Thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN

28/03/2019, 09:42

TCDN -
Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia phát triển hệ thống công nghệ thông tin và chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu




173 thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia

Báo cáo Kết quả công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến ngày 30/01/2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 173 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với gần 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27 ngàn doanh nghiệp (Tính đến ngày 31/12/2018, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 153 thủ tục hành chính của 12 Bộ, ngành kết nối, với gần 1,8 triệu hồ sơ của 26.400 doanh nghiệp). Riêng năm 2018, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành đã hoàn thành triển khai mới 106 thủ tục, hoàn thành 77% (106/138 thủ tục) so với mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh việc triển khai tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước.

Nhìn chung, trong năm 2018, các Bộ, ngành đã có sự chuyển biến tích cực trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Đặc biệt là sau Hội nghị toàn quốc thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 24/7/2018, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia có sự phát triển đột phá, chỉ trong khoảng 5 tháng (từ ngày 24/7/2018 - 31/12/2018), các Bộ, ngành đã triển khai thêm được 100 thủ tục mới trên Cơ chế một cửa quốc gia.

Trong năm 2018, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia và đạt kết quả rất tốt. Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành 100% theo kế hoạch.

Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, đại diện Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Tính đến ngày 30/01/2019, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước ASEAN là: 63.428. Tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 108.753 (Tính đến ngày 31/12/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước ASEAN là: 59.053. Tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 98.820).

Bên cạnh triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, trong năm 2018, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất các yêu cầu kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ về trao đổi thông tin kết nối với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU); đồng thời tiến hành đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.

Như vậy, Việt Nam là một trong 5 nước ASEAN đầu tiên trao đổi C/O điện tử mẫu D, đồng thời Việt Nam cũng đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan điện tử ASEAN (ACCD) và chứng nhận kiểm dịch động thực vật.

Việc kết nối với các đối tác thương mại ngoài ASEAN như Liên minh Kinh tế Á - Âu và Hàn Quốc: Bộ Tài chính cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tiến hành đàm phán và thực hiện công tác chuẩn bị để triển khai theo kế hoạch đề ra.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, thời gian tới các Bộ ngành tiếp tục duy trì, nâng cấp, vận hành để đảm bảo hệ thống thông tin dữ liệu được thông suốt. Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành, hay cắt giảm các thủ tục phải đi vào thực chất. Qua đó phải đảm bảo mục tiêu, đó là vừa tạo thuận lợi thương mại nhưng vẫn chống được gian lận thương mại, tăng cường được khả năng quản lý. Các Bộ, ngành tiếp tục việc tăng cường sự phối hợp với nhau nhằm tạo thuận lợi, tránh việc chồng chéo.

Trong năm 2019, mục tiêu đề ra là phấn đấu hoàn thành triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia. Thực hiện trao đổi thông tin xuất xứ hàng hóa điện tử với liên minh kinh tế Á-Âu và Hàn Quốc. Thực hiện trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch động thực vật với các nước ASEAN theo kế hoạch chung.
Tiếp tục làm tốt vai trò điều phối

Để thúc đẩy việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, trong thời gian tới, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các giải pháp sau:

Một là, cơ quan thường trực làm tốt vai trò điều phối, thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc các Bộ, ngành trong việc triển khai, tham mưu sáng tạo, có trách nhiệm cho Ủy ban 1899 trong việc chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc triển khai của các Bộ, ngành thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó, tập trung rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung các nghị định, quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh theo định hướng: cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính; đơn giản hóa bộ hồ sơ, chứng từ cần phải nộp/xuất trình theo hướng áp dụng tối đa chứng từ điện tử; sử dụng lại các thông tin, chứng từ điện tử, quyết định hành chính thuộc thành phần hồ sơ đã được lưu trữ trên hệ thống một cửa quốc gia để thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia thay vì yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức nộp/xuất trình các thông tin, chứng từ, quyết định hành chính đó.

Ba là, tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin trên nền tảng công nghệ tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhằm đáp ứng tiến độ triển khai theo cam kết của Chính phủ, tiết kiệm và đảm bảo hiệu quả đầu tư, tận dụng nguồn lực cũng như tăng cường khả năng bảo mật, an toàn thông tin; đồng thời thí điểm thuê dịch vụ của bên thứ ba trong cung cấp các tiện ích cho cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Bốn là, cùng với xây dựng và triển khai đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới, thiết lập cơ chế giám sát, báo cáo và đánh giá độc lập. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của các Bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ thông qua việc công bố ấn phẩm về các báo cáo thường niên liên quan đến đo lường thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan; đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịnh vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Năm là, đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các Bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.


Thu Hằng - Tạp chí TCDN số 3/2019
Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận