Một số nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng xanh của các HKD cá thể - Nghiên cứu trong ngành gỗ

27/04/2020, 15:10

TCDN - Trong số các hộ kinh doanh ngành gỗ, thì chỉ có khoảng 47,22% số hộ được vay vốn với lãi suất phù hợp (khoảng 8 - 14%/năm) - nhưng vẫn được đánh giá là cao hơn rất nhiều so với lãi suất mà các doanh nghiệp vay vốn, dù cùng ngành (Ngân hàng Nhà nước, 2018).

1. Giới thiệu

Thương mại gỗ, đồ gỗ trong nước và trên thế giới tăng trưởng mạnh, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 thế giới, số 2 châu Á và số 1 Đông Nam Á trong giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản khi trong năm 2018 xuất khẩu lâm sản bao gồm gỗ ước đạt 9,38 tỷ USD. Mặt khác, theo Nguyễn Xuân Cường (2019), ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản thời gian tới sẽ đối mặt với ngày càng nhiều thách thức lớn. Theo Tổng cục kiểm lâm và viện điều tra quy hoạch rừng, người dân làm nghề rừng có giá trị thu nhập rừng phổ biến dưới 10 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn so với mức lương cơ sở năm (17.880 triệu đồng/ năm) - mà một trong những nguyên nhân của việc này là không thể cung ứng được nguồn tín dụng - đặc biệt là tín dụng xanh để vừa phát triển các ngành liên quan đến gỗ nhằm bảo vệ rừng, vừa tăng thu nhập cho các hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực này.

Trong số các hộ kinh doanh ngành gỗ, thì chỉ có khoảng 47,22% số hộ được vay vốn với lãi suất phù hợp (khoảng 8 - 14%/năm) - nhưng vẫn được đánh giá là cao hơn rất nhiều so với lãi suất mà các doanh nghiệp vay vốn, dù cùng ngành (Ngân hàng Nhà nước, 2018). Tổng nguồn vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam (bao gồm cả Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng chính sách, các quỹ tín dụng nhân dân) dành cho hộ kinh doanh cá thể chỉ chiếm có 10,8% tổng dư nợ, trong số đó nhiều các hộ kinh doanh buộc phải chuyển sang vay theo hình thức cá nhân vay (World Bank, 2018). Điều đó thấy rằng, việc tiếp cận tín dụng của các hộ kinh doanh cá thể đang có vấn đề. Nghiên cứu này, trước hết đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng của các hộ dựa trên kết quả của cuộc phỏng vấn sâu.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Thiết kế dàn câu hỏi phỏng vấn sâu

Dàn câu hỏi trong trường hợp này như sau: 

Thứ nhất, kiểm tra, sàng lọc các biến độc lập trong mô hình lý thuyết được nhóm tác giả đề xuất và xác định sơ bộ mối quan hệ giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc - mà cụ thể gồm các biến (1) tài sản đảm bảo; (2) lãi suất vay vốn; (3) thủ tục vay vốn; (4) khoảng cách địa lý; (5) kinh nghiệm của hộ kinh doanh; (6) thu nhập của hộ gia đình và (7) trình độ cả chủ hộ. Các mô hình đã đề cập được nghiên cứu tại nhiều nơi trên thế giới.

Thứ hai, kiểm định sự phù hợp của thang đo. Thang đo được tác giả đưa ra trong nghiên cứu là những thang đo đã được công nhận và sử dụng rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên trong điều kiện lĩnh vực nghiên cứu là khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh ngành gỗ tại Việt Nam, những thang đo này cũng cần phải được xem xét để điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp.

2.2. Thực hiện phỏng vấn

Nhóm 1: Chuyên gia trong ngành Tài chính - Ngân hàng

Cuộc phỏng vấn này được tiến hành dựa trên 9 người hoạt động trong cả mảng thực tiễn và lý thuyết. Độ tuổi của người phỏng vấn nằm trong mức 40 - 50 tuổi, để đảm bảo có tính trải nghiệm thực tế, và đủ để các cá nhân có thể nêu ra ý kiến của mình trong cuộc khảo sát. Thời gian khống chế của cuộc phỏng vấn là 2 tiếng, và tất cả các cá nhân đều sẽ chia sẻ về các câu hỏi được nêu ra. Nội dung cuộc thảo luận được ghi chép và phân tích để đưa ra kết luận về các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ tín dụng của các hộ kinh doanh cá thể trong ngành gỗ tại vùng nông thôn Việt Nam cũng như các chính sách đưa ra để hỗ trợ nhóm này.

Nhóm 2: Các hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong ngành gỗ tại Việt Nam 

Cuộc phỏng vấn này được tiến hành với 12 người, đa phần là chủ các hộ hoặc người có khả năng quyết định chính các vấn đề về sử dụng vốn. Thời lượng phỏng vấn của nhóm này cũng tối đa là 2 tiếng, trong đó tập trung vào các nguyên nhân mà các đối tượng này có thể tiếp cận được tín dụng xanh từ phía các tổ chức tín dụng, cũng như các nhân tố cản trở đến tiếp cận tín dụng.

3. Kết quả phỏng vấn sâu và hàm ý chính sách

Sau khi phỏng vấn, tác giả tiến hành gỡ băng để có thể ghi chép những vấn đề chung nhất mà các chuyên gia trong ngành đưa ra về tiếp cận tín dụng xanh và nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng xanh của các hộ kinh doanh cá thể trong ngành gỗ.

Kết quả từ cuộc phỏng vấn nhóm chuyên gia

Tài sản đảm bảo: Việc thiếu tài sản đảm bảo là một trong những rào cản lớn đối với việc tiếp cận vốn ngân hàng - đặc biệt tại vùng nông thôn hoặc kinh doanh ngành gỗ, bởi ngành này chịu ảnh hưởng lớn từ những biến động trên thị trường.

Lãi suất vay vốn: là chi phí của khoản vay có ảnh hưởng đáng kể đến các kế hoạch tăng trưởng của hộ kinh doanh cá thể. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến các khoản thanh toán cho bên cho vay mà còn có tác động đến nguồn vốn của hộ kinh doanh ngành gỗ - đặc biệt tại vùng nông thôn, khi mà lãi suất còn thể hiện khả năng tín nhiệm với nhóm người vay vốn.

Khoảng cách địa lý: khoảng cách địa lý từ nơi kinh doanh của và hộ kinh doanh đến các chi nhánh ngân hàng có mối quan hệ nghịch biến với khả năng tiếp cận vốn của các hộ kinh doanh ngành gỗ tại vùng nông thôn. Nguyên nhân là tại vùng nông thôn, điều kiện đi lại khó khăn sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp cận nguồn vốn, và thường thì những ở vùng sâu trình độ học vấn và khả năng nắm bắt tình hình còn hạn chế do cách xa trung tâm là nơi tập trung nhiều trung tâm thương mại và TCTD.

Thủ tục vay vốn: Hầu hết các hộ kinh doanh ngành gỗ tại vùng nông thôn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, kỹ năng trong việc quản lý kinh doanh và thiết lập các kế hoạch kinh doanh còn hạn chế. Điều này khiến cho họ khó đáp ứng được các thủ tục cho vay nghiêm ngặt mà các tổ chức tín dụng yêu cầu.

Kinh nghiệm kinh doanh: Các hộ này càng có nhiều kinh nghiệm thì hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ tại vùng nông thôn càng dễ dàng tiếp cận tín dụng xanh.

Thu nhập: Các cá nhân được phỏng vấn nêu ra một trong những điều kiện để vay vốn từ các tổ chức tín dụng chính thức chính là khả năng trả nợ của người vay.

Kinh nghiệm của ngân hàng - đặc biệt là ngân hàng có định hướng tài trợ cho nông nghiệp nông thôn: ngân hàng càng có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp vốn đến các đối tượng đặc trưng (như vùng nông thôn - hoặc ngành gỗ) thì càng dễ phát triển dịch vụ này. Đặc biệt, tại Việt Nam, các TCTD được thành lập từ sớm với thời gian hoạt động lâu năm, được xem là có lợi thế hơn việc hình thành uy tín cũng như các dịch vụ tài chính chuyên biệt.

Dịch vụ ngân hàng số: đây là nhóm nhân tố được phát triển thêm bởi đóng góp của các chuyên gia trong ngành. Ngân hàng số (Digital Banking) là một hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống. Kết quả phỏng vấn sâu các chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng cho thấy: hiện tại dịch vụ ngân hàng số được coi là xu thế tất yếu của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, là dịch vụ “mới” và hiện đại được coi là tiêu biểu và tăng khả năng tiếp cận cho các hộ kinh doanh cá thể mọi lúc, mọi nơi.

Kết quả từ cuộc phỏng vấn các cá nhân kinh doanh ngành gỗ

Kết quả phỏng vấn các cá nhân ngành gỗ cho thấy, các đối tượng này đa phần cũng tương đồng với các chuyên gia, khi cho rằng lãi suất và thủ tục đang gây cản trở đến tiếp cận tín dụng xanh của các hộ kinh doanh cá thể trong ngành gỗ tại vùng nông thôn. Tuy nhiên, một số vấn đề phát triển được như sau:

Kinh nghiệm kinh doanh: Các đối tượng cho rằng họ đều có kinh nghiệm kinh doanh, nhưng việc tiếp cận tín dụng lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường mà nhóm này hoạt động: khi thị trường ngành gỗ tăng thì tiếp cận rất tốt, khi thị trường xuống thì không tiếp cận được. Ngoài ra, đối tượng này không nhận được hỗ trợ của các cán bộ tín dụng trong việc dự tính dòng tiền, nên tiền gửi không được gửi - và không tận dụng được nguồn tiết kiệm xanh.

Ngân hàng số: Đối tượng phỏng vấn cho rằng, việc phát triển ngân hàng số đã giúp họ tiếp cận được nguồn tín dụng xanh, tuy nhiên, việc này còn giúp các hộ sản xuất ngành gỗ vay được vốn từ các nguồn khác trên thị trường - ví dụ như vay tín dụng phi chính thức, một số trường hợp là tín dụng đen, bởi quy trình cho vay nhanh gọn, giải ngân nhanh. Do đó, có thể cho rằng đây là nhân tố ảnh hưởng vừa tích cực vừa tiêu cực dựa trên quan điểm của người sử dụng vốn.

Khoảng cách địa lý: Đây không phải là vấn đề, bởi hiện tại đường giao thông nông thôn rất tốt, đặc biệt là chính sách nông thôn mới đã hoàn thiện việc vận chuyển đường gỗ. Ngoài ra, chính sách của nhà nước trong các nghị định cho vay đã giúp ngành gỗ phát triển hơn.

3.1. Một số hàm ý chính sách từ kết quả phỏng vấn

Về ngân hàng số

Để có thể thúc đẩy tiếp cận tín dụng xanh cho các hộ kinh doanh ngành gỗ tại khu vực nông thôn thì cần phải có một nền tảng về ngân hàng số phù hợp - vừa để tìm kiếm một phân khúc mới, vừa giải quyết hạn chế đến từ sự không thuận tiện do khoảng cách địa lý và thủ tục vay vốn - và cũng tránh được việc vay vốn “nóng” qua mạng, cụ thể:

Về môi trường pháp lý: NHNN cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện khung pháp lý cho ngân hàng số, tạo sân chơi bình đẳng và là cầu nối cho NHTM và Fintech/Bigtech, tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, có các chính sách hỗ trợ cho các NHTM trong quá trình chuyển dịch này.

Về xây dựng hệ sinh thái: Thu hút khách hàng và có thể khai thác cơ sở dữ liệu lớn nhờ mức độ tích hợp dịch vụ cao trong hệ sinh thái tài chính. Với một hệ sinh thái tài chính toàn diện, bao gồm giao diện thanh toán trực tuyến, ngân hàng trực tuyến, quản lý tài sản trực tuyến, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chấm điểm tín dụng, hình thành quỹ kêu gọi vốn.

Đa dạng hóa sản phẩm với hình thức tài sản đảm bảo linh hoạt

TSĐB là một trong những vấn đề hạn chế khả năng vay vốn cũng như tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của các hộ gia đình kinh doanh ngành gỗ tại vùng nông thôn Việt Nam. Do đó, nhóm tác giả đưa ra hàm ý về việc nghiên cứu các chính sách cho vay: Mở rộng các loại hình tài sản đảm bảo, yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm với loại tài sản này tại doanh nghiệp mà chi nhánh chỉ định, với yêu cầu thụ hưởng thuộc về ngân hàng. Đối với trường hợp Cho vay không TSĐB, NHTM nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc thù theo nhóm nghành nghề và áp dụng một trong số các biện pháp quản lý rủi ro như sau:

(i) Cấp hạn mức tín dụng nhỏ (trong hạn mức rủi ro cho phép của ngân hàng khi cân đối với chi phí đầu vào, đầu ra) hoặc cấp thêm hạn mức không TSĐB cho doanh nghiệp hoặc hộ gia đình đã có khoản vay có TSĐB;

(ii) Khách hàng chứng minh được doanh thu đảm bảo khả năng trả nợ (chuyển doanh thu về tài khoản mở tại ngân hàng cấp vốn); Cho vay dựa trên sự bảo lãnh từ các tổ chức xã hội, Hiệp hội nơi khách hàng là Hội viên;

(iii) Bán chéo sản phẩm để gia tăng lợi nhuận: Các doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc hộ gia đình được vay vốn phải đồng ý sử dụng ít nhất 3 (hoặc tùy chọn) các dịch vụ phi tín dụng đi kèm như: chuyển tiền, trả lương, thẻ ghi nợ, cho vay tiêu dùng đối với chủ doanh nghiệp và người lao động, tài khoản thanh toán;

(iv) Để giảm thiểu rủi ro: Sử dụng các công cụ tính toán rủi ro, đưa vào mức giá các sản phẩm.

Có chính sách lãi suất phù hợp tăng khả năng tiếp cận của khách hàng và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngân hàng.

Thời điểm hiện tại, mặc dù các hộ kinh doanh gỗ tại vùng nông thôn chấp nhận mức lãi suất cao hơn tuy nhiên, các ngân hàng nên có những chiến lược nhất định trong việc áp dụng lãi suất phù hợp để tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng khi hướng đến phân khúc còn nhiều tiềm năng này, việc giảm các chi phí hoạt động cũng là yêu cầu cần thiết, một số giải pháp đề xuất để giảm chi phí: (1) Áp dụng công nghệ vào cấp tín dụng (tiếp nhận hồ sơ online, xây dựng hệ thống chấm điểm tự động để giảm thiểu nguồn lực con người vào thẩm định tín dụng); (2) Tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên giao dịch trực tiếp với khách hàng thông qua việc cải tiến tác phong làm việc, nâng cao kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng.

Ngoài ra, để tăng hiệu quả của chính sách cho vay đối tượng ưu tiên vì mục tiêu phát triển kinh tế nói chung, NHNN cần nghiên cứu có giải pháp như tái cấp vốn, cấp bù lãi suất, có cơ chế xác định nhóm nợ và cơ chế trích lập dự phòng, xử lý rủi ro riêng…

3.2. Hướng nghiên cứu tiếp theo

Đây là nghiên cứu nền tảng, dùng để phát triển bảng hỏi, nên sau đây, việc cần thiết là phải thực hiện nghiên cứu định lượng sơ bộ để kiểm định bảng hỏi và thang đo, và sau đó là phỏng vấn chính thức. Cuối cùng của quá trình này là sử dung phần mềm SPSS và AMOS để kiểm định.

Tài liệu tham khảo

1. Doan Thanh Ha (2015), ‘Determinants of Access to Bank Credit for Agricultural Households in Vietnam’, Journal of Economics and Development, T. 17, S. 3 (2015). Gaurav Sarma (2017), What is digital banking, truy cập lần cuối 15/10/2018 tại http://www.ventureskies.com/blog/digital-banking.

2. Gideon Kosgei Korir (2013), Factors affecting access to credit by the small business producer groups in Trans-nzoia county, retrieved at http://erepository.uonbi.ac.ke/bitstream/handle/11295/94673/Korir%20Gideon%20Kosgei_Factors%20affecting%20access%20to%20credit%20by%20the%20Small%20business%20producer%20groups%20in%20Transnzoia.pdf?sequence=1&isAllowed=y

3. Ha Thi Thieu Dao, Nguyen Thien Kim & Nguyen Thi Mai (2016), ‘Poor households’ credit accessibility: the case of rural Vietnam’, Afro-Asian J. Finance and Accounting, Vol. 6, No. 3, p.241 - 257.

4.Ledgerwood, Joanna. 2013. The New Microfinance Handbook : A Financial Market System Perspective, Washington, DC: World Bank.

5. Nguyen Hong Ha (2018), ‘The Factors Affecting the Access to Banking Credits of Family Businesses in Tra Vinh Province, Vietnam’, International Journal Of Economics and Financial Issues, Vol8, No 5 (2018).

6. Nguyen S, (2016), ‘Determinants of Successful Access to Bank Loans byVietnamese SMEs: New Evidence from the Red River Delta’, J Internet Bank Commer 21: 162. doi:10.4172/1204-5357.1000162

7. Nguyễn Phúc Chánh (2016), ‘Phân tích các nhân tố tác động đến quyết định vay vốn của khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh tại Agribank trên địa bàn TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang’, Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Trà Vinh.

8. Rose, P. S. & Hudgins, S.C. (2013), Bank Management and Financial Services, 9th Edition. London: McGraw Hill.

9. Peria (2018), The Foundations of Financial Inclusion : Understanding Ownership and Use

ThS. Lê Hoàng Anh - Đại học Kinh tế Quốc dân

ThS. Nguyễn Duy Thanh - Công ty TNHH Xây Dựng Và Trang Trí Nội Thất Thanh Phương

Tạp chí in số tháng 4/2020
Bạn đang đọc bài viết Một số nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng xanh của các HKD cá thể - Nghiên cứu trong ngành gỗ tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan