TP.HCM xuất khẩu trên 31 tỷ USD hàng hóa bảy tháng đầu năm

27/07/2020, 08:20

TCDN - Theo thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu TPHCM trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 31.460,13 triệu USD, tăng 3,99% so với cùng kỳ năm 2019).

Trên đà phục hồi

Cụ thể, mặt hàng máy vi tính, phụ kiện xuất khẩu tăng trưởng cao nhất, với kim ngạch đạt 9.978,80 triệu USD, tăng 32,79% so với cùng kỳ.Tiếp đến là mặt hàng gạo xuất khẩu đạt trên 1,6 triệu tấn, trị giá 1.596,18 triệu USD, tăng 10,02% so với cùng kỳ 2010.

Riêng nhóm hàng dệt may, giày dép lại giảm mạnh đến gần 16%, chỉ đạt mức 4.925,82 triệu USD.Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với doanh nghiệp thành phố. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Theo dự báo của Cục Hải quan TP.HCM, với đà tăng trưởng trong nửa đầu năm, trong năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sẽ tăng trưởng từ 6% đến 8% so với cùng kỳ 2019, đạt khoảng 60,6 tỷ USD.

Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là nhóm hàng nông sản, thủy hải sản, máy vi tính và hàng điện máy.

Mục tiêu năm 2020 tăng trưởng 5% GRDP

Trong 6 tháng đầu năm 2020, TP.HCM chỉ đạt mức tăng trưởng 2%, một con số rất thấp so với nhiều năm qua.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 đã tác động toàn diện đến nền kinh tế.Trong đó, lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn 60% trong cơ cấu tổng sản phẩm xã hội của thành phố trong khi dịch bệnh vừa qua lại tác động mạnh nhất đến các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, lưu trú, khách sạn.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Cụ thể, năm 2019, TP.HCM đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, trong khi đến hết tháng 6/2020, TP.HCM mới đón được 1,3 triệu lượt khách.Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cần tập trung thực hiện hàng loạt giải pháp để hoàn thành “nhiệm vụ kép” – vừa phòng chống dịch Covid-19, không chủ quan và không để dịch bùng phát trở lại; vừa phục hồi kinh tế sau dịch.

TP.HCM sẽ nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu năm 2020 tăng trưởng 5% GRDP.Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, thường trực là Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn phải duy trì và đề xuất các biện pháp hiệu quả theo từng giai đoạn, từng tháng, từng quý.

Trong đó, chủ trì làm việc với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao dự báo với việc cắt giảm đơn đặt hàng sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp ngừng hoạt động, làm mất việc bao nhiêu người lao động.

Chủ tịch các quận, huyện cần chủ động gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời giải quyết các vướng mắc, báo cáo đề xuất thành phố xem xét giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.

Một nhiệm vụ quan trọng khác, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong điều kiện hiện nay vì nguồn vốn này tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, những dự án lớn hiện nay đang vướng mắc, Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến đẩy nhanh tiến độ. Đối với những dự án giao cho các quận, các ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ rà soát lại và nếu cần thiết thì điều chuyển vốn, đơn vị nào làm không tốt thì năm tới tính toán việc giao vốn cho phù hợp.

“Tinh thần trước ngày 15/10, TP.HCM phải đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 80% và đến cuối năm 2020 đạt tỷ lệ trên 95% như đã cam kết với Chính phủ” – ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Các số liệu kinh tế chính trong 6 tháng đầu năm 2020 của TP.HCM

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 614.591 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ.

-Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%).-Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 1,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,0%). Bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 2,0% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,5%).

Về giá trị gia tăng ngành nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn thành phố ước tăng 3,11% so với cùng kỳ.-Về thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm là 164.503 tỷ đồng, đạt 40,54% so với dự toán, bằng 86,59% so với cùng kỳ.

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết TP.HCM xuất khẩu trên 31 tỷ USD hàng hóa bảy tháng đầu năm tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

TP HCM kiến nghị bố trí vốn ODA cho nhiều dự án trọng điểm
UBND TP HCM kiến nghị Bộ KHĐT sớm báo cáo Thủ tướng duyệt đề xuất các dự án: Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 3a (Bến Thành – Tân Kiên); Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát...