Ván cược với xe điện của doanh nghiệp ôtô châu Âu
TCDN - Các doanh nghiệp ôtô châu Âu chọn cách tăng giá xe xăng trước áp lực phải bán thêm nhiều ôtô điện để đạt quy định trần khí thải, song đây là lựa chọn đầy rủi ro.
Từ ngày 1/1/2025, Liên minh châu Âu (EU) hạ mạnh mức trần khí thải của các nhà sản xuất ôtô. Để không đối mặt mức phạt nặng, các doanh nghiệp ô tô châu Âu phải bán ít nhất 20% doanh số là xe điện. Tuy nhiên, thị phần xe điện đến nay tại châu lục này mới đạt 13%, theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA).
Mức phạt khổng lồ
Theo tính toán của Chủ tịch ACEA, ông Luca de Meo, nếu vượt trần khí thải, các doanh nghiệp ôtô châu Âu đối diện án phạt có thể lên tới 15 tỷ euro (15,76 tỷ USD) dựa trên doanh số hiện tại. "Khoảng cách thực sự lớn", Marc Mortureux - Tổng giám đốc Hiệp hội ôtô Pháp PFA (Plateforme de la Filière Automobile) - phát biểu.
Giới chức áp dụng quy định chặt chẽ hơn khi ngành xe hơi châu Âu đang đối mặt tình trạng dư thừa công suất do doanh số bán hàng ảm đạm và sự cạnh tranh ngày càng tăng của Trung Quốc. Thực tế ấy khiến Volkswagen, Stellantis và nhiều doanh nghiệp ôtô khác cảnh báo giảm lợi nhuận trong những tháng gần đây.
Các doanh nghiệp ôtô buộc phải bán thêm xe điện - vốn tốn chi phí sản xuất hơn các loại xe truyền thống - vào thời điểm những bất ổn về chính trị và kinh tế trong khu vực nổi lên, trong khi trợ cấp cho phương tiện này giảm, khiến tiêu thụ chậm.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion (Anh) cho thấy doanh số xe điện (thuần điện và hybird - loại không cắm sạc) tại châu Âu tháng trước đạt 280.000 chiếc, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2023. Trong khi, doanh số tại Mỹ và Canada tăng 16,8% (170.000 chiếc), còn Trung Quốc tăng 50% (1,27 triệu chiếc).
Để kích cầu đáp ứng quy định khí thải mới, các nhà sản xuất châu Âu chọn cách tăng giá xe xăng và giảm giá ôtô điện. Hai tháng qua, Volkswagen, Stellantis và Renault tăng giá các mẫu ôtô động cơ xăng thêm vài trăm euro, trong nỗ lực nhằm hạn chế nhu cầu với các loại xe dùng nhiên liệu hóa thạch.
"Các nhà sản xuất ôtô bắt đầu triển khai chiến lược định giá hướng nhu cầu về xe điện, nhằm đạt được mục tiêu trần phát thải và tránh nguy cơ bị phạt", Beatrix Keim, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu ôtô (CAR) nhấn mạnh.
Hồi tháng trước, Peugeot của Stellantis tăng 500 euro các mẫu xe bán tại Pháp, trừ những mẫu thuần điện. Renault điều chỉnh giá một số mẫu thuần xăng như Clio SCE 65 thêm 300 euro, tương đương 1,6%, nhưng giữ nguyên giá của các phiên bản ôtô hybrid. Peugeot mô tả mức giá mới là "sự gia tăng kinh tế", ngụ ý tăng giá trị cho xe, trong khi Renault nói điều chỉnh này "bình thường" trong suốt vòng đời sản phẩm.
Nguy cơ tiềm ẩn từ chiến lược tăng giá xe xăng
Mặc dù vậy, chiến lược này có thể phản tác dụng. Nguồn tin thân cận từ một hãng sản xuất ôtô lớn của châu Âu thừa nhận với Reuters rằng việc tăng giá xe xăng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách với các loại ôtô điện đắt tiền hơn. Tuy nhiên, do thị trường vốn tăng trưởng yếu, nên có thể các doanh nghiệp ôtô không tạo ra đủ doanh số bán xe điện.
So với trước dịch, doanh số bán xe hơi ở châu Âu đang thấp hơn khoảng một phần năm. "Thực tế, việc tăng giá xe động cơ đốt trong đồng nghĩa với cắt giảm sản lượng. Toàn bộ chuỗi giá trị và nhà cung cấp sẽ chịu thiệt hại vì điều này", nguồn tin bình luận thêm.
Tăng giá ôtô chạy xăng sẽ giúp tài trợ cho các đợt giảm giá trong tương lai với xe điện, theo nhà phân tích ôtô Denis Schemoul tại S&P Global. Hay nói cách khác, nó đóng vai trò là "khoản trợ cấp gián tiếp" cho người mua xe điện thông qua người mua ôtô xăng.
Giảm bán xe xăng và tăng với ôtô điện có thể sẽ làm giảm biên lợi nhuận các doanh nghiệp ôtô vì bán dòng sản phảm này ít lời hơn. Volkswagen dự kiến ảnh hưởng nặng nề nhất bởi doanh số bán hàng cao. Gần đây, hãng đã giảm giá mẫu xe điện cỡ nhỏ ID3 tại một số thị trường, xuống dưới 30.000 euro tại Đức.
"Đây có lẽ là viễn cảnh sẽ xảy ra vào năm tới", Alastair Bedwell, Trưởng bộ phận dự báo ngành ôtô tại GlobalData, nhận định. Ông cho rằng doanh số xe điện tại châu Âu (gồm EU và Anh, Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sĩ) sẽ tăng 41%, lên 3,1 triệu chiếc vào 2025.
Tổng giám đốc điều hành Stellantis Carlos Tavares đột ngột từ chức mới đây, một phần do bất đồng quan điểm với hội đồng quản trị về cách giải quyết vấn đề này. Đây là một trong số dấu hiệu cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng về các quy định phát thải của giới chức và không có giải pháp thích ứng tối ưu.
Lo ngại các giải pháp ứng phó có nguy cơ kéo giảm thêm lợi nhuận ít ỏi của ngành công nghiệp châu Âu, một số chính trị gia khu vực thúc giục Brussels xem xét lại chính sách.
Phát biểu tại Triển lãm ôtô Paris hồi tháng 10, Chủ tịch PFA, ông Luc Chatel, cho rằng đến lúc các nhà sản xuất không thể chịu đựng được nữa. "Tôi không thể bán đủ xe điện và tôi sẽ bị phạt vì những chiếc ôtô động cơ đốt trong. Họ (giới chức EU) muốn tôi sản xuất gì, xe ngựa kéo hay sao?", ông cảm thán.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899