GDP Việt Nam có thể đạt 6,7% trong 2023
TCDN - Trước diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, các tổ chức trong nước và quốc tế đã có điều chỉnh dự báo tình hình kinh tế Việt Nam cuối năm 2022 và năm 2023. Trong đó mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo ở mức từ 5,8% - 6,7%.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NICF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với những rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài. Cuộc chiến ở Ukraine, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất quốc tế tăng, USD mạnh lên và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, cũng có những rủi ro đến từ trong nước, đặc biệt trong thị trường ngân hàng và trái phiếu, vốn rất nhạy cảm với những điều kiện thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng đè nặng lên sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và sự an khang của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và bão lớn.
Trước tác động trên, NCIF đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2023. Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế (GDP) có thể chỉ ở mức 6 - 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.
Ở kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Toàn Thắng, tăng trưởng 2023 đi theo kịch bản nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào cho rằng, với mức tăng trưởng mạnh cho đến tháng 9, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 tăng lên từ mức 6% lên 7-7,5%. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8% thay vì 6,2% so với trước đó.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. trong bối cảnh thế giới như hiện nay, năm tới kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức, tăng trưởng chậm lại kèm lạm phát sẽ cao hơn. Theo kịch bản cơ sở dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 6 - 6,5%, lạm phát đạt 4 - 4,5%.
Ông Lực cho hay Chính phủ về cơ bản đã nhận diện được những rủi ro này nên đặt mục tiêu tăng trưởng năm tới ở mức 6,5%, chấp nhận lạm phát 4,5%.
Trước đó, Ngân hàng UOB, Singapore dự đoán cuộc suy thoái đối với các nền kinh tế lớn vào năm 2023 sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam và đưa dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 về 6,6%, dựa trên ước tính nhu cầu từ các thị trường chính tiếp tục chậm lại.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ. Do đó, ADB cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 6,7%.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam vượt trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh trong nhiều quý, và hoạt động du lịch quốc tế dần trở lại.
Tăng trưởng GDP quý 3/2022 vượt mọi dự báo, ước tăng tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP của 9 tháng năm 2022 lên 8,83%. Lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra (4%/năm). Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong 2023 và 2024.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899