Vì sao ngành đường sắt chậm phát triển?

26/03/2021, 11:06

TCDN - Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, đối với phát triển đường sắt cần có sự kết hợp đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp (DN). Nếu tất cả giao cho DN như hiện nay thì DN luôn loay hoay, luôn khó khăn.

Tại cuộc tọa đàm đàm “Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam” ngày 25/3, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến, cho rằng đầu tư cho ngành đường sắt chưa có được một căn cơ đúng tầm dài chiến lược và có tính đột phá đổi mới để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là với nền kinh tế đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa.

“So với các lĩnh vực giao thông khác, như hàng không, đường bộ, thì đường sắt là một trong những ngành chậm phát triển, tư duy nhận thức chưa thay đổi và quan trọng nhất là sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với ngành đường sắt là chưa được thỏa đáng”, ông Tiến nói.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, ngành đường sắt và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Hiện nay Tổng công ty Đường sắt đang hoạt động cung cấp những sản phẩm dịch vụ mang tính công ích. Xã hội hóa hay cổ phần hóa để Tổng công ty tự chủ chỉ là một phần rất ít.

Hệ thống đường sắt Việt Nam đang lạc hậu và chậm phát triển.

Hệ thống đường sắt Việt Nam đang lạc hậu và chậm phát triển.

“Chính vì thế, chúng ta phải xác định rõ, cái nào hạ tầng của Nhà nước thì Nhà nước phải có chính sách đầu tư căn cơ. Khi đã là hạ tầng của Nhà nước, những chính sách thuế, tiền sử dụng đất sẽ được miễn. Nhưng phải phân định rõ, cái nào của DN để giao DN tự chủ, khai thác”, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh.

Ông Tiến phân tích: khi đã là hạ tầng của Nhà nước, Nhà nước sẽ gắn quy hoạch của đường sắt với quy hoạch đường bộ và quy hoạch cảng biển, các khu công nghiệp, các cảng biển gắn liền với ngành đường sắt để đảm bảo kết nối. Kết nối với đường sắt đô thị mới đảm bảo hệ thống khép kín, phát huy được hạ tầng.

Hiện nay, các khu công nghiệp lớn, các cảng biển lớn, kết nối đường sắt đang yếu, dẫn đến chúng ta phải sử dụng đường bộ. Nhưng chạy đường bộ, chi phí container rất cao, thêm vào đó, an toàn không tốt, hạ tầng luôn bị xuống cấp. Đường sắt đảm bảo yêu cầu vận chuyển hàng hóa lớn, đường dài, đặc biệt về vấn đề dân sinh.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định: “Phải tách bạch được như vậy, một mặt, Nhà nước có trách nhiệm hơn và phân bổ nguồn lực lớn hơn, có chính sách đầy đủ hơn. Ngược lại để cho DN thấy ở đâu họ có động lực phát triển. Nếu tất cả giao cho DN như hiện nay thì DN luôn loay hoay, luôn khó khăn. Đây là một trong những vấn đề chúng tôi cho rằng phải có đột phá trong giai đoạn 2021-2025. Từ phân định rõ thì xây dựng bộ cơ chế riêng cho ngành đường sắt từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030”.

Từ đó, ông Quyết gợi ý, cần xây dựng đề án phát triển đường sắt. Trong đó, phân định rõ về khai thác nguồn lực kết cấu hạ tầng, cái nào của Nhà nước, Nhà nước có trách nhiệm, ghi rõ trách nhiệm của Nhà nước đầu tư bổ sung, cụ thể hóa.

Cùng với đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng phải cơ cấu lại, sắp xếp lại bộ máy, tính toán đến việc nếu Nhà nước giao các hạ tầng, nhà ga thì phải khai thác như thế nào cho hiệu quả, tránh vấn đề thất thoát.

Về lâu dài, khi hạ tầng Nhà nước đảm bảo có thể kêu gọi các nhà đầu tư vào các dịch vụ và vận tải hàng hóa, sẵn sàng mở rộng để cho cạnh tranh. Cần phải tạo một thế nhất định để ngành đường sắt trở thành một trong những ngành dịch vụ vận tải logistics phục vụ cho phát triển đất nước, đặc biệt phát triển công nghiệp của chúng ta.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, chúng ta xây dựng đường sắt 140 năm. Đường sắt của chúng ta hiện nay đang ở nền tảng công nghệ thứ hai, đó là công nghệ diezen, công nghệ ban đầu đó là đầu máy hơi nước. Hiện nay, các nước phát triển họ đưa công nghệ lần thứ ba, đó là công nghệ điện khí hóa, thứ tư là điện từ và bây giờ người ta còn đang nghiên cứu đến đường sắt chạy trong đường ống.

Bên cạnh đó, đường sắt Việt Nam cũ kỹ, hàng trăm năm nay không xây dựng các tuyến mới, cũng không cải tạo, nâng cấp, mà chỉ duy tu, bảo trì để đảm bảo hoạt động an toàn chạy tàu thường niên.

"Chất lượng của đường sắt về hạ tầng xuống cấp rất trầm trọng, không thể đáp ứng được với sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển các phương thức của GTVT nói riêng để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cũng như hành khách", ông Minh thừa nhận.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Vì sao ngành đường sắt chậm phát triển? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan