Cơ cấu lại nền kinh tế: Hơn nửa chỉ tiêu khó hoàn thành

28/09/2023, 08:21
báo nói -

TCDN - Báo cáo Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, còn 13 trong số 23 chỉ tiêu rất khó hoàn thành.

Chiều ngày 27/9, Uỷ ban Kinh tế đã thẩm tra báo cáo Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết còn 13 trong số 23 chỉ tiêu rất khó hoàn thành. Đó là các chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2021, 2022 đạt thấp, ước lần lượt đạt khoảng 4,58% và 4,75% và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đặt ra là 6,5%; tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm năm 2022 bình quân ước đạt 5,33%, tốc độ tăng năng suất lao động của 3 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương chưa đạt mục tiêu.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp, đạt 6,9% năm 2021 và 2,97% năm 2022 so với mục tiêu 6,5-7%/năm; chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp đạt thấp, đến cuối năm 2023 ước đạt khoảng 900 nghìn doanh nghiệp, còn thấp xa so với mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp; chỉ tiêu về số lượng hợp tác xã (HTX) đến năm 2022 là 29.380 HTX, tính đến tháng 6 năm 2023 cả nước có khoảng 30.400 HTX (mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 35.000 HTX). Các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng mặc dù cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát nhưng nhiều thách thức gia tăng.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm đã đạt được một số kết quả, tạo dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ được sử dụng linh hoạt, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng.

Trong đó, phải kể đến kết quả về cơ cấu lại đầu tư công với thể chế, pháp luật về đầu tư công được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh phân công, phân cấp, quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh giải ngân các dự án, tăng khả năng hấp thụ vốn

Bên cạnh đó, một số chính sách quan trọng, tạo tiền đề cho quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục được ban hành. Hệ thống luật pháp liên quan đang được nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung. Các chính sách về tài chính, thuế, chế độ thu, chi NSNN được chỉnh sửa, bổ sung, ban hành mới theo hướng hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế và tiến trình thực hiện cam kết quốc tế. Các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí tiếp tục được áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phục hồi. Gia tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Đảm bảo cân đối NSNN, nợ công trong ngưỡng cho phép.

Đồng thời đã từng bước xây dựng đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục tăng quy mô hệ thống các TCTD, củng cố, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành, từng bước hình thành đồng bộ các chuẩn mực, thiết chế an toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Chú trọng kiểm soát các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu; từng bước xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD.

Các loại thị trường về tài chính, thị trường bất động sản, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ tiếp tục được phát triển, chú trọng tính bền vững và tăng cường ứng dụng công nghệ số.

Thị trường bất động sản, thị trường quyền sử dụng đất đang được thể hoá cùng với hoàn thiện Luật Đất đai theo hướng cải thiện hiệu quả trong vận hành thị trường quyền sử dụng đất. Ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, cải thiện sự mất cân bằng trên thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của số đông người dân. Tập trung giám sát, các biện pháp xử lý kịp thời những hành vi thao túng, làm méo mó thị trường.

Tờ trình Chính phủ cũng nêu rõ kết quả trong việc tiếp tục phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong đó, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục được hoàn thiện bằng khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách cơ cấu lại DNNN tiếp tục được ban hành. Tích cực tháo gỡ khó khăn, đưa nhiều dự án có vai trò quan trọng đi vào vận hành. Tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, cải thiện hiệu quả hoạt động của các DNNN. Một số DNNN thể hiện được vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực…

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Cơ cấu lại nền kinh tế: Hơn nửa chỉ tiêu khó hoàn thành tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Mỹ giảm thuế đối với cá tra của Việt Nam
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo kết quả sơ bộ xem xét hành chính về thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, mức thuế đã được giảm so với trước đây.