Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là thách thức lớn

29/03/2023, 16:58
báo nói -

TCDN - Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh như hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 năm 2023 với những con số tương phản. Phóng viên Tạp chí Tài chính doanh nghiệp đã có phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về những vấn đề xoay quanh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Bà đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế xã hội trong 3 tháng đầu năm 2023?

Kinh tế - xã hội ba tháng đầu năm 2023 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng trong khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự Nga-Ukraina kéo dài... Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 nhưng cùng thống nhất về dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2022 từ 0,5 đến 1,2 điểm phần trăm.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, không thuận lợi, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 3,32%. Đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức rất thấp hoặc đang suy giảm.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1 năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%[2], làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 2%).

Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 91,5 nghìn tỷ, bằng 13,4% kế hoạch năm và tăng 18,1% cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 đạt 77,5 nghìn tỷ, bằng 12,9% kế hoạch năm, tăng 12,3%)…

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn như: chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người nuôi có nguy cơ thua lỗ; sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng sụt giảm.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 1 năm 2023 gặp nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, đơn hàng sụt giảm. Giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistics... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô…

Như vậy, trong quý 1, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Vậy theo bà trong quý 2 và những tháng tiếp theo, kịch bản tăng trưởng Việt Nam sẽ như thế nào?

Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý 1 và quý 2 cần phải đạt được mức tăng lần lượt là: 5,6% và 6,7%. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý 1/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo giảm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…

Theo thống kê của chúng tôi, trong 3 năm gần đây, xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thường thấp vào quý 1, sau đó sẽ tăng dần ở quý 2 và bứt phá vào nửa cuối năm. Năm 2023, kinh tế Việt Nam có thể đi theo xu hướng này.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, bước sang quý 2 năm 2023, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, theo bà Việt Nam cần phải tập trung vào những nhiệm vụ nào?

Như đã nói ở trên, năm 2023 sẽ là năm rất khó khăn đối với thế giới cũng như Việt Nam. Do đó, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; chính sách tiền tệ cần linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay, vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng.

Điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý thận trọng, phù hợp có lộ trình. Nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 trên tinh thần đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời, quyết liệt và hiệu quả.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...

Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.

Đối với các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cần quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2023 và đầu năm 2024; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giao kế hoạch, giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục về đầu tư công.

Thanh Phương (thực hiện)
Bạn đang đọc bài viết Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là thách thức lớn tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

GDP quý 1/2023 tăng 3,32%
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1 năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.
GDP Việt Nam có thể đạt 6,7% trong 2023
Trước diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, các tổ chức trong nước và quốc tế đã có điều chỉnh dự báo tình hình kinh tế Việt Nam cuối năm 2022 và năm 2023. Trong đó mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo ở mức từ 5,8% - 6,7%.