Thủ tướng: Chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn
TCDN - "Các giải pháp mới nhất theo Chỉ thị 16 vừa ban hành mang tính “tiền khẩn cấp”, là để dãn cách xã hội. Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình".
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số nội dung như: các kịch bản ứng phó dịch COVID-19, chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch và một số vấn đề khác, chiều 31/3.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đặt vấn đề: Về các kịch bản ứng phó dịch, “trong tình huống xấu nhất thì phương án của Chính phủ là gì để không bị động, nhất là phương án về huy động nguồn lực và các biện pháp cần thiết khác?”,
Theo Thủ tướng, chúng ta không mong tình huống xấu này xảy ra, nhưng nếu xảy ra thì phải ứng phó chủ động hơn, quyết liệt hơn với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã khẳng định: Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn, đồng thời nhấn mạnh việc bảo đảm đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.
Trước đó, đại diện Bộ Y tế đã báo cáo về các tình huống, cấp độ bùng phát của dịch và các kịch bản triển khai với mỗi tình huống này, trong đó, lường trước cả tình huống xấu nhất.
Thủ tướng cho rằng, vấn đề an sinh xã hội cũng vô cùng cấp thiết, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp, nếu không chủ động giải quyết vấn đề này thì khó khăn cho đất nước. Do đó, cuộc họp tập trung bàn về đối tượng, mức hỗ trợ và nguồn lực thực hiện, từ đó, sẽ báo cáo vấn đề quan trọng này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày mai, 1/4.
Đây là vấn đề cấp bách, vì “qua mấy tháng vừa rồi, nhiều người khổ lắm, nhất là thất nghiệp, không có việc làm, nhiều gia đình rất khó khăn. Chúng ta thấu hiểu được vấn đề này của người dân, của người công nhân, viên chức…”.
Trao đổi với báo chí chiều nay, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Chỉ thị 16 với nội dung cách ly toàn xã hội là biện pháp cao hơn, để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, nhưng đây không phải là yêu cầu phong toả.
“Không có chuyện phong toả”, ông Dũng nhấn mạnh, đồng thời nói thêm: “Chỉ thị nhằm tiếp tục đưa ra các giải pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh, nhưng chưa phải là lệnh cấm người dân ra đường”.
“Các cửa hàng bán đồ thiết yếu vẫn hoạt động. Các nhà máy vẫn sản xuất nhưng phải có phương án bảo vệ công nhân, người lao động. Xe cá nhân vẫn đi từ Hà Nội về các tỉnh lân cận nhưng phải thật cần thiết, nếu không, người dân không nên rời khỏi nhà, nơi đang cư trú. Những nhu cầu đi lại này Chỉ thị không cấm, nhưng nên hết sức hạn chế”, ông Dũng nói thêm.
Về danh mục các nhà máy, cửa hàng thiết yếu mở cửa, theo ông Dũng, sẽ do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố lênh danh mục, nhưng tinh thần là bán hàng thiết yếu như xăng dầu, gạo, thực phẩm sẽ mở cửa liên tục.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899