Ngân hàng Thế giới: Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với kinh tế Việt Nam

17/09/2021, 09:16

TCDN - Bất chấp làn sóng đại dịch Covid-19 và chính sách giãn cách xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước, trong tháng 8/2021, Việt Nam vẫn thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7.

Báo cáo cập nhận kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15/9 cho biết trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ  năm 2020. Trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 8/2021, thời gian mà dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. 

Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. 

Vốn FDI đăng ký trong tháng 8/2021, tăng 65% so với tháng trước

Vốn FDI đăng ký trong tháng 8/2021, tăng 65% so với tháng trước

Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng thế giới nhận định, việc thực hiện giãn cách xã hội, các lệnh hạn chế đi lại đã khiến nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô sụt giảm. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) giảm 4,2% so với tháng trước và 7,4% so với cùng kỳ năm trước do các biện pháp giãn cách xã hội gây gián đoạn sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.

Mặc dù vậy, sự suy giảm này của các hoạt động sản xuất công nghiệp không đột ngột như sự suy giảm thời điểm đầu khủng hoảng Covid-19 hồi tháng 4/2020. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục diễn biến xấu đi trong tháng 8, giảm 10,5% so với tháng trước và 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, với kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục thâm hụt. So với một năm trước, xuất khẩu hàng hóa giảm 5,7%, trong khi nhập khẩu tăng 21,1%. Hệ quả là nhập siêu tăng lên 3,5 tỷ USD trong tám tháng đầu năm 2021, so với xuất siêu 13,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước. 

Các mặt hàng xuất khẩu chính, đồ gỗ và giày dép bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm lần lượt 38% và 26% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là máy tính và sản phẩm điện tử, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước; dệt may giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong tháng 8/2021 tăng 0,3% so với tháng trước. Các biện pháp hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến giao thông trong nước và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, dẫn đến giá lương thực, thực phẩm tăng 1,2%, qua đó tạo áp lực lên giá cả nói chung. 

Bên cạnh đó, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dư nợ tín dụng cuối tháng 8 vẫn tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tốc độ tăng cuối tháng 7.

Các chuyên gia WB nhận định tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với thời gian trước đại dịch do các ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách cho vay ưu đãi và tái cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, WB đánh giá, trong thời gian tới, kết quả tổng thể của nền kinh tế trong năm 2021 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch đang diễn ra một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể quay lại trong quý IV. 

Ưu tiên đặt ra là đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine để bao phủ ít nhất 70% dân số trưởng thành. 

Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng để giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân. 

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ, cũng là cách để giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm. Vì chi ngân sách tăng lên trong khi thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nên cần tiếp tục thận trọng theo dõi tình hình cân đối tài khóa.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Thế giới: Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với kinh tế Việt Nam tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chính phủ sẽ xây dựng kịch bản để phục hồi kinh tế
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 (ngày 6/9), Thủ tướng nhấn mạnh, phải nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.
Dịch Covid-19 hoành hành, vốn FDI vào Việt Nam thế nào?
Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dự kiến sẽ phục hồi lại mức như trước Covid-19, do được nâng đỡ bởi xu hướng tái cấu trúc các chuỗi giá trị toàn và nhu cầu đa dạng hóa các nguồn đầu vào sản xuất của nhiều chính phủ và công ty đa quốc gia.
7 tháng, vốn FDI đăng ký giảm hơn 11%
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7/2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đại dịch COVID-19 có tác động mạnh mẽ đến sự sụt giảm của chỉ số FDI 7 tháng qua.