Thủ tướng: Thực hiện thực chất cơ cấu lại nền kinh tế
TCDN - Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nghiên cứu, tham mưu triển khai, thúc đẩy các mô hình, lĩnh vực kinh tế mới, như bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...
Sáng 11/1, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Bộ Kế hoạch và Đầu cần làm tốt chức trách và nhiệm vụ được giao, phát huy cao nhất vai trò là cơ quan tổng tham mưu, phát huy kết quả đạt được, không say sưa, thỏa mãn, chủ quan, lơ là, chuẩn bị tâm thế, phản ứng chính sách và nguồn lực với dự báo tình hình tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023, làm việc tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong năm 2024.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" với tinh thần "Năm quyết tâm", với một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác điều phối kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước, nhất là chính sách cho đổi mới sáng tạo. Bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Thứ ba, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nghiên cứu, tham mưu triển khai, thúc đẩy các mô hình, lĩnh vực kinh tế mới, như bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... Thủ tướng lưu ý làm tốt nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Đồng thời, ông cũng lấy ví dụ rất đáng mừng về việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu thành công việc sản xuất vật liệu mới, nhiên liệu mới từ khí CO2.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chống cơ chế "xin-cho" đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thứ năm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp.
Thứ sáu, làm tốt công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực từ bên ngoài trong bối cảnh khó khăn.
Thứ bảy, làm tốt nhiệm vụ Thường trực Tiểu ban Kinh tế-Xã hội để xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng.
Thứ tám, coi trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Điểm lại những kết quả nổi bật trong năm 2023 và những năm gần đây của ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc phát triển hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về phát triển, phù hợp với thế và lực mới của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trong đầu tư công, chúng ta đã nỗ lực khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… cho đột phá hạ tầng của đất nước.
Cụ thể như đã giảm từ khoảng 60 chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 xuống 21 chương trình giai đoạn 2016-2020, đến nay chỉ còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2016-2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025. Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km.
Công tác kế hoạch, quản lý nhà nước đã thay đổi tư duy mạnh mẽ, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, tập trung vào nghiên cứu những vấn đề lớn của đất nước ở tầm vĩ mô, như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, mô hình kinh tế mới…
Việc hoàn thành mục tiêu cơ bản trình, phê duyệt xong các quy hoạch trong năm 2023, tạo không gian mới, động lực tăng trưởng mới, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương trong trung và dài hạn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899