Vietravel lợi nhuận trước thuế dự báo âm 20 tỷ đồng

09/07/2020, 07:23

TCDN - Nguyên nhân là ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động mạnh đến tình hình kinh doanh, mảng du lịch nước ngoài, vốn chiếm hơn 70% doanh thu Vietravel từ trước đến nay, tiếp tục bị tê liệt vì lệnh cấm bay giữa các quốc gia. 

Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam –Vietravel (Mã VTR) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020, với lợi nhuận trước thuế dự báo âm hơn 20 tỷ đồng. Trong năm nay Vietravel đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế (LNTT) là âm 22,7 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu và LNTT của Vietravel là hơn 7,4 ngàn tỷ đồng và 60 tỷ đồng.

Nguyên nhân, theo Công ty là ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động mạnh đến tình hình kinh doanh. Mảng du lịch nước ngoài, vốn chiếm hơn 70% doanh thu Công ty từ trước đến nay, tiếp tục bị tê liệt vì lệnh cấm bay giữa các quốc gia. 

Tổ chức Du lịch thế giới kỳ vọng dấu hiệu phục hồi sẽ diễn ra vào quý 4 năm nay và đầu năm 2021. Trong đó du lịch nội địa sẽ phục hồi nhanh hơn với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thăm thân nhân của du khách. Kế đến là tăng trưởng từ các chuyến công tác, MICE.

Các chuyên gia của tổ chức này cũng dự đoán rằng khu vực Châu Phi và Trung Đông sẽ hồi phục nhanh hơn nếu dịch bệnh bị khống chế, các quốc gia ở Châu Âu và Châu Á sẽ hồi phục sau cùng.

Do ảnh hưởng của Covid - 19 khiến ngành du lịch quốc tế ảm đạm, bế tắc.

Do ảnh hưởng của Covid - 19 khiến ngành du lịch quốc tế ảm đạm, bế tắc.

Vietravel cũng cho biết, Công ty đặt kỳ vọng vào du lịch nội địa, cụ thể là quý 3 năm nay. Được biết, nguồn khách du lịch nội địa chiếm đến 82,5% tổng lượt khách năm 2019 và dự kiến sẽ chiếm đến 95% trong năm nay ( theo Tổng cục Du lịch Việt Nam).

Trước đó kế hoạch không chi cổ tức năm 2019 và năm 2020 của Vietravel cũng đã được thông qua. Được biết lợi nhuận chưa phân phối của Vietravel là 71 tỷ đồng, trong đó phần lợi nhuận chưa phân phối năm 2019 là 38 tỷ đồng. Song song đó quí 3 năm nay Vietravel sẽ tiến hành phát hành trái phiếu cho đối tác chiến lược.Trái phiếu có mệnh giá 100 nghìn đồng, thời hạn 36 tháng, lãi suất dự kiến 11% và trả lãi 3 tháng một lần.  Số lượng phát hành tối đa 200 tỷ đồng.

Năm 2019, đơn vị này đã từng phát hành thành công 700 tỷ trái phiếu để bơm vốn cho dự án hàng không Vietravel Airlines. Còn trong năm nay, đại diện Công ty cho biết mục tiêu hàng đầu là duy trì đội ngũ nhân sự và phục hồi từng mảng kinh doanh.

Kỳ vọng du lịch nội địa

Những năm gần đây, nhu cầu du lịch của người Việt gia tăng mạnh mẽ, thể hiện qua số lượt khách nội địa tăng trưởng nhanh và liên tục trong vòng một thập kỷ qua.

Dữ liệu thống kê cho thấy, khách du lịch nội địa của Việt Nam đã tăng gấp hơn 3 lần trong 10 năm, từ 28 triệu lượt khách năm 2010 đến 85 triệu lượt khách năm 2019.

Tính riêng năm 2019, số lượt khách du lịch nội địa cao gấp khoảng 4,5 lần khách quốc tế, đóng góp đáng kể vào doanh thu chung của toàn ngành. Cứ mỗi năm, ngành du lịch đều đặn có thêm vài triệu lượt khách hàng mới ngay tại thị trường trong nước, cùng với tỷ lệ lưu trú và mức chi tiêu cũng tăng lên theo thời gian.

Một góc nhìn toàn cảnh bãi tắm khu du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Một góc nhìn toàn cảnh bãi tắm khu du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Qua khảo sát của trang đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda, trong top 10 điểm đến được khách Việt ưa chuộng năm 2019 chỉ có 1 thành phố nước ngoài. Điều này cho thấy các điểm đến trong nước vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của khách nội.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến thị trường du lịch inbound và outbound đóng băng chưa biết khi nào có thể hồi phục, thời điểm này, khách du lịch nội địa được xem là giải pháp quan trọng cho các doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không Việt. Nếu chú trọng khai thác, đây sẽ là “mỏ vàng” giúp gia tăng doanh thu bền vững cho ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Ghi nhận của nhiều doanh nghiệp lữ hành, sau một thời gian dài giãn cách xã hội, từ đầu tháng 5/2020, nhu cầu du lịch của khách nội địa bắt đầu trở lại, giúp thị trường du lịch trong nước “ấm dần”.

Theo thống kê của Indochina Capital, kỳ nghỉ 30.4 - 1.5 vừa qua ở Việt Nam, lượng khách đặt phòng khách sạn và Airbnb là rất cao, nhất là khu vực thành phố lớn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho biết, thị trường du lịch nội địa đang phục hồi nhưng theo những xu hướng mới, đòi hỏi doanh nghiệp chuyển động mạnh để thích ứng. Ví dụ, các tour du lịch ở quãng gần dưới 300 km, theo nhóm nhỏ gồm các thành viên trong gia đình và du lịch cá nhân đang rất được yêu thích.

Du khách cũng có xu hướng tìm kiếm những điểm đến sinh thái rộng rãi, những bờ biển không khí trong lành. Về lưu trú, những quần thể du lịch cao cấp vừa có hệ tiện ích đồng bộ, vừa có không gian thoáng mát và các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo đang có lượng tìm kiếm rất cao.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc doanh nghiệp lữ hành Ha Noi Redtour, một công ty lữ hành hay một nhóm công ty lữ hành không thể tạo ra sản phẩm du lịch tốt bởi du lịch là sản phẩm liên ngành liên vùng, tổng hợp của các dịch vụ khác nhau. Và thậm chí cần sự hỗ trợ của nhà nước để tạo sự đồng bộ.

Nghi Sơn
Bạn đang đọc bài viết Vietravel lợi nhuận trước thuế dự báo âm 20 tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phát triển thúc đẩy du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa
Bộ trưởng cho biết, du lịch là lĩnh vực chịu thiệt hại rất nặng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong 5 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm hơn 50%; lượt khách nội địa giảm 58% và tổng thu của ngành du lịch giảm gần 50% so với cùng kỳ.