Thủ tướng yêu cầu tăng tốc sản xuất máy thở, thiết bị y tế

04/04/2020, 16:20

TCDN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tập huấn về điều trị, sàng lọc, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp.

Hiện một chiếc máy thở trên thế giới có giá từ 10.000 - 12.000 USD nhưng đang bị

Hiện một chiếc máy thở trên thế giới có giá từ 10.000 - 12.000 USD nhưng đang bị "cháy hàng".

Theo đánh giá của Thủ tướng, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta đang trong giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định. Đến nay ta đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh; việc khoanh vùng các ổ dịch, truy vết phát hiện, cách ly nguồn lây bệnh được thực hiện kịp thời, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng; đã điều trị khỏi 85 bệnh nhân, chưa để xảy ra tử vong, được nhân dân trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Trong bối cảnh tập trung phòng, chống dịch, kinh tế nhiều nước tăng trưởng âm, nước ta vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng 3,82% trong quý 1/2020 - mức cao nhất trong khu vực là kết quả đáng mừng. Các hoạt động như dự trữ, cung ứng các nhu yếu phẩm thiết yếu, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân gặp khó khăn do dịch bệnh được thực hiện tốt. Nhân dân đồng tình, tin tưởng và tích cực ủng hộ công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, nước ta vẫn có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng, đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền các cấp, lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, chần chừ.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị toàn thể nhân dân tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách, nhất là về cách ly toàn xã hội, hạn chế đi lại, di chuyển, góp phần cùng cả nước đẩy lùi đại dịch.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng đầy đủ kịch bản đối với mỗi trường hợp dịch lan rộng theo hướng chủ động hơn nữa, không để rơi vào tình trạng bị động, lúng túng; chỉ đạo xử lý triệt để các ổ dịch hiện có, hết sức lưu ý việc rà soát, sàng lọc để phát hiện và xử lý kịp thời các ca nhiễm, ổ dịch mới trong cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là các thành phố lớn đẩy mạnh dự trữ, bảo đảm sẵn sàng cho mọi tình huống và thực hiện tốt việc cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân với chất lượng, giá cả phù hợp; chú trọng quan tâm, chăm lo bảo đảm đời sống cho người nghèo.

Xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly, không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ; đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm, trục xuất người nước ngoài vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện việc viện trợ, hỗ trợ các nước Lào, Campuchia phòng, chống dịch trên cơ sở đề nghị, thống nhất với Bạn; xem xét việc hỗ trợ một số trang thiết bị, vật tư y tế cho các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam như: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha....

Bộ Quốc phòng khẩn trương thành lập đoàn cán bộ quân y sẵn sàng cơ động sang giúp bạn Lào phòng, chống dịch COVID-19.

Các Bộ, ngành, địa phương cần thay đổi mạnh mẽ tư duy, phương pháp làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc trực tuyến, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, phát triển nền kinh tế số.

Được biết, nhu cầu máy thở của thế giới đang có xu hướng vượt quá khả năng sản xuất.  Hiện một số hãng sản xuất công nghiệp lớn của thế giới, trong đó có cả hãng sản xuất xe ô tô như Ford cũng bắt tay sản xuất máy thở. Tập đoàn Vingroup cũng tạm dừng việc sản xuất ô tô để chuyển sang sản xuất máy thở, máy đo thân nhiệt.

Một máy thở hiện đại, đáp ứng được công năng trợ thở cho người mắc Covid-19 ở giai đoạn nặng, cần trợ thở hiện nay trên thế giới có giá trung bình từ 10.000 - 12.000 USD/máy.

Trong diễn biến có liên quan, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng vừa yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và các địa phương, cơ quan liên quan rà soát lại Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về xây dựng, thiết lập bệnh viện dã chiến, trong đó đề xuất bổ sung các địa điểm phù hợp để bố trí xây dựng bệnh viện dã chiến trên địa bàn.

Trước mắt tập trung các địa điểm, nhât là tại hai trung tâm đô thị lớn: Hà Nội, Tp.HCM.

Hải Tiến
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng yêu cầu tăng tốc sản xuất máy thở, thiết bị y tế tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tạm dừng ôtô, Vingroup bắt tay sản xuất máy thở
Tập đoàn Vingroup vừa công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam, kịp thời phòng chống đại dịch Covid-19. Đơn vị này dự kiến tạm dừng sản xuất tại nhà máy sản xuất ô tô của VinFast tại Hải Phòng từ ngày 6/4.