VN-Index lên hơn 944 điểm
TCDN - Nhờ lực kéo của các cổ phiếu vốn hoá lớn, VN-Index đảo chiều lên 944,42 điểm vào cuối phiên và nối dài mạch tăng điểm.
Thị trường chứng khoán trong nước đối diện áp lực chốt lời lớn sau chuỗi tăng vừa qua. Ngay khi mở cửa, ngày 20/10 VN-Index đã xuống dưới tham chiếu và có thời điểm mất hơn 6 điểm, xuống vùng 937 điểm.
Duy trì mạch tăng phiên thứ 8 liên tiếp
Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM hồi phục dần trước phiên ATC, sau đó lấy lại sắc xanh nhờ lực kéo của các cổ phiếu trong rổ VN30. Những mã trụ thuộc nhóm ngân hàng như TCB, MBB, HDB... đóng góp lớn vào cú đảo chiều cuối phiên khi cùng tăng trên 2%. MSN với mức tăng 2,1% lên vùng 83.700 đồng cũng là động lực thúc đẩy chỉ số đi lên.
VN-Index đóng cửa tại 944,42 điểm, tăng 0,73 điểm so với tham chiếu và duy trì mạch tăng phiên thứ 8. Chỉ số đại diện cho rổ VN30 tăng gần 6 điểm, lên 909,49 điểm.
Dòng tiền luân chuyển ở các cổ phiếu trụ, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ biến động không nhiều. Hôm nay có hơn 444 triệu cổ phiếu được sang tay với tổng giá trị xấp xỉ 9.200 tỷ đồng. Rổ VN30 đóng góp gần 5.500 tỷ đồng trong số này.
Khối ngoại có phiên bán ròng mạnh với gần 1.000 tỷ đồng, do tập trung xả hàng tại cổ phiếu DIC của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng. Nhà đầu tư nước ngoài mua vào những cổ phiếu quen thuộc như HPG, FPT, VCB.
"Thanh khoản thị trường gia tăng so với phiên trước, đồng thời độ rộng thị trường ở trạng thái cân bằng cho thấy áp lực chốt lời vẫn chưa đủ mạnh để làm đảo chiều xu hướng", nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán BSC nhận định. Nhóm này dự báo VN-Index nhiều khả năng vẫn giằng co mạnh tại khu vực 940-945 điểm trong những phiên tới.
Nên ưu tiên mã chứng khoán nào?
Nhận định về thị trường chứng khoán hôm nay 21/10, các công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định dựa trên những phân tích khoa học. Dưới đây là một số nhận định:
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu TCM nằm tại mức 28
Công ty chứng khoán BIDV (BSC)
Cổ phiếu TCM của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công vẫn đang ở trong trạng thái tăng giá từ đầu tháng 4 đến nay và chưa cho thấy tín hiệu sẽ đảo chiều xu hướng.Các chỉ báo xu hướng hiện vẫn đang ủng hộ cho vận động tích cực của TCM. Chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của TCM nằm tại xung quanh giá 24.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 28, cắt lỗ nếu ngưỡng 22 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu là 47.600 đồng/CP
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) công bố kết quả kinh doanh tháng 9/2020 với doanh thu tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt 554 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu đến từ mức phục hồi 5% YoY của doanh thu phi lê cá tra đông lạnh và các sản phẩm liên quan (như cá tẩm bột, bột cá, mỡ cá và thức ăn thủy sản) so với mức giảm 14% trong 8 tháng đầu năm 2020.
Chúng tôi lưu ý trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu của VHC chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tác động của dịch COVID-19 lên ngành dịch vụ ăn uống toàn cầu cùng với giá bán trung bình (ASP) của phi lê cá tra thấp hơn so với năm 2019.
Mặt khác, doanh thu C&G giảm 26% trong tháng 9 nhưng tăng 23% trong 9 tháng đầu năm 2020. Theo VHC, mức suy yếu trong tháng 9 chủ yếu do biến động hàng tháng.
Trong tháng 9, doanh thu từ Mỹ và EU giảm lần lượt 8% và 42% so với tháng trước (MoM). Theo VHC, các khách hàng của VHC tại 2 thị trường này đã tạm hoãn mua hàng để giúp bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn trước kỳ kết thúc năm tài chính vào tháng 9.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang EU vẫn tăng 6% trong tháng 9 và 36% trong 9 tháng đầu năm 2020 nhờ nhu cầu tăng mạnh từ kênh bán lẻ trong bối cảnh dịch COVID-19.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 20% so với tháng trước và 29% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9 so với mức giảm 36% trong 8 tháng đầu năm 2020 nhờ nhu cầu cá tra tại thị trường này tiếp tục phục hồi, theo ban lãnh đạo.
VHC cũng công bố đã hoàn thành việc nâng công suất C&G từ 2.000 tấn/năm lên 3.500 tấn/năm vào tháng 10 và dự kiến công suất mới này có thể đóng góp doanh thu từ cuối tháng 10 - đầu tháng 11, chậm hơn 1 tháng so với kỳ vọng hiện tại của chúng tôi.
Theo ban lãnh đạo, việc nâng công suất C&G bị chậm do các lệnh giới hạn nhập cảnh của Chính phủ đối với kỹ sư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 của VHC nhìn chung phù hợp với dự báo hiện tại của chúng tôi đối với mảng phi lê cá tra tuy nhiên thấp hơn so với dự báo của chúng tôi đối với mảng C&G.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu là 47.600 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 14,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,5%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DCM
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi công bố báo cáo lần đầu cho CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) với khuyến nghị khả quan và tổng mức sinh lời dự phóng 14,5%. DCM có một nhà máy urê tại vị trí chiến lược, thương hiệu uy tín và các sản phẩm chất lượng cao.
Việt Nam là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, dẫn đến tăng trưởng nhu cầu urê ổn định đạt 2,0% hàng năm (theo AgroMonitor). Yếu tố này, cùng với tiềm năng xuất khẩu gia tăng, hỗ trợ sản lượng bán urê ổn định ở mức khoảng 870.000 tấn/năm (hiệu suất hoạt động khoảng 110%) cho DCM.
Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi ở mức 13.400 đồng/CP so với giá trị hợp lý ước tính là 8.600 đồng/CP đã đề cập trong Báo cáo ngày 24/04/2020 phản ánh (1) các bất ổn liên quan đến chi phí khí đầu vào giảm trong giai đoạn 2021-2025, 2) sản lượng xuất khẩu urê cao hơn trong giai đoạn 2020-2021 và 3) giá khí đầu vào thấp hơn dựa theo triển vọng giá dầu thô điều chỉnh của chúng tôi.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 10,1% trong năm 2020 nhờ chi phí đầu vào thấp hơn và sản lượng xuất khẩu urê cao hơn, sau đó giảm 18,1% trong năm 2021 do giá dầu cao hơn. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020- 2024 đạt 23,7% với nhà máy urê được khấu hao toàn bộ trong năm 2024.
Chúng tôi cho rằng DCM có thể thanh toán cổ tức tiền mặt ổn định ở mức 800 đồng/CP (lợi suất 6,5%) nhờ lượng tiền mặt tại quỹ 106 triệu USD trong quý 2/2020 và kế hoạch vốn xây dựng cơ bản không đáng kể trong tương lai gần.
Dựa theo dự báo của chúng tôi, DCM đặt mục tiêu EV/EBITDA năm 2021 đạt 2,4 lần – thấp hơn khoảng 50% so với các công ty cùng ngành.
Yếu tố hỗ trợ: điều chỉnh luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho phép miễn giảm thuế, cổ tức cao hơn dự kiến.
Rủi ro: giá urê thấp hơn, hiệu suất hoạt động của nhà máy NPK thấp hơn dự kiến.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899