Vicem nộp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
TCDN - Theo Báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.108 tỷ bằng 51,7% kế hoạch năm và bằng 86,4% cùng kỳ 2021; nộp ngân sách đạt 1.099 tỷ, bằng 56,3% kế hoạch năm.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022.
Tại Báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, tổng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ 14,120 triệu tấn bằng 47% kế hoạch năm và bằng 95,6% cùng kỳ 2021, trong đó tiêu thụ xi măng 12,775 triệu tấn bằng 49% kế hoạch năm và bằng 100,8 % cùng kỳ 2021.
Xuất khẩu xi măng và clinker đạt 1,682 triệu tấn bằng 41,9% kế hoạch năm và bằng 80,6% cùng kỳ 2021. Tổng doanh thu đạt 19.219 tỷ đồng bằng 51,2% kế hoạch năm và bằng 113,4% cùng kỳ 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 1.108,6 tỷ bằng 51,7% kế hoạch năm và bằng 86,4% cùng kỳ 2021; nộp ngân sách đạt 1.099 tỷ bằng 56,3% kế hoạch năm và bằng 124,3% cùng kỳ.
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm lượng rác thải đã sử dụng tại 4 đơn vị của Vicem là 91.967 tấn; lượng bùn thải là 49.770 tấn. Lượng tro, xỉ làm nguyên liệu điều chỉnh 6 tháng đầu năm là 1,5 triệu tấn. Khối lượng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên là 49.089 tấn.
Được biết, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp Xi măng được thành lập ngày 1/10/1979, Liên hiệp các Xí nghiệp Xi măng được thành lập để quản lý các nhà máy xi măng trong cả nước.
Ngày 05/10/1993 Bộ xây dựng có Quyết định số 456/BXD-TCLĐ đổi tên Liên hiệp các xí nghiệp Xi măng thành Tổng công ty Xi măng Việt Nam; Ngày 14/11/1994 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 670/TTg về việc thành lập Tổng công ty Xi măng Việt Nam hoạt động theo mô hình Tổng Công ty 91.
Hiện nay Vicem có 10 nhà máy sản xuất xi măng với 16 dây chuyền sản xuất, công xuất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng/năm. Các nhà máy xi măng của Vicem có công nghệ hiện đại từ các nước EU, G7, được phân bố khắp đất nước. Các thương hiệu xi măng của Vicem: Xi măng Vicem Hải Phòng, Xi măng Vicem Bỉm Sơn, Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Xi măng Vicem Hà Tiên, Xi măng Vicem Bút Sơn, Xi măng Vicem Hoàng Mai…
Tháng 10/2021, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2021, dự kiến năm 2022 và giải pháp giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Tài chính kiến nghị, ưu tiên triển khai cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, tồn tại, vướng mắc (xây dựng lộ trình, xác định thời điểm cổ phần hóa, xử lý, sắp xếp cơ sở nhà đất, xử lý các tồn tại về đất đai, tài sản, tồn tại về tài chính) của các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa để thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2023 - 2024 đảm bảo khả thi thực hiện.
Đáng chú ý, hàng loạt “ông lớn” nhà nước được nhắc tên trong danh sách cần phải thực hiện cổ phần hóa giai đoạn này.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2022 - 2023 tập trung hoàn thành việc cổ phần hóa công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông Mobifone (tỷ lệ nắm giữ sau cổ phần hóa là 51%).
Trong năm 2023 – 2024, triển khai và hoàn thành công tác cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Trong năm 2022 và đầu năm 2023, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung hoàn thành cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Trong giai đoạn 2022 – 2024, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tập trung hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899