Thuế đối ứng từ Mỹ: Tìm cơ hội trong thách thức
TCDN - Chính sách thuế của Mỹ dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại các ngành hàng, cải thiện năng lực sản xuất và thích ứng của doanh nghiệp Việt.
Việt Nam đang ở giai đoạn 90 ngày then chốt
Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định hoãn áp thuế đối ứng với hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam trong 90 ngày là một trong những thông tin tích cực. Sau cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, hai bên đã thống nhất sẽ khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế.
Ngày 12/4, Chính phủ cũng đã lập đoàn đàm phán thương mại với Mỹ, Trưởng đoàn là Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đảm nhận vị trí Phó trưởng đoàn. Nhiệm vụ của đoàn đàm phán là chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản, phương án đàm phán với Mỹ về thỏa thuận thương mại đối ứng, trên tinh thần bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đoàn sẽ đàm phán với Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại đối ứng phù hợp, cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi...
Đây là quãng thời gian cần thiết để xây dựng các kịch bản ứng phó, đánh giá đầy đủ mức độ tác động của chính sách thuế không chỉ đối với Việt Nam mà còn trong mối tương quan với các nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng gián tiếp. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trong giai đoạn này là điều kiện cần để Việt Nam không chỉ giảm thiểu tổn thất mà còn có thể thích ứng linh hoạt hơn trước các biến động thương mại ngày càng phức tạp trong môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay.

Việc đối mặt thuế đối ứng 46% từ Mỹ cũng là cơ hội để nền kinh tế chuyển đổi theo hướng bền vững hơn, nâng cao giá trị, giảm phụ thuộc vào hoạt động gia công lắp ráp, định vị lại vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tập trung thị trường nội địa và tận dụng các cơ hội từ bên ngoài
Trong bối cảnh thị trường quốc tế không ổn định và rào cản thuế quan từ Mỹ vẫn đang "treo lơ lửng", việc phát triển thị trường nội địa không chỉ là một chiến lược đối phó mà còn là bước đi dài hạn để giảm thiểu sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đảm bảo sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm trong nước, vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất và bảo vệ việc làm cho người lao động, giải quyết phần nào vấn đề tồn kho hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ được do rào cản thuế quan.
Bên cạnh đó, cần tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 Hiệp định Thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương. Đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới Trung đông, Mỹ Latin, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.

Áp lực thuế đối ứng từ Mỹ là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để cơ cấu lại các ngành hàng, cải thiện năng lực sản xuất và thích ứng của doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có chính sách quyết liệt hơn với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy phát triển trong nước, đáp ứng với các yêu cầu xuất xứ của các quốc gia...
"Đối với biện pháp thuế của Mỹ phản ảnh phần nào quan ngại, hoài nghi về xuất xứ, nguồn gốc về hàng hoá, tiêu chuẩn lao động. Đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các cơ quan quản lý truy xuất nguồn gốc, minh bạch đặc biệt trong các hàng hoá có nguyên vật liệu nhập từ các quốc gia khác. Qua đó chứng năng lực sản xuất thực chất của Việt Nam.
Về các giải pháp, theo tôi cần tăng cường đối thoại cấp cao với Mỹ. Thứ hai liên quan đến đàm phán, ngoại giao nhân dân cũng như vận động các doanh nghiệp, liên quan đến lợi ích của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để chúng ta có tiếng nói trong quá trình đàm phán. Thứ ba là liên quan đến năng lực nội tại về pháp lý và pháp luật trong việc xử lý các vụ kiện và phòng bị thương mại. Cuối cùng là hỗ trợ các doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đầu tư công nghệ và đa dạng hóa thị trường, đối với các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến quản trị chuỗi cung ứng và kỷ luật và tăng cường các kịch bản ứng phó phù hợp" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy chia sẻ.
Cơ cấu lại các ngành hàng, cải thiện năng lực sản xuất và thích ứng của doanh nghiệp Việt
Mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
“Thách thức từ bên ngoài là phép thử cho năng lực chuyển mình từ bên trong. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể biến cú sốc này thành cơ hội để bứt phá” - PGS.TS Ngô Trí Long.
Các doanh nghiệp trong nước cũng được khuyến nghị nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động cập nhật thông tin thị trường và điều chỉnh chiến lược phù hợp. Cùng với đó là đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu; tăng cường năng lực phòng vệ thương mại và sẵn sàng ứng phó với các biện pháp từ nước ngoài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giai đoạn này là cơ hội để cơ cấu lại các ngành hàng, cải thiện năng lực sản xuất và thích ứng của doanh nghiệp Việt.
Bà Lê Hằng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết: "Kịch bản có thể tháo gỡ hay đi theo hướng xấu nhất, đây cũng là bài học để cho các doanh nghiệp tỉnh giấc, không thể bỏ trứng vào một giỏ. Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề, chuyển hướng thị trường phù hợp."
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản cho biết: Gỗ Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 161 thị trường khác nhau. Ngành gỗ có chi phí logistis rất lớn trong khi Mỹ có điều kiện thuận lợị nên lâu nay ngành gỗ của chúng ta hướng đến thị trường Mỹ và đặt kỳ vọng lớn vào thị trường này. Tuy nhiên, trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, chúng ta cần cơ cấu lại ngành hàng, thậm chí nếu đưa xuất khẩu về 0 cũng chấp nhận để đạt được bước tăng trưởng mới.
Nhiều chính sách thuế để đồng hành cùng các doanh nghiệp
Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: Hiện nay, các giải pháp Bộ Tài chính đang thực hiện gồm một số chính sách thuế hỗ trợ gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp. Cụ thể: Nghị định số 81/2025/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nghị định cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 2, tháng 3, tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2025 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Nghị định số 82/2025/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2025: Nghị định quy định đối tượng được gia hạn gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong một số ngành kinh tế như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt… Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống… Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
Đối với công tác quản lý thuế, ngành thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có quan hệ với các công ty tại các quốc gia được coi là điểm trung chuyển. Việc này sẽ góp phần ngăn chặn việc lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển để lẩn tránh thuế, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng.
Đẩy nhanh giải quyết vướng mắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam để khơi thông dòng vốn lưu động của các doanh nghiệp, khuyến khích mở rộng đầu tư và sản xuất xuất khẩu....
email: [email protected], hotline: 086 508 6899