong việc cấp hạn mức tín dụng.
Động lực từ thu nhập ngoài lãi
VDSC dự báo tăng trưởng thu nhập ngoài lãi trở thành động lực dẫn dắt chính và duy trì bền vững nhờ các xu hướng ổn định của mảng bancassurance và thanh toán, dư địa tăng trưởng nhờ kinh doanh trái phiếu và tiềm năng thu hồi nợ xấu.
Các chuyên gia kỳ vọng thu nhập mảng bancassurance nửa cuối năm sẽ duy trì tốt nhờ quá trình số hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc tư vấn mua bảo hiểm mà không chịu ảnh hưởng từ giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thế mạnh và tăng trưởng mảng này phân hóa giữa các ngân hàng và đối tác. Thu nhập lãi thuần trong 6 tháng cuối năm dự kiến tăng trưởng chậm hơn. Báo cáo cho rằng sự khác biệt sẽ ở NIM, các ngân hàng sẽ hưởng lợi khi lãi suất cho vay không chịu tác động và tỷ lệ CASA tăng.
Giai đoạn 6 tháng đầu năm, một số ngân hàng được hỗ trợ bởi khoản mục bất thường, trong đó đáng chú ý là khoản phí trả trước tại MSB và Vietcombank. Theo VDSC, nếu không nhờ khoản thu nhập ấy, Vietcombank sẽ rớt xuống vị trí đứng thứ ba hoặc tư trong nhóm có thu nhập dịch vụ thuần lớn nhất, tương tự với MSB.
Đà mở rộng của NIM thu hẹp vì lãi suất giảm
Theo báo cáo của VDSC, NIM của các ngân hàng công bố gói lãi suất ưu đãi mới sẽ bị áp lực hơn do hạn chế dư địa điều chỉnh lãi suất huy động.
Báo cáo lập luận rằng, do chênh lệch kỳ hạn và tái định giá, diễn biến giảm lãi suất ở các ngân hàng thực hiện đã không đồng nhất về mức độ, thời gian và tốc độ tùy thuộc vào cơ cấu danh mục cho vay. Hiện trang ấy sẽ gây áp lực lên NIM, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả tăng trưởng bảng cân đối.
Các chuyên gia cho rằng lợi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2021 với các gói hỗ trợ mới, nhưng mức độ ảnh hưởng vẫn sẽ phân hóa. Năm 2022, lãi suất cho vay có thể tăng trở lại nếu nỗ lực kiểm soát dịch phát huy hiệu quả.
CASA cải thiện với tốc độ khác nhau giữa các ngân hàng
Trong nửa cuối năm 2021, tỷ lệ thâm nhập bán lẻ của các ngân hàng sẽ được hỗ trợ bởi xu hướng thanh toán không tiền mặt và chuyển đổi số, khiến cuộc đua CASA trở nên cạnh tranh hơn về phí và cải thiện CASA với tốc độ khác nhau giữa các ngân hàng, theo báo cáo của VDSC.
Báo cáo cho thấy cuộc đua CASA trở nên gay gắt ở phía các ngân hàng hàng đầu, khiến các ngân hàng nhỏ và ngân hàng truyền thống tụt lại phía sau.
Các chuyên gia cho rằng các ngân hàng lớn thường có thị phần CASA cao hơn và cấu trúc huy động tốt, do đó sở hữu chi phí huy động thấp.
Với các ngân hàng nhỏ, chi phí huy động có ảnh hưởng đến khả năng định giá các sản phẩm cho vay, dẫn đến nhiều rủi ro hơn đối với danh mục cho vay và NIM, từ đó tác động tới lợi nhuận và tăng trưởng bảng cân đối của ngân hàng.
Theo VDSC, trước đây, CASA bán lẻ chưa được quan tâm nhiều vì tỷ trọng đóng góp thấp, ngân hàng số chưa phát triển và hành vi người tiêu dùng thay đổi chậm. Trong khi các ngân hàng lớn hàng đầu có các lợi thế về mối quan hệ với các tập đoàn lại tạo ra khác biệt với tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp cao.
Trong tương lai, báo cáo nhận định các sản phẩm cho vay của ngân hàng sẽ được dẫn dắt bởi yếu tố tiện lợi, khả năng tiếp cận và tốc độ xử lý sẽ có lợi thế về mạng lưới CASA bán lẻ.
VDSC cũng chỉ ra sự chuyển dịch trong cơ cấu huy động sang kỳ hạn ngắn hơn. Kết hợp với tỷ lệ CASA tăng, nền tảng huy động của toàn ngành ngân hàng sẽ cải thiện.
Các chuyên gia kỳ vọng xu hướng tái cơ cấu danh mục tiền gửi của khách hàng sẽ sớm kết thúc, kéo theo lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đi ngang trong nửa sau năm 2021. Động lực cho cải thiện chi phí huy động và lãi suất tiền gửi bình quân sẽ phụ thuộc đà tăng trưởng CASA.
Ngoài ra, báo cáo cho rằng các ngân hàng có tỷ lệ hình thành nợ xấu cao, chi phí tín dụng trung bình, nợ tái cơ cấu lớn và tăng trưởng tổng tài sản sẽ dễ bị tác động và nhạy cảm hơn với những cú sốc có thể kể đến như VPBank hay BIDV.
Trong khi đó, Vietcombank và Techcombank là những ngân hàng thận trọng với diễn biến dịch, có khả năng tài chính để hấp thụ chi phí tín dụng đột biến, và nền tỷ lệ hình thành nợ xấu thấp được kỳ vọng sẽ có dư địa tốt trong nửa cuối năm 2021.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899