Việt Nam thu 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

30/12/2023, 17:45

TCDN - Lần đầu tiên, Việt Nam chính thức bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 51,5 triệu USD, khoảng 1.200 tỷ đồng.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch ngành lâm nghiệp năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).

Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính. (Ảnh minh họa)

Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính. (Ảnh minh họa)

Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam (NN&PTNT).

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ.

Bộ NN&PTNT cho biết, nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức... được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề này.

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam là cơ quan đầu mối tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tiền từ ERPA và thực hiện điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Trong số sáu tỉnh này, Nghệ An là tỉnh được giải ngân hơn 282 tỷ đồng, tiếp đến là Quảng Bình với hơn 235 tỷ đồng, Thanh Hóa 162 tỷ đồng, Hà Tĩnh 122 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 107 tỷ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng.

Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như: giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng.

Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỉ lệ che phủ trên 42%.

Tháng 2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB đã ký “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2018 - 2024.

Khu vực Bắc Trung Bộ gồm sáu tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu ha đất có rừng với độ che phủ 57,4% (chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước).

PV
Bạn đang đọc bài viết Việt Nam thu 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế toàn cầu giảm 5,2%
Ngày 9-6, hãng tin AP dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới về triển vọng kinh tế toàn cầu cho thấy, nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do cú sốc của dịch Covid-19 gây ra cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Làm gì để hàng hoá Việt Nam tránh bị đánh thuế carbon?
Hàng loạt sản phẩm như sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm sẽ bị đánh thuế carbon khi nhập khẩu vào thị trường EU trong khi doanh nghiệp Việt Nam thiếu dữ liệu phát thải, chuyển dịch năng lượng chưa hoàn thiện, đầu tư năng lượng tái tạo chưa đủ… là thách thức lớn.