Tác động của bảo hiểm xã hội một lần đến vấn đề an sinh xã hội

23/11/2022, 14:12

TCDN - Bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn được coi là một trong bốn trụ cột của hệ thống các chính sách, các chương trình đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) quốc gia. Hơn nữa, do đặc điểm và cơ chế hoạt động của mình, BHXH còn được coi là trụ cột chính.

1-1

TÓM TẮT:

Bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn được coi là một trong bốn trụ cột của hệ thống các chính sách, các chương trình đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) quốc gia. Hơn nữa, do đặc điểm và cơ chế hoạt động của mình, BHXH còn được coi là trụ cột chính. Bởi vậy, từ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến BHXH, kể cả việc ban hành chính sách, pháp luật, đến tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, thực tế triển khai mảng chính sách này vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Trong đó, việc hưởng BHXH một lần đang là vấn đề có nhiều tác động tiêu cực đến việc đảm bảo ASXH. Và đây cũng là vấn đề mà tác giả bài viết này mong muốn được trao đổi, bàn luận.

1. BẢO HIỂM XÃ HỘI VỚI VẤN ĐỀ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

ASXH là một “thuật ngữ” có phạm vi bao quát rộng và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người trên toàn thế giới và ở từng quốc gia. Nếu cố gắng đặt ra một giới hạn nào đó, ASXH thường bắt đầu từ trước khi con người sinh ra (vì chế độ thai sản và chăm sóc bà mẹ trước khi sinh) cho đến sau khi con người bị chết (với các khoản trợ cấp tử tuất). Trải qua nhiều thế kỷ, ASXH ngày càng được Chính phủ các nước đặc biệt quan tâm, thậm chí bước sang thế kỷ XXI, nhiều nhà nghiên cứu, cũng như nhiều chính khách còn cho rằng, đây là thế kỷ của ASXH. Vậy ASXH là gì? Khái niệm này thường được hiểu một cách rộng rãi như sau: “ASXH là sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các thành viên của mình thông qua một loạt các biện pháp công cộng nhằm chống lại các tình cảnh khốn khó về kinh tế và xã hội mà họ có thể gặp phải do khoản thu nhập bị mất, hoặc giảm đáng kể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, như: ốm đau, thai sản, tuổi già, tử vong…”: Vì phạm vi rộng, khái niệm về ASXH còn được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nếu đứng trên các góc độ khác nhau.Các thành tố của ASXH lại luôn được thể hiện rất rõ ở 4 trụ cột của nó, bao gồm: tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo; bảo hiểm; trợ giúp xã hội và các dịch vụ xã hội. Trong đó, bảo hiểm và trợ giúp xã hội được coi là 2 trụ cột chính. Lý do bảo hiểm, trong đó có BHXH luôn được coi là trụ cột chính của ASXH vì:

- Loại hình bảo hiểm này đã trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho NLĐ và gia đình họ, khi NLĐ bị mất hoặc giảm thu nhập do bị giảm hoặc mất khả năng lao động, mất việc làm do nhiều nguyên nhân khác nhau.

- Trong cơ cấu dân số của các quốc gia, NLĐ luôn chiếm tỷ trọng lớn, thường là từ 50 - 60%. Họ là những người trực tiếp tạo ra của cải vật chất để nuôi sống và duy trì mọi hoạt động của con người và xã hội. Vì vậy, chỉ khi họ được bảo vệ trước tiên thì mới có cơ sở để bảo vệ cho các đối tượng khác của ASXH.

- Cơ chế và nguyên tắc hoạt động của BHXH là chia sẻ rủi ro và san sẻ tài chính, đồng thời việc có đóng, có hưởng phải được thực hiện, điều đó đã làm giảm áp lực cho NSNN. Qua đó, NSNN sẽ có điều kiện tốt hơn để thực hiện các chính sách, các chương trình đảm bảo ASXH khác của quốc gia.

- Một khi diện bao phủ của BHXH ngày càng mở rộng, diện đảm bảo ASXH khác (như trợ giúp xã hội, dịch vụ xã hội…) sẽ ngày càng được thu hẹp. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao mức trợ cấp ASXH cho tất cả các đối tượng và là tiền đề để thực hiện các chính sách ASXH khác như: tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và thực hiện các dịch vụ xã hội khác của quốc gia.

- BHXH không chỉ huy động sự đóng góp của bản thân NLĐ, mà còn huy động được sự đóng góp lớn từ phía người sử dụng lao động để hình thành quỹ BHXH. Nguồn quỹ này không chỉ đảm bảo ASXH cho NLĐ trong quá trình lao động, mà còn chủ yếu đảm bảo ASXH cho họ khi về già thông qua chế độ trợ cấp hưu trí. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, góp phần thu hút mọi tầng lớp lao động tham gia BHXH v.v…

Như vậy, có thể thấy BHXH với ASXH có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Với vai trò là trụ cột chính, nếu BHXH phát triển thì diện bao phủ của nó sẽ ngày càng rộng hơn, quỹ BHXH sẽ ngày càng lớn hơn, bền vững hơn và đặc biệt là mức trợ cấp trong từng chế độ BHXH sẽ ngày càng cao hơn… Phải chăng những điều đó sẽ góp phần quan trọng để đảm bảo ASXH? Ngược lại, việc ASXH được đảm bảo cũng có những tác động nhiều mặt đến BHXH và phát triển BHXH, kể cả tác động trực tiếp và gián tiếp. Những tác động trực tiếp phải kể đến là NLĐ có thêm công ăn việc làm, các dịch vụ xã hội mà NLĐ có thể được thụ hưởng sẽ tốt hơn, như dịch vụ y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, trợ giúp pháp lý… Những tác động gián tiếp cũng thể hiện khá rõ như: NSNN ngày càng có điều kiện hơn để bảo trợ và bù thiếu cho quỹ BHXH khi cần thiết; điều kiện để mở rộng đối tượng tham gia BHXH cũng dễ dàng hơn do ASXH được đảm bảo làm cho kinh tế xã hội ngày càng phát triển. Mối quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động cũng ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn v.v…

2. TÁC ĐỘNG CỦA BHXH MỘT LẦN ĐẾN VẤN ĐỀ ĐẢM BẢO ASXH

2.1. Bảo hiểm xã hội một lần trong chính sách, pháp luật về BHXH

Trong chính sách pháp luật về BHXH, thuật ngữ “BHXH một lần” được sử dụng khá phổ biến. Bản chất của nó là NLĐ tham gia BHXH sẽ được nhận trợ cấp BHXH một lần theo từng chế độ nhưng còn phụ thuộc vào những điều kiện nhất định như thời gian đóng BHXH; độ tuổi; tình trạng sức khỏe của NLĐ… Thế nhưng, vấn đề mà người ta quan tâm nhất là NLĐ nhận trợ cấp BHXH một lần liên quan đến chế độ hưu trí trong hệ thống các chế độ BHXH, bởi đây là vấn đề có tác động tiêu cực đến đảm bảo ASXH cho bản thân NLĐ và cho xã hội.

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia thiết kế hệ thống BHXH hưu trí giống như nước ta đều không cho phép hưởng BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, trừ một số trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư hay mắc bệnh hiểm nghèo… Chẳng hạn Tổ lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội An sinh quốc tế (ISSA) cho biết, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Colombia… trong pháp luật về BHXH, các nước này cho phép hưởng trợ cấp BHXH một lần, nhưng phải có điều kiện. Điều kiện của họ là khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu chưa đủ thời gian đóng BHXH thì NLĐ sẽ được nhận BHXH một lần. Ở một số nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp không quy định hưởng BHXH một lần. Bên cạnh đó, những quốc gia có hệ thống hưu trí dựa trên tài khoản cá nhân cũng không khuyến khích NLĐ tham gia BHXH rút các khoản đã đóng góp trước tuổi 55. Có chăng, chỉ được rút một tỷ lệ hạn chế từ số tiền đã đóng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hoặc đầu tư trước mắt như mua nhà hoặc chi tiêu cho giáo dục, y tế… Tuy nhiên, số tiền rút ra phải từ quỹ phòng xa, quỹ hưu trí bổ sung hay quỹ hưu trí theo ngành nghề để đảm bảo ASXH cho NLĐ khi về già không có lương hưu. Chẳng hạn, Malaysia cho rút 30% ở độ tuổi 50 (5 năm trước độ tuổi về hưu) hay Singapore cho rút 5.000 đô la Sing ở độ tuổi 55 (5 năm trước độ tuổi về hưu) v.v…

Ở Việt Nam, Nghị quyết 21 của Đảng đã đề ra mục tiêu rất cụ thể về các vấn đề liên quan đến BHXH và gần đây nhất là Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành TW khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã đề ra: “Phấn đấu đến năm 2021 có khoảng 35%, năm 2025 là 45% và đến năm 2030 là khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đồng thời cũng phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Để thể chế hóa những mục tiêu trên, có nhiều nội dung cần phải cải cách, trong đó nội dung cải cách thứ sáu có nêu rõ: “Sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của NLĐ…”. Như vậy, BHXH một lần cũng là một trong những vấn đề cần phải nghiên cứu trong nội dung cải cách. Thực tế vấn đề này ở nước ta đã được quy định tại khoản 1 điều 2 của luật BHXH (2014) và tại Nghị quyết 93/2015/QH13 như sau: NLĐ có yêu cầu thì được BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

“a. Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 điều 54 của luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại khoản 3 điều 54 của luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

b. Ra nước ngoài để định cư;

c. Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d. NLĐ sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có nhu cầu nhận BHXH một lần;

e. Trường hợp NLĐ quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 điều 2 của luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu…”.

Khi triển khai thực hiện các văn bản trên trong những năm vừa qua, BHXH một lần đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập liên quan đến đảm bảo ASXH. Tác động của nó đến ASXH khá rõ và khá hiện hữu.

2.2. Tác động của BHXH một lần đến vấn đề đảm bảo ASXH

Việc quy định NLĐ nhận BHXH một lần cho dù đã đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản của họ trong những điều kiện nhất định, song về lâu dài và nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể thì quy định hiện hành lại có những tác động tiêu cực đến vấn đề đảm bảo ASXH. Những tác động đó thể hiện khá rõ ở những khía cạnh sau đây:

Một là, NLĐ tham gia BHXH khi về già có thể sẽ gặp phải rủi ro về thu nhập. Bởi hầu hết những khoản tiền rút ra đều được chi tiêu ngay lập tức như làm nhà, mua sắm các loại tài sản, hỗ trợ con cháu v.v… Cho dù việc chi tiêu trên cũng là cần thiết, song đối với người già, cần phải hết sức thận trọng. Sau tuổi nghỉ hưu, thu nhập giảm đi khá nhiều, trong khi đó có những khoản chi tiêu lại không ngừng tăng lên như chi phí y tế, chi phí chăm sóc sức khỏe và trong tương lai gia đình, con cháu sẽ phải thực thi trách nhiệm chăm lo thu nhập cho họ. Việc thực thi trách nhiệm này không phải gia đình nào, đứa con, đứa cháu nào cũng thực hiện được. Nếu không thực hiện được thì người già khi đó sẽ “trắng tay” và một loạt các hệ lụy khôn lường có thể sẽ xảy ra như mâu thuẫn trong nội bộ gia đình; kiện cáo; tranh chấp, phân chia trách nhiệm nuôi dưỡng bố, mẹ.

Hai là, ý nghĩa, vai trò và mục tiêu của BHXH cũng như ASXH sẽ giảm đi đáng kể. Thật vậy, nếu đứng trên góc độ thu nhập thì mục tiêu cốt lõi của BHXH là duy trì thu nhập cho NLĐ một cách liên tục cho dù họ bị giảm hoặc khả năng lao động dẫn tới bị giảm hoặc mất thu nhập. Mục tiêu này thực chất cũng nằm trong mục tiêu của ASXH nói chung. Bởi vậy, BHXH hưu trí một lần đã làm mất đi quyền được hưởng chế độ hưu trí của NLĐ từ khi về hưu cho đến khi chết. Trong suốt thời gian nghỉ hưu, thu nhập của họ từ lương hưu không có, không được bảo đảm duy trì liên tục để ổn định cuộc sống. Theo phân tích của ông Nuno Cuha (chuyên gia của ILO), nếu BHXH một lần diễn ra phổ biến thì hệ thống lương hưu sẽ không bao giờ thành công trong việc đảm bảo thu nhập cho người già và gánh nặng ASXH cho quốc gia sẽ ngày càng bị áp lực.

Ba là, trong điều kiện già hóa dân số diễn ra nhanh chóng như hiện nay, thời gian được trợ cấp hưu trí của NLĐ có xu hướng kéo dài. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nếu xem xét ở khía cạnh quyền lợi thì những NLĐ tham gia BHXH nhận BHXH một lần thường bị thiệt thòi hơn so với những người nhận trợ cấp lương hưu hàng tháng. Nội dung này cũng đã được Viện Khoa học BHXH nghiên cứu năm 2017 và thể hiện trong đề tài: “Tính toán, phân tích so sánh lợi ích giữa quyền lợi được hưởng của chế độ hưu trí và BHXH một lần”.

Bốn là, tác động đáng kể đến việc duy trì đối tượng tham gia và thụ hưởng trong hệ thống BHXH, nếu tình trạng hưởng BHXH một lần ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê của ngành BHXH Việt Nam, giai đoạn từ 2013 đến 2017, số người hưởng BHXH một lần tăng bình quân 6,7% mỗi năm. Năm 2018 có gần 700.000 NLĐ xin nhận BHXH một lần, con số này năm 2019 là hơn 800.000 người. Ước tính năm 2020 có khoảng gần 880.000 người hưởng trợ cấp BHXH một lần. Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh trong đề án Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì: “Số người nhận BHXH một lần vẫn gia tăng hàng năm (giai đoạn từ 2012 đến tháng 9 năm 2018, bình quân mỗi năm số người hưởng BHXH một lần là khoảng 600.000 người, cứ thêm 2 người mới tham gia BHXH thì có 1 người đang tham gia ra khỏi hệ thống), dẫn tới tốc độ mở rộng bao phủ BHXH chậm, mục tiêu đảm bảo ASXH cho NLĐ bị ảnh hưởng”.

Năm là, BHXH một lần còn tác động đến tâm lý của những NLĐ đang trong hệ thống BHXH. Tâm lý này rất dễ dàng lan tỏa đến mọi tầng lớp lao động và có thể trở thành xu hướng phổ biến nếu không có những giải pháp khắc phục. Và nếu thực tế xảy ra, sẽ có tác động rất tiêu cực đến quỹ BHXH và đầu tư tăng trưởng BHXH, đến việc đảm bảo ASXH cho người già và cho toàn xã hội.

3. GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG HƯỞNG BHXH MỘT LẦN

Trong quá trình triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH ở nước ta, cần phải nghiên cứu và có những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, bởi vì đây là một trong những vấn đề có nhiều tác động tiêu cực đến việc đảm bảo ASXH. Phải chăng những giải pháp đó là:

Thứ nhất, thống nhất quan điểm hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần cả trong việc ban hành chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH.

Thứ hai, trong quá trình nghiên cứu để ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề này, cần làm rõ tuổi về hưu và tuổi hưởng hưu (về hưu sớm). Trong đó quy định độ tuổi tối thiểu được nghỉ hưu sớm và tỷ lệ phần trăm mức hưởng bị giảm trừ do nghỉ hưu sớm hoặc tăng thêm nếu tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu. Hoặc quy định tăng hay giảm mức chiết khấu lương hưu để không khuyến khích về hưu sớm.

Thứ ba, thiết kế chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng BHXH một lần để góp phần đảm bảo cân đối tài chính quỹ BHXH trong dài hạn.

Thứ tư, tăng cường công tác truyền thống để NLĐ thấy rõ những lợi ích của việc nhận trợ cấp lương hưu hàng tháng và những bất lợi khi nhận BHXH một lần. Công tác này cần phải làm thường xuyên, liên tục, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm tùy theo từng đối tượng lao động, từng ngành nghề…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban chấp hành Trung ương (2018), Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

2. Quốc hội (2014), Luật BHXH số 58/2014/QH13.

3. Quốc hội (2015), Nghị quyết 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.

4. Nuno Cunha (2018), Cải cách ASXH Việt Nam hướng về tương lai, truy cập ngày 09/03/2021 từ: www.ilo.org/di/pages27345.

5. Nguyễn Thị Minh (2019), Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

6. Nguyễn Thị Lan Hương (2019), Kinh nghiệm quốc tế và bài học rút ra cho ViệtNam về sửa đổi tuổi về hưu đối với người lao động trong dự thảo bộ luật lao độngsửa đổi.

7. ILO (1988), Nguyên tắc cơ bản về ASXH

PGS.TS. Nguyễn Văn Định

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Tạp chí in số 11/2022
Bạn đang đọc bài viết Tác động của bảo hiểm xã hội một lần đến vấn đề an sinh xã hội tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thực hiện chính sách BHXH, BHYT: Sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương
Qua 27 năm hình thành và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng: tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT không ngừng tăng; số lượt người thụ hưởng chính sách ngày càng lớn; công tác đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội luôn kịp thời, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động….
Vai trò trụ cột của BHXH trong hệ thống an sinh xã hội
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống.