Tp.HCM tổng kiểm tra 220 cây cầu cũ sau sự cố sập cầu Phong Châu
TCDN - Sau sự cố sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ, Sở Giao thông vận tải Tp.HCM đề nghị các UBND quận, huyện và T Thủ Đức, các đơn vị tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ, và cầu giao thông nông thôn, trên địa bàn thành phố trong mùa mưa bão.
Với địa hình sông nước bao quanh, dù không nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ nhưng Tp.HCM đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra hàng trăm cây cầu lớn nhỏ cùng hầm chui trải khắp các quận, huyện. Nhằm đảm bảo an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn hành phố trong mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM còn đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện kiểm tra, khảo sát hiện trạng và có ngay biện pháp đảm bảo an toàn khai thác đối với các cầu yếu, cầu không đồng bộ tải trọng; cầu bắc qua các tuyến giao thông thủy trọng yếu, cầu vượt trên cạn và hầm đường bộ trên bàn Thành phố.
Hiện nay trên địa bàn Tp.HCM, có 223 cây cầu đang được sử dụng phục vụ người dân. Trong đó có nhiều cây cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đã hư hỏng lâu ngày, nhưng chưa được sửa chữa, bảo trì.
Nhiều cầu "cao tuổi" xuống cấp
Theo thống kê, Tp.HCM có đến 46 cầu sắt cũ, lâu năm, nhiều cầu có được xây dựng hơn trăm năm tuổi, tới thời gian cần duy tu, bảo dưỡng hoặc xây mới, như cầu Tân Thuận 1, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cầu Vàm Sát (cũ)…
Những cây cầu cao tuổi mà Sở GTVT đặc biệt lưu ý đều được xây dựng từ trước năm 1975 và đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Đơn cử, cầu Tân Thuận 1 nối Q.7 và Q.4 được xây dựng từ thời Pháp thuộc năm 1905, sau khi đào Kênh Tẻ. Cầu có chiều dài 241 m, lòng cầu rộng 8 m và có 2 lề dành cho người đi bộ, mỗi lề rộng 1,25 m. Cây cầu được sửa chữa lớn lần đầu tiên vào năm 1992. Những năm sau đó, cầu tiếp tục có dấu hiệu xuống cấp nên năm 2005, thành phố đã giao Công ty Freyssinet International et Compagnie (Pháp) tiến hành nâng cấp lần 2.
Để giảm tải cho cầu Tân Thuận 1, năm 2005, TP.HCM hoàn tất xây dựng và đưa cầu Tân Thuận 2 vào khai thác. Cây cầu này được thiết kế gần như song song với cầu Tân Thuận 1 và chỉ cho phép các phương tiện lưu thông từ đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) sang đường Nguyễn Văn Linh (Q.7). Năm 2008, cầu Tân Thuận 1 tiếp tục được sửa chữa để nâng tải trọng lên 30 tấn và chỉ cho phép xe lưu thông 1 chiều, từ đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) sang đường Nguyễn Tất Thành (Q.4).
Gần nhất, năm 2020, Sở GTVT TP đã cấm xe lưu thông qua cây cầu này trong 3 đêm để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa. Tuy nhiên, đó chỉ là hoạt động duy tu tạm thời một số vị trí bị ăn mòn, gỉ sét dẫn đến đứt gãy thanh dàn và bong bật bản táp liên kết. Hiện trạng dầm dọc chủ, đầu thanh đứng - thanh xiên và dầm ngang của nhịp dàn vòm thép tại một số nút dàn trên cầu ghi nhận bị gỉ sét, hư hỏng do ăn mòn. Do đó, thành đã lên kế hoạch tiếp tục sửa chữa, khắc phục hư hỏng, gia cường đảm bảo duy trì khả năng khai thác bình thường của cầu.
Cầu Bình Triệu 1 bắc qua sông Sài Gòn trên tuyến đường QL13, nối liền Q.Bình Thạnh và TP.Thủ Đức cũng đã trải qua gần 100 năm lịch sử. Năm 2007, sau quá trình khảo sát, Cục Đường bộ VN có công văn cảnh báo Tp.HCM cầu Bình Triệu 1 có nguy cơ sập do quá cũ, yếu trong khi lưu lượng giao thông lớn. Sau đó, thành đã thực hiện nâng cấp, mở rộng cầu từ 2 lên 3 làn xe vào năm 2009. Đến nay, cầu Bình Triệu 1 chưa ghi nhận tình trạng hư hỏng về kết cấu. Tuy nhiên, do tĩnh không quá thấp ảnh hưởng tới năng lực lưu thông của các phương tiện thủy, nên cuối năm 2023, Sở GTVT Tp.HCM đã phê duyệt nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 cùng cầu Bình Phước 1 (QL1). Dự kiến, 2 cây cầu này sẽ được nâng tĩnh không lên 7 m, giữ nguyên quy mô mặt cắt ngang và tải trọng khai thác, thời gian bắt đầu làm từ năm 2023 - 2025.
Khu vực trung tâm thành phố, cầu Mống - cầu đi bộ bắc qua kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (nối Q.1 với Q.4) cũng đứng đầu danh sách những cây cầu cổ nhất Tp.HCM. Năm 2017, tường đá tại khu vực bậc thềm dẫn lên cầu Mống phía Q.4 bỗng xuất hiện nhiều vết nứt, hở bê tông. Theo người dân, lúc đầu chỉ thấy những vết nứt nhỏ và có người đến trét xi măng khắc phục nhưng sau đó, những vết nứt đã hở lớn và có nguy cơ lan rộng. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng kết luận đây là những vết nứt cấu tạo, không ảnh hưởng đến kết cấu chính của cây cầu và đã cho gia cố lại, đồng thời sơn lại lan can, cầu thang theo hướng sử dụng vật liệu sơn chống bám bẩn.
Cần nâng cấp sửa chữa ngay những cây cầu "cao tuổi"
Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM lưu ý các đơn vị chú ý những cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đã hư hỏng lâu ngày nhưng chưa sửa chữa, bảo trì; phát hiện và sửa chữa, khắc phục ngay các hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ sự cố công trình, mất an toàn giao thông công trình trong mùa mưa, bão năm 2024.
Trường hợp phát hiện công trình có nguy cơ sụp đổ, mất an toàn giao thông gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, các đơn vị phải thực hiện tạm dừng ngay việc khai thác công trình. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn người, phương tiện lưu thông, cảnh báo, rào chắn công trình kịp thời; có phương án tổ chức phân luồng giao thông tạm thay thế.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị thường xuyên phối hợp với UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện và các đơn vị đang thực hiện hợp đồng quản lý, bảo trì cầu đường bộ.
Theo đó, các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu, hầm đường bộ, đặc biệt là cầu giao thông nông thôn trên địa bàn Tp.HCM để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn khai thác trong mùa mưa bão. Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ 1 và 2, các sở giao thông vận tải bị ảnh hưởng của bão số 3 khẩn trương kiểm tra, rà soát an toàn các công trình cầu.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899