Tuyên Quang giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư công
TCDN - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tuyên Quang trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019.
Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt 13.000 tỷ đồng, bằng 35,9% kế hoạch, tăng 5,8% so với cùng kỳ trong khi giá trị xuất khẩu hàng hoá ước đạt 55,1 triệu USD, bằng 40,8% kế hoạch, tăng 10,1%.
Tính đến ngày 20/7, tổng số vốn đầu tư công năm 2020 đã thực hiện và giải ngân là 1.030,24 tỷ đồng trên tổng số 3.266,76 tỷ đồng, đạt 32%, còn thấp so với các tỉnh trong vùng như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và Thái Nguyên.
Tuyên Quang đang triển khai thực hiện 6 chương trình, dự án ODA với tổng mức đầu tư trên 1.939 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục; 29 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị viện trợ cam kết đạt 8.547.399 USD.
Lý giải nguyên nhân của tỷ lệ giải ngân thấp, Bí thư tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm thẳng thắn nhìn nhận công tác chỉ đạo, điều hành có việc chưa sâu sát, chưa quyết liệt, dẫn đến chậm trễ không đáng có.
Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến hết quý III năm 2020 đạt 60% kế hoạch, hết năm 2020 đạt 100% kế hoạch.
Đánh giá kết quả tỉnh Tuyên Quang đạt được trong 7 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, quyết tâm rất lớn của Chính phủ giải ngân 100% vốn đầu tư công, như một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 tới tình hình kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tuyên Quang phải rất quyết liệt chỉ đạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc rà soát từng chương trình, dự án để có phương án, giải pháp cụ thể, nhất là các nguồn vốn ODA, vốn Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu và vốn chuyển tiếp từ những năm trước.
Việc tỉnh hấp thụ các nguồn vốn được giao thể hiện mức độ quyết tâm của tỉnh, đồng thời là một trong những căn cứ để bố trí nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Trường hợp dự án nào không giải ngân được thì kịp thời điều chuyển vốn cho các dự án có tốc độ giải ngân cao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm giao vốn cho các địa phương; các bộ, ngành kịp thời có hướng dẫn cụ thể đối với những quy định mới liên quan, trong đó có Nghị định 68.
Liên quan đến đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang đến năm 2025 và cấp bổ sung số vốn còn thiếu 511,68 tỷ đồng của dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Về đề nghị gia hạn Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc-TP. Tuyên Quang, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành và 7 địa phương liên quan đẩy nhanh công tác chuẩn bị hồ sơ xin gia hạn để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Kim Xuyên, sử dụng vốn ODA của Hungary, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải đánh giá kỹ hiệu quả dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo trong tháng 8.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899