Từ vụ ông Nguyễn Đức Chung: Bị tạm đình chỉ công tác, có được hưởng lương?

12/08/2020, 13:34

TCDN - Khi bị tạm đình chỉ công tác, công chức sẽ không phải thực hiện các công việc được giao. Như vậy, trong khoảng thời gian này, công chức đó có được ngân sách nhà nước chi trả lương không?

Khi nào công chức sẽ bị tạm đình chỉ công tác?

Theo Điều 81 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, việc tạm đình chỉ công tác với công chức được quy định như sau:

Theo đó, công chức sẽ bị tạm đình chỉ công tác nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện:

- Đang trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật.

- Việc để công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, kỷ luật.Công chức sẽ bị tạm đình chỉ công tác trong thời hạn không quá 15 ngày. Nếu thuộc trường hợp cần thiết phải kéo dài thêm thì có thể kéo dài thêm không quá 15 ngày nữa.

Như vậy, thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày; nếu thuộc trường hợp phải kéo dài thời hạn thì thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 30 ngày.

Đồng thời, với người có chức vụ, quyền hạn, tại Điều 43 Nghị định 59 năm 2019, Chính phủ nêu rõ, chỉ quyết định tạm đình chỉ công tác khi có căn cứ cho rằng người này có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu tiếp tục làm việc.

Căn cứ cụ thể:

- Có văn bản yêu cầu của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân;

- Qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng;

- Qua công tác tự kiểm tra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng;

- Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ông Nguyễn Đức Chung vẫn được hưởng lương ngân sách dù đã bị tạm đình chỉ chức vụ.

Ông Nguyễn Đức Chung vẫn được hưởng lương ngân sách dù đã bị tạm đình chỉ chức vụ.

Như vậy, nếu công chức có 02 điều kiện, công chức lãnh đạo, quản lý có 04 căn cứ nêu trên thì có thể bị tạm đình chỉ công tác để tạo thuận lợi cho việc xem xét, xử lý kỷ luật. Bị tạm đình chỉ công tác thì có được trả lương?

Khoản 2 Điều 81 Luật Cán bộ, công chức nêu rõ:

Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, tại Điều 24 Nghị định 34 năm 2011, Chính phủ quy định, trong thời gian tạm đình chỉ công tác, công chức được hưởng 50% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Sau đó, tùy vào từng kết quả xử lý thì công chức sẽ được giải quyết chính sách như sau:

- Nếu công chức không bị kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai: Được truy lĩnh 50% số tiền lương còn lại trong thời gian tạm đình chỉ công tác chưa hưởng và được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ;

- Nếu công chức bị kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội: Không được truy lĩnh 50% tiền lương còn lại chưa hưởng trong thời gian tạm đình chỉ công tác.Riêng người có chức vụ, quyền hạn trong thời gian tạm đình chỉ công tác vì liên quan đến hành vi tham nhũng thì được giữ nguyên chế độ, chính sách và quyền, lợi ích khác như ở vị trí công tác trước khi bị tạm đình chỉ.

Như vậy, trong thời gian tạm đình chỉ công tác, công chức vẫn được hưởng lương.

Công chức trong thời gian xem xét kỷ luật có thể bị tạm đình chỉ công tác. Và câu hỏi đặt ra là, liệu tạm đình chỉ công tác có phải hình thức kỷ luật dành cho công chức không?

Tạm đình chỉ công tác không phải hình thức kỷ luật

Theo quy định tại Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi 2019, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà công chức phải chịu một trong những hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Trong đó, giáng chức và cách chức áp dụng với công chức giữ chức vụ, lãnh đạo; hạ bậc lương áp dụng với công chức không giữ chức vụ, lãnh đạo. Đặc biệt, nếu bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Để hướng dẫn cụ thể các hình thức kỷ luật với công chức, tại Điều 8 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, Chính phủ quy định:

- Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương và buộc thôi việc;

- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc.Theo Điều 81 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức ra quyết định tạm đình chỉ công tác với công chức khi:

- Công chức đó đang trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật;- Nếu để công chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật công chức đó.

Như vậy, có thể thấy, tạm đình chỉ công tác không phải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật công chức. Đây chỉ có thể coi là biện pháp tạm thời giúp quá trình xử lý kỷ luật công chức diễn ra thuận lợi hơn, tránh việc công chức đó gây khó khăn cho quá trình này.

Công chức bị tạm đình chỉ công tác tối đa bao lâu?

Cũng theo Điều 81 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 nêu trên, thời hạn tạm đình chỉ công tác công chức không quá 15 ngày. Nếu trường hợp cần thiết thì có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày.

Đặc biệt, thời gian công chức bị tạm giữ, tạm giam nhằm phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì được tính là thời gian nghỉ việc có lý do. Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu công chức không bị kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.

Riêng công chức có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc thì thời gian tạm đình chỉ công tác là 90 ngày kể từ ngày ra quyết định (Điều 47 Nghị định 59 năm 2019).

Trong đó, những hành vi được coi là có thể gây khó khăn cho việc xem xét, kỷ luật công chức có chức vụ, quyền hạn nêu cụ thể tại khoản 3 Điều 43 Nghị định 59/2019/NĐ-CP gồm:

- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ, sai sự thật;

- Cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền trong quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng;

- Tự ý tháo gỡ niêm phong tài liệu, tiêu hủy thông tin, tài liệu, chứng cứ; tẩu tán tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác hoặc dùng hình thức khác để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc xác minh, làm rõ.

Như vậy: Thời gian tạm đình chỉ công tác công chức tối đa là 15 ngày, nếu cần thiết phải kéo dài thì tối đa không quá 30 ngày. Riêng công chức có chức vụ thì thời gian tạm đình chỉ công tác là 90 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Thanh Hà (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Từ vụ ông Nguyễn Đức Chung: Bị tạm đình chỉ công tác, có được hưởng lương? tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan