Công bố kết luận việc tố cáo Chủ tịch VICEM
TCDN - Bộ Xây dựng vừa chính thức có kết luận thanh tra liên quan đến nội dung tố cáo ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM).
Cụ thể, ngày 17/11, Bộ Xây dựng ban hành kết luận do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ký về nội dung đơn tố cáo đối với ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Xi măng Việt Nam (VICEM). Theo đó, cả 3 nội dung đơn tố cáo ông Minh đều sai sự thật.
Về tố cáo ông Bùi Hồng Minh liên quan đến vụ án lừa đảo, bà Nguyễn Thị Lan chiếm đoạt 300 tỷ đồng và khai đưa cho ông Minh 129 tỷ đồng, Chánh Thanh tra Bộ và thành viên Tổ xác minh đã có cuộc làm việc với Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an.
Sau đó, Cục Cảnh sát hình sự có văn bản gửi Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng, trong đó nêu ngoài lời khai của Nguyễn Thị Lan, cơ quan điều tra không thu thập được tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh bị can Nguyễn Thị Lan đưa tiền chiếm đoạt cho ông Minh. Trong khi đó, ông Minh cũng khẳng định không quen biết, liên hệ với bà Lan.
Tòa án nhân dân tối cao cũng có văn bản gửi Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng khẳng định, ông Bùi Hồng Minh không liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Lan.
Viện Kiểm soát nhân dân tối cao cũng có văn bản cho rằng ngoài lời khai trên không có chứng cứ nào chứng minh nên không có căn cứ kết luận ông Minh nhận 129,128 tỷ đòng của bà Lan. Bên cạnh đó, người tố cáo cũng đã nhận tố cáo không đúng sự thật.
Nội dung đơn tố cáo thứ 2 cho rằng ông Minh cố tình bổ nhiệm cán bộ thân tín là ông Nguyễn Hoành Vân (đã khai báo gian lận tuổi tác) làm Tổng Giám đốc Cty CP Xi măng Bỉm Sơn.
Qua kết quả xác minh, bổ nhiệm ông Vân đúng quy trình theo 5 bước và “không có hiện tượng khai man giải mạo hồ sơ để bổ nhiệm.
Nội dung đơn tố cáo thứ 3 cho rằng ông Minh vi phạm điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam khi cố tính phân bổ sai tỷ lệ đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Vicem lần thứ III (nhiệm kỳ 2020-2025) giữa các công ty thành viên VICEM.
Tuy nhiên, Tổ xác minh chỉ ra, căn cứ các quy định của Đảng về tổ chức đại hội đảng các cấp, văn bản trao đổi của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, báo cáo của Đảng ủy VICEM; Đề án phân bổ đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ VICEM lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 là Quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy VICEM, đồng chí Bùi Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy VICEM chỉ thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy ký, ban hành Đề án. Như vậy, căn cứ tổ xác minh cũng khẳng định nội dung tố cáo thứ ba là sai.
Trước đó, ngày 11/8, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định xác minh nội dung tố cáo đối với tân Bí thư, Chủ tịch Tổng công ty Xi măng Việt Nam Bùi Hồng Minh.
Theo đó, Bộ Xây dựng giao Tổ xác minh nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo Ông Bùi Hồng Minh liên quan đến một vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (đã khởi tố bà Nguyễn Thị Lan); Bổ nhiệm ông Nguyễn Hoành Vân đã gian khai lận tuổi tác làm Tổng Giám đốc Công ty CP Xi Măng Vicem Bỉm Sơn.
VICEM bị Bộ Tài chính yêu cầu giám sát việc sử dụng vốn đầu tư
Mới đây (10/2020), Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, giám sát Vicem việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; rà soát việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính theo quy định.
Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu năm 2019 của VICEM đạt 1.393 tỷ đồng (bằng 82% so với năm 2018). Trong đó: doanh thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia là 971 tỷ đồng (giảm 370 tỷ đồng so với năm 2018); lợi nhuận thực hiện là 1.181 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018, chủ yếu do hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính.
Tổng giá trị đầu tư (giá gốc) của VICEM là 13.643 tỷ đồng, cổ tức và lợi nhuận được chia là 971 tỷ đồng (trong đó chủ yếu từ Công ty Xi măng Hoàng Thạch, Công ty Xi măng Hà Tiên 1, Công ty Siam City, Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty Xi măng Chinfon).
Theo phân tích của Bộ Tài chính, tỷ suất cổ tức, lợi nhuận được chia/tổng giá trị đầu tư là 7,1% (giảm 2,7% so với năm 2018), nguyên nhân chủ yếu do giảm cổ tức được chia của Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (giảm 92 tỷ đồng), Công ty Siam City (giảm 96 tỷ đồng), Công ty Xi măng Nghi Sơn (giảm 150 tỷ đồng), Công ty Xi mang Chinfon (giảm 32 tỷ đồng).
Tại thời điểm ngày 31/12/2019, công ty mẹ có số dư nợ phải thu là 2.242 tỷ đồng, trong đó: Công ty Xi măng Tam Điệp vay 700 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long vay 100 tỷ đồng và Sông Thao vay 288 tỷ đồng. Do các công ty này có số lỗ lũy kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản cho vay khó có khả năng thu hồi hoặc thu hồi chậm.
Bộ Tài chính đề nghị VICEM có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay; đồng thời, đánh giá các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư và có phương án xử lý đối với các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả; thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định.
Theo Bộ Tài chính, VICEM không được để tình trạng có sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chia cổ tức thấp hơn năm trước. Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu Vicem chỉ đạo người đại diện tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết biểu quyết tăng tỷ lệ chia cổ tức hàng năm để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn (đặc biệt tại các công ty liên doanh nước ngoài).
Đồng thời, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, giám sát VICEM trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả đầu tư, rà soát việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính của Vicem đảm bảo theo đúng chế độ quy định.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899