13 tỉnh ĐBSCL giải ngân hơn 19.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay

01/08/2020, 18:30

TCDN - Sáu tháng đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế trung bình của vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 1,2%, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 1,81%. Giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2020 của 13 địa phương trên 19 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,9%.

Theo số liệu thống kê, với dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá hiện hành năm 2019) đạt khoảng 933 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12,08% cho GDP cả nước. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm trên 1/3 của vùng và 34,6% GDP ngành nông nghiệp của cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Vùng ĐBSCL cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Tăng trưởng kinh tế trung bình của vùng chỉ đạt 1,2% trong khi cả nước tăng 1,81%.

ĐBSCL là vùng sản xuất gạo lớn nhất cả nước.

ĐBSCL là vùng sản xuất gạo lớn nhất cả nước.

Có 8/13 tỉnh tăng trưởng dương, trong đó, Đồng Tháp đạt 3,41%; Bạc Liêu hơn 2%; An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An tăng trưởng hơn 1%; 5/13 địa phương còn lại tăng trưởng âm.

Công nghiệp - xây dựng tăng 6,15% (đứng thứ 2/6 các vùng trên cả nước, chỉ sau vùng đồng bằng sông Hồng), trong đó nổi bật là Trà Vinh tăng 19,03%, gấp gần 2 lần tỉnh đứng thứ 2 là Bạc Liêu (10,02%) và đứng thứ 2 cả nước (sau Ninh Thuận tăng 82,38%).

Các sản phẩm chủ lực của vùng gồm có chế biến thủy sản, hàng may mặc các loại, thức ăn chăn nuôi, điện, gạo các loại; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục đà tăng trưởng đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng công nghiệp.

Giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2020 của 13 địa phương trên 19 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,9%, cao hơn mức bình quân chung cả nước 33,9%, trong đó 2/3 số tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 30%.

Thống kê các địa phương theo tỷ lệ giải ngân thì tỉnh Tiền Giang, địa phương đang triển khai dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất 77,3% (đến ngày 15/7/2020 đã đạt hơn 80%, cao nhất cả nước).

Hiệu quả liên kết du lịch TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long

Sau 6 tháng triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Ủy ban nhân dân TP.HCM và Ủy ban nhân dân 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025, đã có hơn 50 chương trình kích cầu liên kết du lịch TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ghi nhận thực tế cho thấy, lần đầu tiên liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng được chính quyền các địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác, chỉ đạo sâu sát đã giúp cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng hơn trong kết nối và tháo gỡ khó khăn trong triển khai hoạt động.

Trong đó, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch kích cầu từ TP.HCM đi đến tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, có 5 doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP.HCM đã khai thác thành công những chương trình tour mới với 50.000 du khách từ TP.HCM đến Đồng bằng sông Cửu Long; thời gian lưu trú của du khách cũng dài hơn.

Liên kết du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cũng giúp thu hút được du khách từ miền Bắc và miền Trung đến với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, khách du lịch đến các tỉnh, thành cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long trong hai tháng không chịu tác động của đại dịch COVID-19 đạt 12,9 triệu lượt người, tăng khoảng 14% so với 2 tháng cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 436.890 lượt, khách nội địa đạt 2,7 triệu lượt.

Con số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 289.814 lượt, số lượng khách du lịch nội địa là 9,6 triệu lượt.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, để đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương sẽ thực hiện 3 chương trình du lịch gồm:

Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biên, Non nước hữu tình. Song song đó, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung quảng bá giới thiệu du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Đòn bẩy cho kinh tế địa phương

Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò và ý nghĩa trong phát triển du lịch.

Theo đại diện các tỉnh, thành, đây là đòn bẩy cho kinh tế, xã hội địa phương, nhất là trong giai đoạn tập trung kích cầu du lịch nội địa.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho rằng, việc phát huy có hiệu quả liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long càng có giá trị với ngành du lịch phía Nam khi TP.HCM vừa ký kết liên kết phát triển du lịch với 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, nối liền 2 vùng kinh tế lớn của phía Nam, kết nối 2 vùng thị trường lớn gần 80 triệu du khách mỗi năm.

Tuy nhiên, để tiếp tục cụ thể hóa những nội dung của thỏa thuận đã ký kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cần đảm bảo phát huy thế mạnh từng địa phương trong liên kết.

Điển hình, hiện nay doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành phải chịu tác động kép - giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị hủy. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của những dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú…

Trong khi đó, ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên khả năng tự “chống chọi” khi có rủi ro thấp. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95-100% so với cùng kỳ năm nước; nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa.

Báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM chỉ ra rằng, trước thực trạng thị trường du khách quốc tế còn chưa “mở” thì lúc này chính là thời điểm “vàng” cho sự đầu tư, phát triển thị trường du khách nội địa.

Thị trường khách nội địa vẫn chiếm 2/3 số du khách đến thành phố hằng năm và là thị trường trọng điểm của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Trong cơ cấu tổng thu từ khách du lịch đến TP.HCM năm 2019, mặc dù chi tiêu khách quốc tế bằng 1,8 lần chi tiêu của khách nội địa nhưng thu từ khách du lịch nội địa chiếm gần 60% trong tổng thu từ khách du lịch của TP.HCM.

Đối với du lịch 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thì đây vẫn là nguồn thu chính. Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM, thành phố và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long với lợi thế thỏa thuận liên kết, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều.

Nếu làm bài toán hoán đổi, 1/3 của 10 triệu dân TP.HCM về du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại 1/3 của 20 triệu dân của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đến du lịch ở TP.HCM, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân.

Bên cạnh đó, TP.HCM xác định là cửa ngõ du lịch, cần có các sản phẩm để “hút” dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm tour du lịch liên kết từ thành phố về Đồng bằng sông Cửu Long.

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết 13 tỉnh ĐBSCL giải ngân hơn 19.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Đã có phương thức 'trị bệnh có tiền không chịu tiêu”
Về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúc kết ngắn gọn: Điểm khác nhau giữa các địa phương làm tốt và ì ạch chính là do “bệnh quan liêu, không chịu đi thị sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”. Và tới đây “căn bệnh” này đã có “thuốc đặc trị”…
Báo cáo hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020
Vừa qua, Bộ Tài chính công bố Báo cáo Hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020. Tính đến hết ngày 24/6/2020, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng...