Quý 2/2023, FPT Retail và Thế giới Di động kinh doanh ảm đạm, báo lãi thấp kỷ lục

31/07/2023, 15:43

TCDN - Hai ông lớn ngành bán lẻ là FPT Retail và Thế giới Di động cùng báo lãi thấp kỷ lục trong quý 2/2023. Do sự suy giảm của hoạt động kinh doanh cốt lõi trong khi chi phí tài chính, chi phí bán hàng tăng khiến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm.

Cụ thể, quý 2/2023, ông lớn ngành bán lẻ Thế giới Di động (Hose: MWG) ghi nhận doanh thu thuần 29.500 tỷ đồng, nhưng chỉ lãi ròng vỏn vẹn 17 tỷ đồng. Đây là quý lãi thấp nhất từ trước đến nay của MWG. 

Lãi ròng giảm mạnh là kết quả của chiến dịch “giá rẻ quá” được tung ra từ đầu tháng 4/2023. Trong đó, MWG hạ giá sản phẩm điện thoại, laptop, điện máy để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong ngành trong bối cảnh sức cầu yếu ớt. 

Cùng với sự suy giảm của hoạt động cốt lõi, MWG phải gánh chi phí cao hơn. Trong giai đoạn này, chi phí tài chính tăng 10% lên 400 tỷ đồng, còn chi phí bán hàng tăng 8% lên 5,2 ngàn tỷ đồng. Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh là doanh thu tài chính gấp đôi cùng kỳ, lên gần 600 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 40% xuống 300 tỷ đồng.

Hai ông lớn ngành bán lẻ là FPT Retail và Thế giới Di động cùng báo lãi thấp kỷ lục trong quý 2/2023. Do sự suy giảm của hoạt động kinh doanh cốt lõi trong khi chi phí tài chính, chi phí bán hàng tăng khiến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm.

Hai ông lớn ngành bán lẻ là FPT Retail và Thế giới Di động cùng báo lãi thấp kỷ lục trong quý 2/2023. Do sự suy giảm của hoạt động kinh doanh cốt lõi trong khi chi phí tài chính, chi phí bán hàng tăng khiến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm.

Kết quả quý 2 của ông lớn ngành bán lẻ vẫn còn ảm đạm, nhưng trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư có lẽ đã bỏ qua giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn để nhìn xa hơn vào tương lai. Giá cổ phiếu MWG đã tăng 44% trong 2 tháng qua. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần 56.600 tỷ đồng và lãi ròng 39 tỷ đồng, giảm tương ứng 21% và 99% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ông lớn bán lẻ chỉ mới thực hiện 42% kế hoạch doanh thu và chưa tới 1% kế hoạch lãi sau thuế. 

Trong 2 quý đầu năm, doanh thu của hai chuỗi TGDĐ và ĐMX đạt hơn 415.000 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ và đóng góp 73% vào tổng doanh thu của MWG. Bách hóa xanh tiếp tục là điểm sáng của MWG, với doanh thu tiếp tục tăng trưởng.

Cụ thể, chuỗi cửa hàng bách hóa ghi nhận doanh thu 13.6 ngàn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và đóng góp 24.2% vào doanh thu. Trong tháng 6, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng BHX đã vượt 1,45 tỷ đồng, cao hơn mức 1,3 tỷ hồi đầu năm. Hiện MWG vẫn tiếp tục mở mới với chuỗi này một cách cẩn trọng. 

Tính đến cuối tháng 6/2023, ông lớn ngành bán lẻ sở hữu gần 50.000 tỷ đồng tài sản ngắn hạn. Trong đó tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn gần 20.500 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 15.000 tỷ hồi đầu năm. Đáng chú ý, hàng tồn kho ở mức gần 22.000 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Cùng với đó, dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã giảm xuống 280 tỷ đồng, từ mức 360 tỷ đồng hồi đầu năm. 

Ở bên bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn ở mức 29.500 tỷ đồng, tăng 3.500 tỷ so với đầu năm. Tính tới thời điểm cuối tháng 6, số lượng nhân viên của MWG là 68.000 người, giảm 6.000 người so với đầu năm. 

Tương tự Thế giới Di động, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, Hose: FRT) lỗ kỷ lục trong quý 2/2023 giữa lúc mảng thiết bị ICT lao đao trong cuộc chiến giá, còn mảng dược phẩm chưa thể đóng góp về lợi nhuận. 

Trong quý 2/2023, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần 7.200 tỷ đồng và lãi gộp gần 1.100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế âm 219 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phí tăng mạnh đã góp phần làm xấu đi bức tranh kinh doanh của FPT Retail. 

Trong kỳ, chi phí lãi vay tăng 49% lên 73 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 24% lên 963 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 167% lên 256 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể đến từ việc mở rộng chuỗi Long Châu cùng với việc tung ra các chương trình khuyến mãi và cạnh tranh giá của chuỗi FPT Shop trong bối cảnh sức cầu yếu. Trong quý 2/2023, Long Châu mở thêm 187 cửa hàng, trong khi FPT Shop đóng 7 cửa hàng. 

Đây là nguyên nhân chính khiến FPT Retail tiếp tục lỗ ròng 219 tỷ đồng trong quý 2/2023, đánh dấu quý lỗ thứ hai liên tiếp và là quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay. Xét riêng từng chuỗi, Long Châu rõ ràng đang bứt phá với doanh thu gần gấp đôi cùng kỳ, lên 3.615 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, Long Châu giờ đã đóng góp 50% doanh thu cho Tập đoàn trong quý 2/2023. Trong khi đó, FPT Shop đang lao đao trong cuộc chiến giá gay gắt và sự suy giảm tiêu dùng với các thiết bị ICT, với doanh thu sụt 18% xuống 3.605 tỷ đồng. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần 14.924 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ ròng 224 tỷ đồng. Trong đó, Long châu là “đầu kéo” cho tăng trưởng về doanh thu, với gần 6.900 tỷ đồng, còn FPT Shop sụt giảm về 8.000 tỷ đồng.

Theo chia sẻ từ FPT Retail, mỗi cửa hàng Long Châu mang về doanh thu trung bình 1 tỷ đồng trong 1 tháng. Tính tới cuối quý 2, ông lớn bán lẻ thuộc FPT sở hữu 1.243 cửa hàng Long Châu và 800 cửa hàng FPT Shop. Giai đoạn này, FPT Retail giảm hơn 5.000 nhân sự từ 15.481 người hồi đầu năm xuống còn 10.459 người. 

Trên bảng cân đối kế toán, FPT Retail nắm giữ 7.700 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó bao gồm 720 tỷ đồng tiền mặt và đầu tư ngắn hạn, và 6.000 tỷ đồng hàng tồn kho. Mức tồn kho đã giảm 400 tỷ đồng so với đầu năm, với dự phòng giảm giá ở mức 26 tỷ đồng. Ở bên đối ứng, nợ ngắn hạn 7.400 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên tới 4.200 tỷ đồng.     

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Quý 2/2023, FPT Retail và Thế giới Di động kinh doanh ảm đạm, báo lãi thấp kỷ lục tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan