Thủ tướng yêu cầu đề xuất lộ trình điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục

23/06/2024, 19:40
báo nói -

TCDN - Thủ tướng chỉ đạo các Bộ đề xuất cụ thể lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ, trong đó có giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục.

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tại Công điện số 61 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Lãnh đạo Chính phủ nhận định, thời gian tới, áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện; chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải đường biển xu hướng tăng; việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương... đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động đánh giá, nắm bắt tình hình để có kế hoạch ứng phó, giải pháp phù hợp, hiệu quả, sát thực tiễn.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục...).

Thủ tướng yêu cầu 4 Bộ này phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng trước 30/6.

Người đứng đầu chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê, các cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, cụ thể, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm.

Từ đó, các Bộ ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các biện pháp phù hợp, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4 - 4,5% theo đúng nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu khoảng 4%.

Bộ Tài chính cũng được Thủ tướng chỉ đạo chủ động đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện công tác quản lý, điều hành giá của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để xem xét, quyết định khi cần thiết.

Việc điều chỉnh giá, Thủ tướng cho rằng phải theo mức độ, thời điểm phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Về công tác quản lý, điều hành giá đối với mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, trong mọi tình huống không để thiếu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu theo quy định.

Đồng thời, Bộ Công Thương cần tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu; kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện hóa đơn điện tử.

Đối với mặt hàng điện, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các mặt hàng xem xét điều chỉnh giá, người đứng đầu Chính phủ quán triệt các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá để chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án điều chỉnh giá.

Thủ tướng lưu ý, phương án điều chỉnh giá phải phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường theo đúng quy định với mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình sản xuất, biến động giá các yếu tố đầu vào, nhu cầu tiêu dùng của thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu như lúa gạo, thịt lợn, các vật tư nông nghiệp để kịp thời điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.

Đặc biệt là không để thiếu, khan hiếm lương thực, thực phẩm trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đối với dịch vụ vận tải hàng không, Thủ tướng quán triệt Bộ Giao thông vận tải thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm, ổn định năng lực vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay và thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm hè 2024 sắp tới.

Đối với dịch vụ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được yêu cầu chủ động nắm bắt thông tin về mức điều chỉnh học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2024 - 2025 để có đánh giá tổng thể về mức độ tăng và tình hình triển khai thực hiện

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, kiểm soát và điều hành không để tăng giá sách giáo khoa và các dịch vụ giáo dục bất hợp lý gây hậu quả lạm phát giá tiêu dùng.

PV
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng yêu cầu đề xuất lộ trình điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phó thủ tướng: Quy hoạch báo chí phải thực chất, có tính mở
Phó thủ tướng yêu cầu dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nguyên tắc phải bảo đảm thực chất, có tính mở và khả thi trong thực hiện nhưng không xung đột với các quy định, quy hoạch khác.