Văn hóa nghệ thuật nỗ lực thích ứng và đợi… hồi sinh

31/01/2022, 08:16

TCDN - Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động sâu sắc, nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực. Các hoạt động biểu diễn, liveshow ca nhạc, sự kiện phim ảnh gần như hoàn toàn ngưng trệ. Dẫu vậy, những nhà sản xuất, nghệ sĩ vẫn nỗ lực không ngừng tìm cách thích ứng để có những dấu ấn đáng kể trong năm 2021.

Nửa năm đóng băng tê liệt

Điện ảnh Việt Nam trải qua một năm đầy khó khăn, ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tính chung cả năm 2021, có khoảng 10 phim ra rạp. Điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt năm qua có thể kể trên đầu ngón tay với một số tác phẩm đạt doanh thu tốt như: Bố già (420 tỷ đồng), Lật mặt: 48h (155 tỷ đồng), Gái già lắm chiêu V (56 tỷ đồng). Còn lại là những tác phẩm thất bại về doanh thu, hoặc phát hành vào thời điểm bất lợi - vừa ra rạp vài ngày đã phải ngưng chiếu.

Hơn 6 tháng đóng cửa rạp chiếu, giới làm phim gần như tê liệt, hàng loạt phim hoãn kế hoạch phát hành, nhiều dự án cũng không thể sản xuất theo dự định. Mỗi lần hoãn chiếu, các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính do phát sinh thêm nhiều chi phí sản xuất và truyền thông. Hệ thống rạp chiếu sáng đèn trở lại từ 19/11 sau hơn 6 tháng đóng cửa nhưng doanh thu không được khả quan như kỳ vọng.

Giới chuyên môn cho rằng dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới thói quen của khán giả và họ cần có thời gian để trở lại với thói quen ra rạp chiếu. Và điều quan trọng là điện ảnh Việt cần có tác phẩm có chất lượng tốt đủ sức hấp dẫn người xem. Cùng với đó, nền kinh tế cũng phải hồi phục thì người dân mới có thể chi tiêu cho nhu cầu giải trí.

Tương tự, thị trường nhạc Việt cũng đóng băng liền 5 - 6 tháng và chưa bao giờ đối mặt với giai đoạn ảm đạm đến thế. Các liveshow âm nhạc lớn không thể tổ chức, những sản phẩm âm nhạc mới chủ yếu là MV phát hành online. Nhiều nghệ sĩ khốn đốn khi liên tục phải đổi thời gian tổ chức show như Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Quang Hà... Mới đây, Quang Hà "trầm cảm" vì liveshow tiền tỷ chuẩn bị 95% bị hoãn 2 lần vì dịch. Trong khi đó, sau nhiều lần hoãn, Mỹ Tâm quyết định tổ chức show theo hình thức online.

Phần lớn các ca sĩ có tên tuổi tạm dừng hoạt động, nhóm các ca sĩ trẻ, ít tên tuổi tận dụng cơ hội ra mắt sản phẩm nhưng hiệu ứng không nhiều. Xu hướng chung của các ca sĩ Việt khi ra mắt sản phẩm là thu tiền từ nền tảng nhạc số, các hợp đồng quảng cáo và chạy show, trong đó, lợi nhuận từ chạy show là chủ yếu. Thế nhưng một số MV được thực hiện công phu và ra mắt nhưng ca sĩ không thể tận dụng cơ hội để kiếm tiền từ chạy show.

Thời điểm cuối năm, khi các dự án âm nhạc, điện ảnh đang rục rịch trở lại nhưng cũng khá dè chừng, vẫn phải đối diện với làn sóng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Điểm sáng giữa nghịch cảnh

Điểm đáng ghi nhận năm qua là những chương trình nghệ thuật online và những chương trình âm nhạc cộng đồng lan tỏa những điều tích cực, là món quà động viên tinh thần đội ngũ tuyến đầu chống dịch và những bệnh nhân mắc COVID-19. Nhiều chương trình nghệ thuật trực tuyến đã kết nối các nghệ sĩ biểu diễn và quyên góp thiện nguyện, kêu gọi sự chung tay của những nhà hảo tâm, có thể kể đến: San sẻ yêu thương vượt qua đại dịch (do Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng các nhà hát thuộc Bộ VHTT&DL tổ chức), Thành phố 18h (do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM cùng một số đơn vị tổ chức), Sing for life - Sing for love (TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chỉ đạo, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp các đơn vị thực hiện)…

Những chuyên gia, nghệ sĩ đang hoạt động trong ngành nghệ thuật nhìn nhận, việc xây dựng nhà hát trực tuyến, sản xuất các chương trình, tác phẩm công chiếu trực tuyến không chỉ giải pháp tình thế để thích ứng với tình hình dịch bệnh mà là xu thế phát triển của nghệ thuật biểu diễn trong thời đại hiện nay. Và các đơn vị cần sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện mô hình này, phục vụ công chúng, hướng tới việc hợp tác với các đài truyền hình, tổ chức ghi hình một số vở diễn chất lượng để phát sóng phục vụ khán giả tại nhà, để các nghệ sĩ được diễn và có thu nhập.

Song song với đó, nhiều chương trình nghệ thuật đặc biệt được tổ chức ngay tại “tâm dịch” Sài Gòn, ở những bệnh viện dã chiến năm vừa qua, đã mang đến món quà tinh thần ý nghĩa cho bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ, các lực lượng tình nguyện tuyến đầu. Phần biểu diễn của nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh… góp phần lan tỏa tinh thần lạc quan đến cộng đồng, động viên tinh thần đoàn kết, vững tin chiến thắng dịch bệnh.

Những chương trình đó đôi khi không mang tên, không có kịch bản, người nghệ sĩ cũng không tập luyện trước. Họ hát, biểu diễn và chia sẻ với những khán giả đặc biệt xem trực tiếp tại bệnh viện dã chiến hoặc hàng triệu khán giả theo dõi trực tuyến ở mọi miền đất nước góp phần khiến công chúng thấy nhẹ nhõm, dễ chịu, vơi đi những những gánh nặng tinh thần, những nỗi lo âu.

Các nghệ sĩ sân khấu kịch, cải lương, múa… cũng không hoàn toàn nghỉ ngơi ở nhà trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, mà tranh thủ tập luyện thành những nhóm nhỏ… chờ ngày sân khấu sáng đèn.

Lĩnh vực phim truyền hình Việt dù cũng gặp không ít khó khăn khâu sản xuất nhưng đã nỗ lực để có những tác phẩm nổi bật tạo hiệu ứng mạnh, là món ăn tinh thần cho khán giả trong một năm nhiều lo âu. Năm 2021 ghi nhận thêm nhiều tác phẩm mới hấp dẫn, phong phú về đề tài, mới mẻ về cách thể hiện, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Nổi bật trong số đó là những bộ phim đề tài tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa như: Hương vị tình thân, Hướng dương ngược nắng, Mùa hoa tìm lại, 11 tháng 5 ngày…

Bên cạnh đó, năm vừa qua, phim truyền hình Việt cũng đã hướng đến những vấn đề mang tính thời sự, đặc biệt là những tác động của dịch bệnh COVID-19 đến cuộc sống của cộng đồng. Năm 2021, thêm một tác phẩm đề tài COVID-19 được ra đời là Ngày mai bình yên do đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa và đạo diễn Hoàng Tích Thiện thực hiện. Phim xoay quanh một chủ doanh nghiệp xây dựng vừa phải chống dịch vừa phải loay hoay duy trì hoạt động công ty. Thêm vào đó, khi cả gia đình ít ra ngoài, việc va chạm, mâu thuẫn dần bộc lộ, những tình huống “dở khóc dở cười” cứ thế nối tiếp nhau.

Vượt qua vô vàn những thử thách, khó khăn mùa dịch, những ê-kíp sản xuất phim truyền hình năm qua đã thực hiện những tác phẩm mới hấp dẫn lên sóng đều đặn phục vụ khán giả, đặc biệt trong thời gian giãn cách, đó là điều đáng ghi nhận.

Giữa tình hình cuộc sống có nhiều khó khăn, làng nghệ thuật ảm đạm vì COVID-19, sự nỗ lực của nghệ sĩ đóng góp những tác phẩm, những món ăn tinh thần ý nghĩa, cùng người dân vượt qua thử thách, chờ đợi ngày có thể hoạt động “bình thường mới”.

Thanh Tầm - Bảo Chi

Tạp chí in số Tết 2022
Bạn đang đọc bài viết Văn hóa nghệ thuật nỗ lực thích ứng và đợi… hồi sinh tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Nhâm Dần 2022 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận