Tử huyệt của Mỹ trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc

12/04/2025, 15:19
báo nói -

TCDN - Nông sản, đặc biệt là đậu tương, có thể là điểm yếu gây bất lợi cho Mỹ khi cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc leo thang.

Căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn leo thang đáng kể sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng Mỹ đang bị đối xử bất công và áp thuế đối ứng lên hàng loạt nền kinh tế, và ông đặc biệt mạnh tay với Trung Quốc.

Hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang chịu thuế 145%, nhảy vọt từ mức 10% mà ông Donald Trump áp đầu tháng 2. Bắc Kinh "ăn miếng, trả miếng", áp thuế 10-15% với một số mặt hàng Mỹ, sau đó áp thuế bổ sung 125% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế số một thế giới, có hiệu lực từ ngày 12/4.

Nông dân Mỹ và đậu tương chịu thiệt hại

Giới quan sát đánh giá đòn đáp trả của Trung Quốc sẽ giáng đòn nặng nề vào ngành nông nghiệp Mỹ, đặc biệt là nông dân. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc tiêu thụ 14% tổng xuất khẩu nông sản nước này trong năm 2024, nhiều thứ ba sau Mexico và Canada. Tỷ trọng ấy khiến ngành nông nghiệp trở thành "gót chân Achilles" của Washington trong cuộc chiến thuế quan với Bắc Kinh.

Ngay từ nhiệm kỳ đầu năm 2017-2021, Tổng thống Donald Trump đã có lập trường cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc, dẫn đến hai năm thương chiến, khi hai bên liên tục áp thuế qua lại đáp trả lẫn nhau.

Hệ quả là nông dân Mỹ khi đó thiệt hại hàng tỷ USD, buộc chính quyền ông Trump phải chi hàng chục tỷ USD từ quỹ của Bộ Nông nghiệp Mỹ để ổn định tình hình. Giới chuyên gia lo ngại hệ lụy với ngành nông nghiệp Mỹ trong cuộc chiến thuế quan lần này có thể nặng nề hơn.

"Nếu thuế quan hiện tại duy trì trong thời gian đáng kể, sự gián đoạn có thể rất nghiêm trọng, tệ hơn thương chiến năm 2018", David Ortega, giáo sư về kinh tế tại Đại học Bang Michigan, nói.

Đậu tương, đóng góp khoảng 0,6% cho GDP Mỹ, là nông sản gây lo ngại hơn cả. Ngành đậu tương trị giá 124 tỷ USD, lớn hơn cả quy mô nền kinh tế Kenya hay Bulgaria. Năm 2023, đậu tương mang lại nguồn thu xuất khẩu 27 tỷ USD cho nông nghiệp Mỹ, nhiều hơn mọi nông sản khác.

Trong khi đó, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ đậu tương Mỹ lớn nhất, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU). Trung Quốc đã nhắm đến đậu tương Mỹ để trả đũa từ tháng 3, áp thuế 10%. Tổng cộng, mặt hàng này đang chịu thuế 94% và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

"Trung Quốc mua 52% lượng đậu tương xuất khẩu của chúng tôi trong năm 2024", Scott Gerlt, kinh tế gia trưởng của Hiệp hội Đậu tương Mỹ (ASA), trả lời AFP. "Với tỷ trọng này, Mỹ không dễ tìm thị trường để thay thế Trung Quốc".

Các nông dân Mỹ nói nhiều người trong số họ không thể trụ quá lâu nếu cuộc chiến thuế quan tiếp diễn, bởi nông sản sẽ trở nên quá đắt đỏ để cạnh tranh trên thị trường thế giới. "Nếu thương chiến kéo dài qua mùa thu, bạn sẽ thấy nhiều nông dân phá sản", David Walton, một người trồng đậu tương ở Mỹ, nói với đài ABC.

Sau lần thương chiến đầu tiên, Trung Quốc đã giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu vào Mỹ, tìm nguồn cung đậu tương thay thế từ quốc gia khác, trong đó có Brazil.

"Chúng tôi vẫn đang mang vết sẹo từ lần thương chiến trước với Trung Quốc", Caleb Ragland, chủ tịch ASA, nói.

Mất thị trường xuất khẩu sẽ giáng đòn kinh tế nặng nề với ngành nông nghiệp ở nhiều "bang đỏ" vốn có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa, gây thiệt hại cho những cử tri từng bỏ phiếu giúp ông Trump đắc cử. Thực tế ấy sẽ tạo ra nguy cơ lớn cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra năm 2026.

Ngày 9/4, Tổng thống Donald Trump đã tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với hàng loạt đối tác. Nhưng động thái không giúp trấn an nông dân Mỹ, bởi ông Trump lại áp thuế cao hơn nữa với Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ về thương mại.

"Chúng ta sẽ mất thêm thị phần tại Trung Quốc", Ian Sheldon, giáo sư về nông nghiệp tại Đại học Bang Ohio, cảnh báo. "Việc chuyển hướng sang thị trường khác cũng không dễ dàng, bởi chính sách thuế quan của ông Trump bao trùm nhiều khu vực tiềm năng".

Nguy cơ với nông dân Mỹ càng gia tăng khi EU đưa đậu tương vào kế hoạch đáp trả chính sách áp thuế 25% với nhôm, thép toàn cầu của ông Trump. EU thông qua kế hoạch hôm 9/4, nhưng đã tạm hoãn triển khai 90 ngày sau khi Tổng thống Mỹ có động thái tương tự.

Những người trồng ngô ở Mỹ, vốn xuất khẩu 2% sản lượng cho Trung Quốc, cũng đứng ngồi không yên. Họ hoan nghênh việc Tổng thống Trump hoãn thuế đối ứng, phần nào giúp nông dân Mỹ tránh bị các đối tác đáp trả, đồng thời thúc giục Nhà Trắng tập trung vào đàm phán giúp mở ra thị trường mới.

"Bất ổn càng lâu, chúng tôi càng lo lắng cho lượng ngô trị giá hàng tỷ USD sắp thu hoạch không có thị trường tiêu thụ đáng tin cậy. Các thành viên muốn chắc chắn có khách hàng nội địa và nước ngoài trong thời gian tới", Kenneth Hartman Jr., chủ tịch Hiệp hội Người trồng ngô Quốc gia Mỹ, nói. 

nong dan 3

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy Trung Quốc năm 2024 còn nhập khẩu bông, thịt bò, thịt lợn, lúa miến và hải sản Mỹ với trị giá hơn 1 tỷ USD mỗi sản phẩm.

Ngoài áp thuế đáp trả, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo đình chỉ nhập khẩu thịt và bột xương từ các cơ sở của 5 doanh nghiệp gia cầm Mỹ và dừng nhập khẩu lúa miến từ một công ty do nghi nhiễm khuẩn hoặc chất cấm.

Hội đồng Xuất khẩu Gia cầm và Trứng Mỹ đang chờ thêm thông tin về việc đình chỉ xuất khẩu các lô hàng tới Trung Quốc, phát ngôn viên cơ quan này nói. Hội đồng ước tính chính sách thuế quan của ông Trump sẽ khiến xuất khẩu gia cầm sang Trung Quốc giảm 59%, tổn thất có thể lên đến hàng trăm triệu USD.

Khả năng khôi phục khoản hỗ trợ nông dân

Chính quyền Tổng thống Trump có thể phải khôi phục các khoản hỗ trợ cho nông dân Mỹ mà ông từng triển khai trong nhiệm kỳ một. Hôm 9/4, Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins nói giới chức đang cân nhắc một gói hỗ trợ như vậy và "không loại trừ phương án nào".

Tại phiên họp nội các ngày 10/4, ông Rollins nói rằng nông dân Mỹ gặp khó khăn vì lạm phát và bất ổn thương mại nhưng họ vẫn ủng hộ nghị trình kinh tế của ông Trump. Tổng thống Trump cũng nói ông muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc để chấm dứt căng thẳng đang leo thang.

Nông dân Mỹ nhìn chung thường phản đối chính sách trợ cấp của chính phủ, nhưng chủ tịch ASA cho rằng các khoản hỗ trợ liên bang lúc này đang trở nên cần thiết.

"Nếu tiếp tục bị dùng làm công cụ để thương lượng, thành thứ hy sinh cho đại cục, chúng tôi sẽ cần có một gói hỗ trợ kinh tế để duy trì hoạt động", ông Ragland nói.

Như Hằng/The New
Bạn đang đọc bài viết Tử huyệt của Mỹ trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan