Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh làm việc với BHXH 3 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ
TCDN - Chiều 2/12, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo BHXH Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về công tác thu, phát triển đối tượng, thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ trọng tâm thời điểm cuối năm 2022.
Ông Phạm Minh Thành - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai thông tin: Trong 11 tháng của năm 2022 toàn tỉnh có 2.681.990 người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó, về BHXH có 811.428 người tham gia, tăng 27,57% so với cuối năm 2021; về BH thất nghiệp có 793.934 người tham gia, tăng 27.582 người so với năm 2021; về BHXH tự nguyện có 11.909 người tham gia, thấp hơn 263 người so với năm 2021. Thu BHXH, BHYT được trên 21.132 tỷ đồng, đạt 88,8% kế hoạch được BHXH Việt Nam giao.
Theo ông Thành, từ nay đến hết năm, BHXH tỉnh Đồng Nai còn phải phát triển trên 208.000 người tham gia BHYT; 95.000 người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp; hơn 28.300 người tham gia BHXH tự nguyện. Về thu còn phải phấn đấu đạt thêm 2.673 tỷ đồng...
BHXH tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với chính quyền thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 10-NQ/HĐND của HĐND tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh triển khai 2 công văn của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam về giảm nợ và tăng cường thanh tra đột xuất.
Báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, bà Lê Minh Lý - Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết: Về BHXH bắt buộc, tỉnh đã có 993.341 người tham gia, đạt 87,39% kế hoạch; về BHXH tự nguyện có 10.031 người tham gia, đạt 34,93% kế hoạch; về BHYT có 2.089.847 người, đạt 85,35% kế hoạch. Cùng với đó, số thu đạt 22.919 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch; số nợ là 1.023 tỷ đồng, chiếm 4,02% so với số phải thu.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh cần phải phát triển thêm 143.000 người tham gia BHXH bắt buộc; 18.683 người tham gia BHXH tự nguyện và 358.000 người tham gia BHYT. Trước những “thử thách” này, bà Lý cho biết, BHXH tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu và UBND xã, phường ra quân tuyên truyền đến từng khu phố, ấp.
"Hằng tuần, BHXH tỉnh mời ít nhất 20 doanh nghiệp nợ; đồng thời mời cơ quan Công an cùng tham dự. Qua các đợt làm việc, tỷ lệ thu hồi nợ đạt khoảng 68%" - bà Lý thông tin. Đồng thời, bà Lý cũng hứa, từ nay đến hết năm sẽ cố gắng tăng thêm khoảng 100.000 người tham gia BHYT.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó giám đốc quản lý và điều hành BHXH Tp.HCM, trong 11 tháng qua, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của thành phố đều tăng so với cùng kỳ. Hiện, toàn thành phố đang có 7.872.277 người tham gia BHXH, BHYT, tăng 2,5% so với năm 2021 (tương đương tăng 191.719 người). Trong đó, về BHXH bắt buộc có 2.519.205 người, đạt 93,75% kế hoạch; về BHYT có 7.840.832 người, đạt 91,37% kế hoạch. Tuy nhiên, về BHXH tự nguyện vẫn đạt tỷ lệ khá thấp (hiện mới thu hút được 30.783 người tham gia).
BHXH Tp.HCM đã quyết liệt chỉ đạo Phòng Quản lý Thu, Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng và Giám đốc BHXH các quận, huyện quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, chiều thứ Hai hằng tuần tổ chức họp trực tuyến giữa Ban Giám đốc, Trưởng phòng Quản lý Thu, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng và lãnh đạo BHXH 22 quận, huyện để đánh giá kết quả thực hiện của tuần trước và đề xuất giải pháp thực hiện của tuần tiếp theo.
Cùng với đó, phân tích nhóm đối tượng tiềm năng, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia tháng 12/2022 cho từng tổ chức dịch vụ thu. Làm việc với tổ chức dịch vụ thu (PVI, Viettel, Bưu điện) để yêu cầu cam kết phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được BHXH Thành phố giao. Phân công cán bộ bám sát tổ chức dịch vụ thu để theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an tiến hành thanh tra, kiểm tra những đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật BHXH, BHYT để thu hồi nợ đọng…
“Mục tiêu của Tp.HCM là phấn đấu đạt 91,25% số người dân tham gia BHYT, hằng tuần đều họp Ban Giám đốc với các quận, huyện để đánh giá tình hình, bàn giải pháp. Hằng tuần, chúng tôi tổ chức mời các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT lên làm việc để có hướng xử lý. Một giải pháp mà BHXH TP đang triển khai là phối hợp với UBND TP có giải pháp hỗ trợ cho hộ cận nghèo tham gia BHYT. Nếu chính sách được áp dụng, sẽ nâng cao tỷ lệ tham gia trên địa bàn”- ông Thanh chia sẻ.
Ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) nhận định: Đến nay, tất cả chỉ đạo liên quan đến phát triển BHXH bắt buộc đều tăng, chỉ có Đồng Nai giảm. Trong đó, về BHYT học sinh, sinh viên có BHXH Tp.HCM tăng mạnh.
Cũng theo ông Hào, các địa phương cũng cần tăng cường công tác phối hợp, giao ban hằng ngày, hằng tuần với các tổ chức dịch vụ thu để giao thêm chỉ tiêu, để các tổ chức này có thêm giải pháp. Về BHYT học sinh, sinh viên, cần chú ý quan tâm các trường nghề, làm việc với cấp ủy của các trường. Cần tập trung huy động nguồn lực ủng hộ từ các mạnh thường quân để mua tặng thẻ BHYT, BHXH tự nguyện hỗ trợ người dân; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân.
Kết luận buổi làm việc, Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà BHXH 3 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ gặp phải. Đồng thời, biểu dương 3 địa phương đã có nhiều cố gắng khi có sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ. Đáng chú ý, chỉ tiêu về BHYT học sinh, sinh viên tăng; tỷ lệ giảm nợ BHXH rõ nét, việc chấp hành pháp luật nghiêm minh hơn...
“Đây có thể nói là 3 địa phương đầu tàu của cả nước, trách nhiệm rất nặng nề. Chính vì vậy, việc phấn đấu không chỉ cho tỉnh mình, địa phương mình, mà là cho cả Ngành, cả nước. Đây là ý nghĩa, trách nhiệm và cũng là vinh dự. Vì vậy, lãnh đạo BHXH các tỉnh cần xác định được vai trò quan trọng này để tiếp tục triển khai, “truyền lửa” cho công chức, viên chức ở địa phương trong những ngày cuối năm này...”- Tổng Giám đốc lưu ý.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành cần chú ý để có cách làm khoa học, hợp lý hơn, nhất là phải nắm chắc từng chỉ tiêu để xem những ngày còn lại của năm hoàn thành được bao nhiêu.
"Lãnh đạo BHXH các tỉnh cần thống kê, rà soát lại, nắm chắc dữ liệu mới có thể vận động người dân tham gia. Về vận động tham gia BHYT học sinh, sinh viên hay chỉ tiêu nông thôn mới cũng vậy, cán bộ cơ sở cần khéo léo, linh hoạt trong phát triển người dân tham gia. Các tổ chức dịch vụ thu cần theo sát, tăng cường phối hợp để làm tốt. Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân thấy được ý nghĩa của chính sách"- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899