Thủ tướng: Không “hình sự hóa” các tranh chấp dân sự, kinh tế
TCDN - Kiên quyết khắc phục cả hai xu hướng “hình sự hóa” các quan hệ, tranh chấp dân sự, kinh tế và xu hướng “dân sự hóa” các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hành vi phạm tội hình sự.
Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác ngành tòa án năm 2021, diễn ra ngày 21/12.
Theo đó, trong đó năm 2020, ngành đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,4%. Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu đề ra.
Về xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, kết án oan người không có tội. Các tòa án đã thụ lý 386.165 vụ với 650.546 bị cáo; đã giải quyết được 384.209 vụ với 641.616 bị cáo, đạt tỉ lệ 99,5% về số vụ và 98,6% về số bị cáo.
Đã xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm như vụ án Nguyễn Văn Dương-Phan Sào Nam; Phan Văn Anh Vũ; Trịnh Xuân Thanh; Đinh La Thăng... Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Các tòa án cũng đã đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc nhiều bị cáo vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, tăng cường tính răn đe, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Về giải quyết các vụ án hành chính, các tòa án đã thụ lý 36.354 vụ, đã giải quyết được 32.466 vụ, đạt tỉ lệ 89,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Các tòa án đã chú trọng việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021 diễn ra ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi lên là tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù đã có nhiều tiến bộ và năm sau đạt tỉ lệ cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Thời gian giải quyết nhiều vụ án kinh doanh, thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp còn kéo dài, chất lượng giải quyết chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Những hạn chế này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, ảnh hưởng tới vị trí xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Theo Thủ tướng cần phải tiếp tục cải cách, đổi mới để nền tư pháp Việt Nam phát triển hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Đây là thử thách lớn đối với hệ thống tòa án, các đồng chí phải xác định cải cách tư pháp chính là động lực phát triển để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tòa án.
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân, oan, sai mới được loại trừ, vi phạm mới được khắc phục và tòa án mới thực sự giữ vị trí là trung tâm của hệ thống tư pháp.
Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, phải bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Kiên quyết khắc phục cả hai xu hướng “hình sự hóa” các quan hệ, tranh chấp dân sự, kinh tế và xu hướng “dân sự hóa” các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hành vi phạm tội hình sự.
Trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, cần có giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, bảo đảm không để án quá hạn theo quy định của pháp luật. Phấn đấu cải thiện, nâng hạng chỉ số giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Việt Nam xếp hạng dưới 100 theo chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những yếu kém trong công tác xét xử để khắc phục; kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống để xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899