Trước thềm hội nghị đối thoại Thủ tướng: Nỗi lo thuế phí đè nặng vai doanh nghiệp

16/05/2017, 01:24

TCDN - VCCI cho biết có 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả các loại phí không chính thức.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Trong đó, VCCI nêu rõ, về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả loại phí này. Các doanh nghiệp thường phải trả loại chi phí này khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Đặc biệt, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

“Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, VCCI đánh giá.

Nỗi lo về các khoản thuế, phí không chính thức, chi phí kinh doanh đang là gánh nặng lớn của doanh nghiệp

Theo VCCI, việc ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết là “tương đối tích cực”, “tích cực” và “rất tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ban đầu được hưởng lợi từ việc ban hành và thực hiện Nghị quyết.

Báo cáo của VCCI nhắc tới số lượng doanh nghiệp thành lập mới kỷ lục năm vừa qua, trên 110.000 doanh nghiệp, cao nhất về số lượng từ trước đến nay với số vốn đăng ký đạt 891.000 tỷ đồng tăng gần 49% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động hơn 26.600 doanh nghiệp, tăng 43%. VCCI đánh giá đây là một hiệu ứng ban đầu hết sức tích cực thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 35/NQ-CP.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2016, Việt Nam đứng thứ 82/190 quốc gia, tăng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với 5 chỉ số tăng hạng.

Theo khảo sát của Jetro, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, trên 66% doanh nghiệp có xu hướng “mở rộng hoạt động kinh doanh” tại Việt Nam. Đây là tỉ lệ cao so với các quốc gia khác.

AmCham đánh giá Việt Nam nổi bật với việc cải thiện lớn về môi trường kinh doanh, có 36% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam (so với 48% ở Indonesia, 21% ở Thái Lan, 19% của Malaysia). Khảo sát của EuroCham Quý IV/2016 cũng cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu đánh giá tốt về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam….

Thủ tướng trong một lần thăm gian hàng của doanh nghiệp

Tuy nhiên, chuyển động của một số bộ ngành, địa phương còn chậm. Một số bộ ngành vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi về nhận thức, cơ chế chính sách phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Một số chỉ tiêu quy định trong Nghị quyết còn chưa đạt yêu cầu. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy có 37% số doanh nghiệp thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Cá biệt có những trường hợp doanh nghiệp bị kiểm tra 9 lần trong một năm, cho dù nội dung không giống nhau nhưng đã gây áp lực rất lớn tới doanh nghiệp.

Bên cạnh việc nhiều bộ ngành, địa phương triển khai sớm, hiệu quả, quyết liệt, vẫn còn một số bộ ngành, địa phương chậm triển khai thực hiện nghị quyết, hoặc triển khai nghị quyết mang tính chất hình thức. Điều này dẫn tới tình trạng “nóng trên” nhưng “lạnh dưới” làm giảm hiệu qủa và tác động của Nghị quyết tới môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp một cách kịp thời.

Theo Người đồng hành

Bạn đang đọc bài viết Trước thềm hội nghị đối thoại Thủ tướng: Nỗi lo thuế phí đè nặng vai doanh nghiệp tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận