Từ 15/11, lái xe vi phạm nồng độ cồn, chủ xe bị phạt đến 10 triệu đồng
TCDN - Cần tăng mức phạt thật nặng các lái xe uống rượu, bia điều khiển phương tiện, cần treo bằng lái, thậm chí thu bằng lái vĩnh viễn với lái xe vi phạm nhiều lần thay vì phạt doanh nghiệp.
Từ ngày 15/11, Nghị định 117/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực, trong đó chủ xe có thể bị “mời” lên Phòng Cảnh sát giao thông nộp phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm tra việc tài xế uống rượu, bia ở thời điểm trước và trong khi lái xe.
Có thể nói, trước thực trạng tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, trong đó số lượng vụ tai nạn xảy ra do tài xế uống rượu bia trước khi lái xe, nồng độ cồn trong máu cao chiếm tỷ lệ lớn thì việc đề ra quy định trên là hoàn toàn hợp lý và hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, quy định lại đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chủ xe, bởi việc lái xe uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp.
Nhưng giới chuyên gia giao thông lại cho rằng: Dù lúc giao xe, doanh nghiệp đã kiểm tra tài xế nhưng quá trình đi đường, tài xế vẫn có thể uống rượu, bia. Do đó, cần tăng mức phạt thật nặng các lái xe uống rượu, bia điều khiển phương tiện, cần treo bằng lái, thậm chí thu bằng lái vĩnh viễn với lái xe vi phạm nhiều lần thay vì phạt doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, quản lý lái xe uống rượu, bia trước khi lên xe khá khó khăn đối với doanh nghiệp vì hiện nay các doanh nghiệp chưa có phương tiện nào kiểm soát nồng độ cồn của lái xe trước khi cầm vô lăng.
Nếu áp dụng quy định này, ví dụ lái xe bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn, lái xe bỏ xe lại để chủ doanh nghiệp chịu, sau đó lái xe tiếp tục xin việc ở một doanh nghiệp khác, thì có tạo được sự răn đe với lái xe nữa hay chỉ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.
Ngay cả Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng băn khoăn, không rõ lực lượng nào sẽ xử phạt chủ xe khi tài xế uống rượu, bia. Vì theo Nghị định 100/2019, chỉ có chế tài xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn, chưa có chế tài xử phạt doanh nghiệp?
Để lực lượng chức năng như CSGT có thể xử phạt chủ xe thì cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung chế tài này vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính.
Thời điểm này, ý kiến được dư luận quan tâm nhất lại là từ phía hành khách khi cho rằng, doanh nghiệp phải cương quyết và có giải pháp cứng rắn để buộc các tài xế làm cam kết không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Nếu tài xế nào đã cam kết mà vẫn vi phạm thì chủ dịch vụ phải sa thải, thuê tài xế khác để bảo đảm an toàn cho hành khách. Mặt khác, khi tai nạn xảy ra cần phạt thật nặng cả doanh nghiệp và cả lái xe.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899