Thuế và các khoản phải nộp ngân sách của Becamex, Lizen, PV Drilling, CenLand....trong 6 tháng như thế nào?
TCDN - Trong quý 2, một số công ty như CTCP Lizen, Becamex, CenLand, PV Drilling...có thuế và các khoản phải nộp ngân sách biến động ra sao, kết quả kinh doanh có gì đáng chú ý?
LCG báo lợi nhuận sau thuế quý 2 giảm 75%
Dù lãi gộp tăng đến 52% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng quý 2/2023 của CTCP Lizen (Hose: LCG) vẫn giảm 75%, chỉ còn hơn 20 tỷ đồng. Cụ thể, quý 2, doanh thu thuần của LCG tăng 4% so với cùng kỳ, đạt hơn 418 tỷ đồng, chiếm phần lớn là doanh thu từ các hợp đồng xây dựng. Giá vốn gần như đi ngang, nhờ đó lãi gộp tăng 52% lên gần 54 tỷ đồng.
Về mặt chi phí, Công ty đã tiết giảm đáng kể chi phí tài chính và chi phí quản lý lần lượt 36% và 26%, còn gần 13 tỷ đồng và hơn 16 tỷ đồng. Dù vậy, doanh thu tài chính lại giảm khá mạnh, chỉ ghi nhận gần 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ hơn 111 tỷ đồng, tương đương giảm 98%.
Theo LCG, nguyên nhân sụt giảm do cùng kỳ, Công ty chuyển nhượng vốn góp tại công ty thành viên, qua đó ghi nhận doanh thu tài chính lớn. Với việc không còn khoản doanh thu tài chính đột biến như cùng kỳ, LCG chỉ lãi ròng hơn 20 tỷ đồng trong quý 2/2023, giảm 75%.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 30/6/2023, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của LCG lên đến gần 113 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng so với con số 99 tỷ đồng thời điểm đầu tháng 1/2023.
Tổng cộng, LCG ghi nhận lãi ròng gần 31 tỷ đồng, giảm 77%, so với kế hoạch lãi sau thuế 150 tỷ đồng năm 2023, Công ty mới thực hiện được hơn 20% sau 6 tháng.
Nửa đầu năm 2023, Becamex lãi giảm 83%
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex, Hose: BCM) chứng kiến kỳ kinh doanh với doanh thu sụt giảm đáng kể, trong khi chi phí lại tăng vọt đã làm lợi nhuận giảm tới 85%.
Cụ thể, doanh thu thuần của Becamex trong kỳ đạt 1.286 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu là kinh doanh bất động sản chỉ ghi nhận gần 888 tỷ đồng, giảm 40%. Không những thế, doanh thu tài chính của Công ty cũng giảm tới 85%, về hơn 10 tỷ đồng do lượng cổ tức, lợi nhuận được chia chỉ gần 2 tỷ đồng, trong khì cùng kỳ là 45 tỷ đồng.
Trong bối cảnh doanh thu giảm, các chi phí phát sinh của Becamex lại tăng đáng kể. Cụ thể, chi phí tài chính và chi phí quản lý lần lượt tăng 22% và 89%, lên 269 tỷ đồng và 124 tỷ đồng. Chi phí bán hàng còn gấp đôi cùng kỳ với hơn 252 tỷ đồng, do chi phí quảng cáo gấp gần 3 lần cùng kỳ và không còn được hoàn nhập quỹ lương hơn 54 tỷ đồng. Một điểm đáng chú ý là khoản lỗ khác hơn 96 tỷ đồng trong kỳ của BCM.
Tại thời điểm 30/6/2023, Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của BCM là 133 tỷ đồng, giảm 87 tỷ đồng so với 220 tỷ đồng ghi nhận ngày 1/1/2023.
Theo thuyết minh, nguyên nhân là do Công ty hạch toán âm gần 106 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, bất động sản đầu tư. Với ảnh hưởng của các yếu tố trên, lãi ròng của BCM trong quý 2/2023 chỉ đạt gần 139 tỷ đồng, giảm 85%. Lũy kế 6 tháng đầu năm của Công ty cũng không khả quan hơn khi ghi nhận lãi ròng hơn 230 tỷ đồng, giảm 83%.
CenLand lãi chưa tới 1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, HOSE: CRE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt gần 401 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 9,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 35% và 88% so với cùng kỳ năm trước. Giải trình về kết quả này, doanh nghiệp cho biết, thị trường bất động sản trong quý 2 tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn và các yếu tố không thuận lợi xuất hiện từ năm 2022.
Mặc dù thị trường địa ốc và thị trường vốn đã có sự cải thiện so với quý 1 nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc, giao dịch vẫn chưa thực sự sôi động. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của CenLand ghi nhận hơn 521 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 762 triệu đồng, sụt giảm mạnh so với con số cùng kỳ 2022 lần lượt đạt hơn 2.561 tỷ đồng và 226 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là hơn 1,3 tỷ đồng. Thời điểm 30/6/2023, Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Cenland lên đến gần 134 tỷ đồng, giảm 27 tỷ đồng so với 161 tỷ đồng ghi nhận ngày 1/1/2023.
Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, hoạt động đầu tư bất động sản đóng góp 324 tỷ đồng (giảm 80%), hoạt động môi giới đóng góp 160 tỷ đồng (giảm 82%). Trong quý 2, doanh nghiệp đi vay hơn 263 tỷ đồng, đồng thời trả nợ gốc vay hơn 379 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, con số này lần lượt là hơn 661 tỷ đồng và 758 tỷ đồng. Một điểm sáng là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý này của CenLand ghi nhận 173 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 378 tỷ đồng.
PV Drilling lãi 227 tỷ đồng trong 6 tháng, vượt 107% kế hoạch lợi nhuận
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, Hose: PVD) vừa công bố BCTC quý 2 với 1.413 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6% do không phát sinh doanh thu giàn cho thuê so với cùng kỳ.
Ngoài ra, doanh thu từ các dịch vụ liên quan đến giàn khoan giảm do khối lượng công việc giảm. Trong khi đó, giá vốn giảm 24% xuống còn 1.054 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 359 tỷ đồng, tăng 191% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện tăng từ 8% lên 25%. Kỳ này, doanh thu tài chính giảm 86% xuống 4 tỷ đồng. Còn các chi phí như bán hàng, tài chính, quản lý doanh nghiệp không biến động nhiều.
Song, PV Drilling lại ghi nhận khoản thu nhập từ thoả thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng trị giá 70 tỷ đồng. Kết quả, lãi ròng PV Drilling đạt 161 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 60 tỷ đồng. Đây cũng là quý công ty có lợi nhuận cao nhất kể từ quý 4/2018.
Giải trình về kết quả kinh doanh "đi lên", PV Drilling cho biết trong quý 2, đơn giá cho thuê và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng tăng. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận khoản thu nhập khác. Lũy kế nửa đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.637 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt 227 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 116 tỷ đồng. Thời điểm 30/6/2023, Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của PV Drilling là 68,2 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ đồng so với 58,5 tỷ đồng ghi nhận đầu năm 2023.
Năm 2023, PV Drilling lên kế hoạch 5.400 tỷ đồng doanh thu, 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với 207 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, công ty vượt 107% mục tiêu lợi nhuận, đạt 49% chỉ tiêu doanh thu.
Dệt may Việt Nam (VGT) báo lãi nửa đầu năm sụt giảm 87%
Mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (UPCoM: VGT) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.
Cụ thể, trong quý 2/2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam ghi nhận 3.909 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ 7% do đó lợi nhuận gộp cũng bốc hơi 72%, còn 203 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí lãi vay tăng 27% lên 86,8 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 187,9 tỷ đồng dẫn đến lãi sau thuế của tập đoàn lao dốc 96%, còn hơn 22 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Vinatex đạt 8.118 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế của tập đoàn giảm 87%, còn hơn 114 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2023, Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Vinatex là 215 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với đầu năm 2023.
Doanh nghiệp lý giải, tiếp nối những khó khăn của thị trường từ cuối năm 2022, sang đầu năm 2023, các doanh nghiệp của Tập đoàn tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do nhu cầu thấp. Đơn hàng thiếu hụt, người lao động thiếu việc làm.
Doanh thu một DN "họ" DIC Corp lĩnh thêm án phạt từ Uỷ ban chứng khoán nhà nước
Công ty CP Đầu tư Phát triển – Xây dựng Số 2 (DIC 2, HNX: DC2) tiếp tục nhận “tin xấu” khi bị xử phạt 77,5 triệu đồng, tương đương gần 20% lợi nhuận ròng quý 2.
Cụ thể, ngày 27/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với DIC 2 do vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Theo đó, doanh nghiệp này đã không gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với Báo cáo tài chính năm 2020, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020.
Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020. Số tiền phải nộp phạt là 77,5 triệu đồng, tương đương gần 20% lợi nhuận ròng quý 2 của doanh nghiệp này. Đáng nói, trái ngược với hành vi “quên” công bố thông tin từ 3 năm trước dẫn đến bị phạt, DIC 2 giải trình kết quả kinh doanh “bết bát” trong quý 2/2023 một cách khá chi tiết. Về kết quả kinh doanh, trong quý 2/2023, DC2 ghi nhận doanh thu thuần đạt 38 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá vốn hàng bán giảm mạnh xuống còn 27,6 tỷ đồng so với mức 75,6 tỷ đồng ghi nhận ở quý này năm trước. Điểm sáng là doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 2.471 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí tài chính tăng gấp 2 lần lên mức 6.753 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23,4% về mức 3.443 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, giá vốn, DC2 ghi nhận lãi sau thuế 404,8 triệu đồng, giảm 76,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần DC2 giảm phân nửa về còn 77,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận tại 520,3 triệu đồng, giảm 80% so cùng kỳ. Tính đến ngày 30/6/2023, Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của DC2 là hơn 8,6 tỷ đồng, tăng 2,1 tỷ đồng so với con số 6,5 tỷ đồng thời điểm tháng 1/2023.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899