Trung Quốc tăng cường điều tra thuế đối với giới nghệ sĩ

14/02/2022, 10:21

TCDN - Cơ quan quản lý phát thanh, truyền hình hàng đầu Trung Quốc sẽ điều chỉnh cơ chế thanh toán để quản lý và giám sát tốt hơn ngành công nghiệp truyền hình, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp như trốn thuế và cát-xê cao ngất ngưởng gây bức xúc trong dư luận.

Tổng cục Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc mới đây vừa công bố Quy hoạch phát triển phim truyền hình từ nay đến năm 2025, nhằm chấn chỉnh trật tự thị trường phim truyền hình, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng trên thị trường này, phản đối hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bất chính và lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng mở rộng vốn bừa bãi, khuyến khích sự tương tác lành mạnh giữa vốn và ngành, đưa vốn đầu tư vào phục vụ phát triển phim truyền hình chất lượng cao.

Một trong những quy định được đưa ra trong quy hoạch là tổng số thù lao chi trả cho diễn viên không được vượt quá 40% chi phí sản xuất, trong đó cát xê cho các vai chính không được vượt quá 70% thù lao chi trả cho toàn bộ diễn viên. Các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường cơ chế xác minh, đăng ký các hợp đồng liên quan đến việc trả lương cho diễn viên.

Trung Quốc siết chặt quản lý cát sê, tăng cường điều tra thuế nghệ sĩ. (Ảnh: ITN)

Trung Quốc siết chặt quản lý cát sê, tăng cường điều tra thuế nghệ sĩ. (Ảnh: ITN)

Theo quy hoạch, một văn bản hợp đồng thanh toán mẫu được chuẩn hóa và thống nhất sẽ được sử dụng rộng rãi trong ngành. Các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tối ưu hóa môi trường thị trường và thiết lập cơ chế giám sát toàn bộ quy trình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như “hợp đồng âm dương”, ám chỉ hoạt động bất hợp pháp trong đó các hãng phim lập hai hợp đồng - một hợp đồng cung cấp cho cơ quan chức năng, cái còn lại không được báo cáo để giấu đi mức lương thực của diễn viên.

Kế hoạch mới của NRTA hiện đang thu hút sự quan tâm và trở thành chủ đề "nóng" trên mạng xã hội Hoa ngữ. Theo SCMP, chỉ trong vài giờ công bố, chủ đề này đã đạt hơn 200 triệu lượt tìm kiếm.

Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc còn tuyên bố nghiêm túc xử lý các diễn viên và cơ quan trốn thuế hoặc ký hợp đồng ma. Theo đó, những nghệ sĩ vi phạm sẽ phải chịu khoản phạt tài chính và bị cấm sóng.

Quy định trả lương cho các diễn viên được đề cập trong bộ quy tắc của NRTA lần đầu năm 2017. Tuy nhiên, quy định này không được thực hiện nghiêm ngặt trong những năm qua. 

Năm ngoái, quy tắc này trở nên "nóng" lại khi nữ diễn viên Trịnh Sảng bị điều tra trốn thuế và bị phát hiện nhận cát sê cao vô lý cho vai diễn trong Tân thiện nữ u hồn. Nữ diễn viên được cho rằng nhận mức thù lao 160 triệu nhân dân tệ (khoảng 25,1 triệu USD) cho 77 tập phim. Đây là con số được xem là vô lý và bất công với ê kíp của bộ phim. 

Vụ việc khiến Trịnh Sảng bị phạt 46 triệu USD và bị cấm hoạt động vĩnh viễn trong làng giải trí. Nữ diễn viên được mệnh danh là "nữ thần thanh xuân" hiện đang sống tại Mỹ và không còn cơ hội trở lại làng giải trí sau bê bối bỏ rơi con sơ sinh và trốn thuế.  

Giới chức Trung Quốc đã ra lệnh điều tra bộ phận sản xuất phim và cáo buộc ê-kíp thuê Trịnh Sảng vi phạm nguyên tắc chi trả thù lao cho diễn viên. Bộ phim Tân thiện nữ u hồn hiện không còn cơ hội ra mắt dù đã hoàn tất phần hậu kỳ vì bê bối của diễn viên chính và lùm xùm trốn thuế của nhà sản xuất phim.  

Theo Sina, Trịnh Sảng không phải là nghệ sĩ đầu tiên của Trung Quốc nhận mức cát sê khổng lồ và tìm cách trốn thuế bằng cách lập hợp đồng ma. Nữ diễn viên Phạm Băng Băng cũng đánh mất sự nghiệp trong làng giải trí khi bị điều tra và kết luận trốn thuế vào năm 2018. Nữ hoàng giải trí Hoa ngữ phải nhận khoản phạt 130 triệu USD và không thể tham gia bất kỳ dự án nào trong vòng hơn 4 năm qua vì tai tiếng.  

Trước bê bối trốn thuế, Phạm Băng Băng luôn thuộc top nghệ sĩ có thù lao ngất ngưởng ở Trung Quốc. Theo Forbes, nguồn thu của cô tới từ cát sê đóng phim, quay quảng cáo, sản xuất rượu vang, kinh doanh bất động sản và sản xuất phim. 

Thu nhập ngất ngưởng của một số diễn viên kéo dài ở đại lục suốt mười năm qua. Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa cũng được cho nhận mức cát sê 7-8 triệu USD khi tham gia dự án Hậu cung Như Ý truyện trong khi tổng kinh phí sản xuất của phim chỉ là hơn 47 triệu USD.

Theo Sohu, tính tới năm 2016, thù lao của các diễn viên chiếm 50-80% trong phim truyền hình. Đây cũng là nguyên nhân khiến chất lượng bộ phim giảm sút bởi thù lao quá lớn dành cho diễn viên ngôi sao làm nguồn lực sản xuất chung cạn kiệt. 

Cát sê cho diễn viên trong các bộ phim điện ảnh cũng cao vô lý trước giai đoạn năm 2017, trước khi chính phủ Trung Quốc có quy định chặt chẽ về thù lao cho giới nghệ sĩ. Về phía sao nam, ngôi sao võ thuật châu Á Lý Liên Kiệt dẫn đầu với mức cát sê cao nhất 60 triệu nhân dân tệ (214 tỷ đồng) cho một bộ phim điện ảnh.

"Ông hoàng võ thuật" Thành Long nhận mức cát sê từ 45 - 50 triệu nhân dân tệ (160 tỷ - 179 tỷ đồng), trong khi Châu Nhuận Phát, Cát Ưu và Chân Tử Đan bỏ túi từ 30 - 35 triệu nhân dân tệ (107 tỷ - 124 tỷ đồng) cho một dự án phim điện ảnh.  

Về phía nữ diễn viên, Hoa đán Chương Tử Di xếp đầu bảng với mức thù lao từ 10 - 12 triệu nhân dân tệ còn Phạm Băng Băng có thể thu về khoảng 8 triệu nhân dân tệ cho một dự án.

Triệu Vy và Châu Tấn có mức cát sê từ 7 - 8 triệu nhân dân tệ cho một bộ phim điện ảnh. Angelababy, siêu mẫu Lâm Chí Linh, Diêu Thần và Dương Mịch có thể nhận được từ 3 - 4 triệu nhân dân tệ cho một vai diễn trên màn ảnh rộng.

Mai Anh (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc tăng cường điều tra thuế đối với giới nghệ sĩ tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ Thương mại Mỹ thêm 33 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen”
Chính phủ Hoa Kỳ vừa công bố các hạn chế giao dịch với 33 tổ chức Trung Quốc có quyền sở hữu được coi là "chưa được xác minh", đồng thời niêm phong bản cáo trạng chống lại một công ty công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến đã bị cấm cung cấp cho các cơ quan liên bang của Hoa Kỳ.