Phát triển tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại

23/11/2022, 13:53

TCDN - Hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

3-1

TÓM TẮT:

Để phát triển bền vững nền kinh tế, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển nền kinh tế xanh, thể hiện rõ trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược này. Khi hệ thống ngân hàng triển khai tín dụng xanh - hoạt động tín dụng nhằm khuyến khích các hoạt động vì môi trường và giảm phát thải các-bon, sẽ góp phần định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó mang lại những lợi ích cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường.

Thực tế, tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng cao. Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội, tích hợp nội dung này vào quy trình thẩm định tín dụng xanh. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh…

Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam được đánh giá là chưa nhanh như kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các TCTD Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. Động lực tăng trưởng của thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn từ năm 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của NHNN và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường; tần suất phát hành trái phiếu xanh thấp và tốc độ phát triển chậm hơn một số thị trường trong khu vực; việc đầu tư vào các cổ phiếu xanh thông qua VNSI (chỉ số theo giá trị vốn hóa thị trường và tự do điều chỉnh) được cho là có tỷ trọng thấp…

Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại, qua đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc, tác giả đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

1. Thực trạng tín dụng xanh ở Việt Nam

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN).

Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

Đại diện BIDV cho biết, tính tới 30/09/2022, BIDV hiện dẫn đầu thị trường về tài trợ các dự án xanh với 1.210 khách hàng và dự án, tổng số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 61.700 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng xanh khoảng 49.000 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ BIDV.

Dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có hơn 800 dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với tổng số tiền cấp tín dụng hơn 53.200 tỷ đồng, (chiếm khoảng 97% dư nợ tín dụng xanh). Tính riêng các dự án điện gió, điện mặt trời có quy mô vay vốn trên 500 tỷ đồng, trong giai đoạn 2020-2021, BIDV đã tài trợ 25 dự án với tổng số tiền cho vay khoảng 23.400 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).Về quy định pháp lý liên quan đến tín dụng xanh, NHNN đã và đang phối hợp với IFC xây dựng văn bản quy định về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và đầu tư. Tháng 4/2014, NHNN đã gửi xin ý kiến Dự thảo thông tư quy định về quản lý rủi ro môi trường, xã hội. Mặc dù đến nay, thông tư này vẫn chưa được ban hành, nhưng vào ngày 24/3/2015, NHNN đã có Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Các TCTD tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Việc ban hành Chỉ thị 03 mới đây thể hiện cam kết mạnh mẽ của NHNN trong nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh và Chỉ thị mới này sẽ tạo hành lang cho phép tất cả các NH tại Việt Nam có cơ sở trong quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của mình.

Về phía các NHTM, trước đây, các ngân hàng chưa có chính sách tín dụng xanh hay chính sách ưu tiên cho các hoạt động liên quan tới bảo vệ môi trường. Nhưng với sự đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cùng các hoạt động tài trợ tăng cường nhận thức và thúc đẩy triển khai từ NHNN và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) thì NH Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tới tín dụng xanh, quan tâm tới các dự án đầu tư mang lại lợi ích cho môi trường. Các quy định về chính sách tín dụng xanh đã thấy ở VietinBank, Techcombank, ABBANK, Sacombank… Xu hướng tín dụng hướng tới phát triển toàn diện và bền vững có thể còn mạnh hơn trong thời gian tới với sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách của cơ quan quản lý. Rất nhiều NH trong nước đã và đang triển khai các sản phẩm tín dụng xanh như cho vay tiết kiệm năng lượng, cho vay năng lượng tái tạo, cho vay sản xuất sạch hơn… (Lê Hà, 2015). Tuy nhiên, hiện các “dòng tín dụng xanh” phần lớn vẫn dựa trên các dự án có tài trợ quốc tế. Bởi NH vẫn còn e ngại về rủi ro tín dụng từ các dự án đầu tư xanh (Thành Long, 2015).

Việc các NHTM còn chưa quan tâm nhiều đến việc phát triển tín dụng xanh xuất phát từ các nguyên nhân về việc quản lý nhà nước cũng như nhận thức của các NHTM về vai trò của tín dụng xanh.

Về quản lý Nhà nước, hiện nay các chế tài về xử lý ô nhiễm quy định trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như trong Bộ luật Hình sự (phần quy định về tội phạm môi trường) cũng chỉ áp dụng với các tổ chức, cá nhân trực tiếp gây ô nhiễm, chưa có quy định chế tài đối với đơn vị tài trợ hay cho vay các dự án gây ô nhiễm. Do không bị quy kết về mặt trách nhiệm, nên cán bộ tín dụng của các NH cũng không quan tâm đánh giá tác động môi trường trong quá trình thẩm định cho vay. Ngoài ra, việc các NH không thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội còn do họ không biết về vấn đề này. Tại Hội thảo “Quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành NH” do NHNN Việt Nam phối hợp IFC tổ chức vào ngày 21- 22/8/2012, Công ty Tư vấn MCG trình bày kết quả khảo sát về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành NH ở Việt Nam thì 89% số NH tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ tài liệu hướng dẫn hay tiêu chí nào về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành Tài chính; 93% các NH cũng cho rằng cần có hướng dẫn về vấn đề này.

Tuy vậy, nguyên nhân chính của việc các NHTM chưa phát triển tín dụng xanh là do ngân hàng chưa nhận thức sâu sắc được những rủi ro mà một dự án gây ô nhiễm có thể gây ra cho bản thân họ nếu họ tài trợ vốn cho dự án đó. Trong một thế giới đang đi theo xu hướng phát triển bền vững, những dự án không thân thiện với môi trường sẽ phải gánh chịu rất nhiều áp lực, khiến cho dự án có thể bị tẩy chay hoặc đình chỉ, dẫn tới DN bị phá sản, vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi. Kết thúc này cũng tương đương với sự phát sinh những khoản nợ xấu tại các NH, nơi đã cấp tín dụng cho chủ đầu tư. Đó là chưa kể danh tiếng và uy tín của NH cũng bị ảnh hưởng từ những vụ kiện tụng của người dân liên quan đến dự án này. Bên cạnh đó, nhiều NHTM không ưu tiên các dự án tiết kiệm năng lượng, dự án thân thiện với môi trường… vì đây là những dự án sử dụng công nghệ mới, cần một lượng vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Đương nhiên, cùng một khối tài sản thế chấp, NH sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu cung cấp tín dụng cho các dự án cần ít vốn đầu tư hơn, thời gian thu hồi vốn nhanh hơn. Do đó, các NH chưa sẵn sàng đánh đổi giữa các lợi ích kinh tế từ những dự án gây tác động môi trường và việc trở thành một NH “xanh hơn” với những lợi ích còn chưa nhìn thấy được.Tóm lại, hiện nay dù NHNN đã tổ chức nhiều hội thảo về ngân hàng xanh nói chung và tín dụng xanh nói riêng nhưng các NHTM Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển tín dụng xanh. Điều này là do các NHTM chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của tín dụng xanh trong sự phát triển bền vững của NH, cũng như do chưa có những quy định pháp lý chặt chẽ liên quan tới vấn đề này.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận, sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam được đánh giá là chưa nhanh như kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các TCTD Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đánh giá chung về thị trường tài chính xanh, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), chỉ ra rằng động lực tăng trưởng của thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn từ năm 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của NHNN và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường; tần suất phát hành trái phiếu xanh thấp và tốc độ phát triển chậm hơn một số thị trường trong khu vực; việc đầu tư vào các cổ phiếu xanh thông qua VNSI (chỉ số theo giá trị vốn hóa thị trường và tự do điều chỉnh) được cho là có tỷ trọng thấp…

Đối với hoạt động tín dụng, TS. Nguyễn Như Quỳnh cho rằng cần sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ như dữ trữ bắt buộc, tái cấp vốn và một số công cụ khác như hạn mức tăng trưởng tín dụng để tăng khuyến khích cho các ngân hàng thương mại xanh; xem xét ưu tiên nguồn vốn cho tín dụng xanh; hỗ trợ các TCTD đang cung cấp tín dụng xanh được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế…

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, xây dựng các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, làm cơ sở để các ngân hàng thương mại đánh giá khi cấp tín dụng xanh.

Đồng thời, cần đưa ra các chính sách ưu đãi cho các ngân hàng thương mại thực hiện tín dụng xanh; chỉ định các ngân hàng làm cố vấn hợp pháp hóa nguồn gốc trái phiếu, dựa trên trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao về thị trường vốn và sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN sẽ cho phép mức độ tuân thủ và chuyển giao kiến thức tốt hơn. Đặc biệt, tín dụng xanh do Chính phủ hỗ trợ rất cần được củng cố bằng sự tham gia và các hành động thực tiễn của khu vực tư nhân trong nước và thông qua nguồn tài chính công - tư bên ngoài.

Để đẩy mạnh tín dụng xanh, ngân hàng xanh trong thời gian tới, theo TS. Nguyễn Xuân Bắc, ngành Ngân hàng cũng rất cần hỗ trợ từ Chính phủ và sự chung tay của các bộ, ngành. Theo đó, cần có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực…

2. Một số định hướng

Xuất phát từ thực trạng trên, để đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam cần có sự vào cuộc của cả NHNN và các NHTM.

Về phía NHNN, cần xây dựng một kế hoạch của ngành NH bao gồm hệ thống các hành động, giải pháp toàn diện từ cơ chế, chính sách đến các chương trình tín dụng xanh cụ thể, cũng như phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức có liên quan có các cơ chế khuyến khích, tăng cường vốn và năng lực,… nhằm hỗ trợ các NH thực hiện, triển khai các chương trình tín dụng xanh, trong đó 1 số giải pháp cụ thể là:

Tiếp tục hợp tác với các tổ chức tài chính phát triển quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bền vững, tín dụng xanh để xây dựng một đội ngũ giảng viên có kiến thức, hiểu biết về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội, từ đó tổ chức các lớp đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực ngành NH trong lĩnh vực còn tương đối mới mẻ đối với thị trường Việt Nam.

Còn về định hướng chính sách tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng xanh; ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng để đáp ứng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường (2020) để quy định bắt buộc tất cả các tổ chức tín dụng trong hệ thống áp dụng các nguyên tắc chung quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và đầu tư, tạo cơ sở pháp lý cho các NH thực hiện tín dụng xanh. Việc cho ra đời Thông tư này là điều cần thiết để góp phần giúp thực hiện được các chiến lược về tín dụng xanh, vì nếu thiếu các quy định mang tầm quốc gia và trên toàn hệ thống thì có thể các NH sẽ không thấy trách nhiệm phải tuân thủ. Ngược lại, nếu có các quy định, hướng dẫn cụ thể trong hệ thống tài chính thì mọi thành phần tham gia sẽ đều thấy trách nhiệm của mình.

Xây dựng và phổ biến bộ chỉ tiêu về đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành kinh tế cụ thể có nguy cơ rủi ro cao. Đây sẽ là công cụ để các NH xác định các rủi ro môi trường và xã hội khi thẩm định đơn xin cấp tín dụng cho một số ngành cụ thể. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần tổ chức một số lớp đào tạo về sử dụng các công cụ quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho cán bộ nòng cốt về quản lý rủi ro môi trường và xã hội và thẩm định tín dụng tại các NH.

Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm thực hiện tín dụng xanh với tổ chức, NH quốc tế hoạt động tốt trên lĩnh vực này. Việc tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo sẽ là cơ hội chia sẻ rất cần thiết để tập hợp các ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn tại các NH quốc tế, từ đó giúp các NHTM Việt Nam bước đầu thí điểm và tiến tới xây dựng chiến lược về chính sách và các chương trình tín dụng xanh của mình. Qua các buổi hội thảo, các đại biểu tham dự cũng sẽ nhận thức rõ hơn các rủi ro tiềm ẩn đối với ngân hàng mình nếu như không xem xét đến các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội khi tài trợ một dự án.

Tuyên truyền về các lợi ích của việc thực hiện tín dụng xanh, làm cho các NH tin rằng việc phát triển tín dụng xanh sẽ không chỉ giúp cho nền kinh tế - xã hội trong định hướng phát triển xanh nói chung, mà còn tốt cho chính từng NH và khách hàng của họ nói riêng xét cả về uy tín thương hiệu và những giá trị khác mang lại. Khi họ tin, trách nhiệm thực hiện cũng sẽ tốt hơn.

Phối hợp với các bộ, ngành đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển tín dụng xanh như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế…

Đối với các NHTM, trước yêu cầu bắt buộc phải thực hiện tín dụng xanh, áp dụng quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, các NH cần nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này để thấy tín dụng xanh đang là một chiến lược rất phổ biến và ngày càng được nhiều các NH áp dụng. Chiến lược này giúp các NH đảm bảo quá trình phát triển của tổ chức không làm tổn hại đến con người, nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Việc này cũng giúp các NH bảo vệ danh mục tín dụng khỏi những rủi ro kinh doanh và tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới thân thiện với môi trường. Hơn nữa, Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN nên các NH của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các NH trong khu vực, trong đó rất nhiều NH đã đi theo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội quốc tế. Vì vậy, để chiếm ưu thế trong các cơ hội kinh doanh mới và mở rộng thị phần, các NH của Việt Nam cần đáp ứng được với xu hướng chung đó. Nhận thức được sự cần thiết cũng như lợi ích to lớn của tín dụng xanh, các NH cần triển khai các giải pháp để phát triển tín dụng xanh như:

Xây dựng định hướng phát triển tín dụng xanh thông qua việc ban hành quyết định thành lập ban triển khai đề án; hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp để hướng tới các mục tiêu như: rà soát và cập nhật các nội dung của chính sách về quản lý môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; xây dựng định hướng tín dụng hàng năm, trong đó có nội dung về quản lý môi trường; xây dựng hướng dẫn thẩm định rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện tín dụng xanh thông qua tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về hoạt động NH xanh - tín dụng xanh; nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nâng cao trình độ nghiệp vụ thẩm định về rủi ro môi trường xã hội của các dự án;…

Chủ động tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ/ban/ngành đầu mối, hoặc tiếp cận trực tiếp các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, Quỹ tín thác tín dụng xanh (GCTF do SECO thành lập ở Việt Nam)… để có nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh.

Nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh; có chính sách khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh thân thiện với môi trường như ưu đãi lãi suất, thời hạn cho vay… đồng thời công bố rộng rãi các chương trình này và tích cực tìm kiếm khách hàng phù hợp.

Thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định. Theo đó, NH phải đánh giá tác động của dự án đến môi trường, xã hội, thẩm định yếu tố rủi ro về môi trường và an sinh xã hội của dự án trước khi cấp tín dụng, kiểm tra trong hồ sơ xin vay vốn phải có bản đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; loại trừ hoặc hạn chế cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường xã hội. Từ kết quả đánh giá tác động của dự án đến môi trường - xã hội, NH phải đưa ra các biện pháp quản lý đối với dự án. Tác động và ảnh hưởng của dự án đến môi trường xã hội càng cao thì các biện pháp quản lý càng chặt chẽ và yêu cầu khách hàng phải có biện pháp xử lý, khắc phục các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường xã hội. Song song đó, NH cần thường xuyên, định kỳ kiểm tra giám sát việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với khoản tín dụng đã cấp cho khách hàng. Việc kiểm soát chặt ngay từ khâu thẩm định tín dụng, hạn chế cấp tín dụng cho các dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội, đồng thời giám sát thường xuyên khoản tín dụng đã cấp sẽ góp phần hạn chế những rủi ro về mặt môi trường, xã hội. Ngoài ra, còn có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất - kinh doanh sạch và an toàn hơn.

Khi áp dụng các giải pháp trên, các NH cũng sẽ phải chịu một số chi phí trong việc thực hiện quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong ngắn hạn như phí hành chính để phát triển môi trường tốt và hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội; chi phí thuê chuyên gia tư vấn, chi phí đào tạo cán bộ quản lý cho các dự án có nguy cơ rủi ro cao… Tuy nhiên, chi phí này sẽ được hoàn lại từ khả năng tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao uy tín trên thị trường của NH. Nhưng quan trọng hơn cả, về lâu dài, điều này sẽ giúp NH hạn chế rủi ro, bảo toàn được nguồn vốn cho vay. Vì vậy, thay vì coi quản lý môi trường là một chi phí gia tăng cho tổ chức, các tổ chức tài chính NH cần coi đó là chi phí để phát triển bền vững, là một lợi thế cạnh tranh, là một cơ hội phát triển và là một phần không thể thiếu trong cơ cấu quản lý rủi ro của tổ chức mình.

3. Kết luận

Như vậy, để phát triển tín dụng xanh, NHNN cần ban hành những quy định bắt buộc về quản lý rủi ro môi trường - xã hội cũng như có những hướng dẫn, hỗ trợ về chính sách, đào tạo nhân lực và tuyên truyền về tín dụng xanh. Bên cạnh đó, các NHTM cũng phải chủ động xây dựng chính sách tín dụng xanh, tìm các nguồn tài trợ để nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, thực hiện nghiêm túc việc thẩm định rủi ro môi trường - xã hội khi cấp tín dụng, đồng thời NH cũng phải nâng cao nhận thức cũng như trình độ của cán bộ, nhân viên tín dụng về tín dụng xanh.

Kinh nghiệm của Trung Quốc phải mất 5 năm mới xây dựng thành công chính sách tín dụng xanh. Do vậy, Việt Nam cũng cần có lộ trình và thời gian thực hiện phát triển tín dụng xanh. Với sự thống nhất từ chủ trương đến chính sách và sự phối hợp của các ban ngành và các NH, doanh nghiệp, tín dụng xanh sẽ sớm đạt được những kết quả khả quan, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành NH và của đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Sudhalakshmi, K.M.Chinnadorai. (2014). Green Banking Practices In Indian Banks. International Journal of Management and Commerce Innovations, 2(1), 232-235.

Mustafizur Rahman, Md. Ali Ahsan, Md. Motahar Hossain, Meem Rafiul Hoq. (2013). Green Banking Prospects in Bangladesh. Asian Business Review, 2(4), 59-63.

Nigamananda Biswas. (2011). Sustainable Green Banking Approach: The Need of the Hour. Business Spectrum, 1(1), 32-38.

Raad Mozib Lalon. (2015). Green banking: Going green. International Journal of Economics, Finance and Management Sciences, 3(1), 34-42.

Vikas Nath, Nitin Nayak, Ankit Goel. (2014). Green banking practices - a review. International Journal of Research in Business Management, 2(4), 45-61.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2012). Công bố Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Truy cập tại: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=1450&idcm=194.

TS. Vũ Văn Sơn - Ngân hàng Phát triển Việt Nam

NCS. Hoàng Dũng - Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tạp chí in số 11/2022
Bạn đang đọc bài viết Phát triển tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chính sách tín dụng xanh mang lại cơ hội phát triển bền vững
Kiên định mục tiêu “Vì con người”, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) luôn giữ vững sứ mệnh tư vấn và phục vụ cho một thế hệ các doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo ra giá trị cốt lõi, mang lại giá trị đích thực cho cộng đồng và thân thiện với môi trường.