Vốn FDI giảm sâu và bài toán quỹ đất khu công nghiệp của Đồng Nai

02/02/2023, 16:11
báo nói -

TCDN - Theo UBND tỉnh Đồng Nai, quỹ đất còn lại trong các khu công nghiệp ít và nhỏ lẻ nên các nhà đầu tư đã lựa chọn chuyển sang các tỉnh lân cận. Đó là lí do tỉnh này lần đầu tiên rớt khỏi top 5 về thu hút FDI trong vòng 30 năm trở lại đây.

Rớt khỏi top 5 tỉnh thành thu hút FDI cao nhất nước 

Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2022, top 5 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước gồm có: Tp. HCM, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng. Lần đầu tiên trong vòng 30 năm, Đồng Nai đã rớt khỏi nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút vốn FDI.

Quỹ đất tại các khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không còn nhiều, khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển sang các tỉnh khác. Ảnh minh họa.

Quỹ đất tại các khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không còn nhiều, khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển sang các tỉnh khác. Ảnh minh họa.

Theo đó, trong năm 2022, Đồng Nai thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,15 tỉ USD, bằng 95% cùng kỳ 2021. Ngoài ra, Đồng Nai thu hút hơn 2.600 tỉ đồng vốn đầu tư trong nước, chỉ bằng 18% so với cùng kỳ 2021 (trong đó cấp mới hơn 1.200 tỉ đồng, bằng 10% cùng kỳ). Dù thu hút FDI gần bằng năm 2021 nhưng Đồng Nai không lọt top những tỉnh thành thu hút đầu tư nước ngoài lớn của cả nước. 

Lý giải về kết quả thu hút FDI khá khiêm tốn của Đồng Nai, ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, vốn FDI vào tỉnh năm nay không có sự bứt phá là do thiếu quỹ đất công nghiệp với diện tích 5-10 ha để doanh nghiệp thuê xây dựng nhà máy sản xuất. 

Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn lớn như Aeon, De Heus, Pandora… đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đồng Nai. Tuy nhiên, do thiếu quỹ đất diện tích lớn, nên Đồng Nai đã “đánh rơi” hàng tỷ USD đầu tư vào các khu công nghiệp. Đây là điều rất đáng tiếc, bởi vì ban đầu, Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã dự tính đặt nhà máy ở Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành, song không tìm được quỹ đất đủ lớn, nên tập đoàn này quyết định chuyển đến Bình Dương đầu tư. 

Theo Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, đến nay quỹ đất còn lại trong các khu công nghiệp  (KCN) đã đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh không còn nhiều, nhất là các KCN ở những địa bàn trọng điểm như Long Thành, Biên Hòa, Nhơn Trạch. 

Hiện tại toàn tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch đến 40 KCN, trong đó có 32 KCN được thành lập. Riêng 8 KCN mới (gồm Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, Phước Bình, Phước Bình 2, Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn), với tổng diện tích hơn 8.200 ha, đã được Chính phủ phê duyệt. 

Tuy nhiên, 8 KCN mới đều gặp các vướng mắc thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu… Trong đó, đa số các vấn đề bị vướng thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ và Chính phủ. 

Trước mắt, các vướng mắc trong việc lập 8 KCN mới vẫn chưa có hướng ra, trong khi quỹ đất còn lại cho thuê ít, chưa phù hợp để thu hút doanh nghiệp. Vì vậy, đến nay tỉnh đã chỉ đạo lập một tổ công tác để đến từng địa phương ghi nhận, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án KCN mới. 

Ông Nguyễn Hữu Nguyên cho hay các 32 KCN đang hoạt động đã có tỉ lệ lấp đầy khoảng 85%, phần diện tích còn lại chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư cần quỹ đất lớn.

Cảnh báo về việc thiếu quỹ đất cho thuê, ông Châu Minh Nguyện, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, cho rằng nhiều năm nay Đồng Nai tự hào về thu hút FDI nhưng quỹ đất cho thuê cạn kiệt và những bất cập trong chính sách đã không còn hấp dẫn nhà đầu tư. 

Thời gian qua, Đồng Nai đã tiếp cận và làm việc với một số tập đoàn lớn sử dụng công nghệ cao, tiên tiến và có nhu cầu đầu tư vào địa phương này nhưng không còn quỹ đất để bố trí, giới thiệu cho các nhà đầu tư. Ngay cả KCN công nghệ cao Long Thành cũng chỉ mới giao đất được một phần, phần còn lại đang bồi thường giải phóng mặt bằng, do đó chỉ có thể kêu gọi được các dự án quy mô nhỏ. 

Nhiều vướng mắc khiến nhà đầu tư e ngại 

Theo Ông Chien Chih Ming, Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, các doanh nghiệp của Đài Loan đang quan tâm và muốn mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, logistics tại Đồng Nai. Nhưng khi tìm hiểu, doanh nghiệp thấy còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề đất đai và thủ tục đầu tư khiến các nhà đầu tư chùn bước. 

Ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, các tập đoàn lớn không chỉ quan tâm đến quỹ đất mà còn lưu tâm đến hệ sinh thái của KCN như hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, nhà ở cho công nhân, hệ thống thương mại dịch vụ kèm theo... Trong khi đó, các KCN đã có nhà đầu tư của Đồng Nai lại chưa đảm bảo đủ các yếu tố thu hút các nhà đầu tư lớn. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân khiến nhà đầu tư FDI chưa đầu tư vào các lĩnh vực ngoài khu công nghiệp do sự chồng chéo trong các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng… Thậm chí, nhiều dự án ngoài khu công nghiệp đã được cấp phép cũng phải tạm dừng vì các vướng mắc liên quan đến luật, nghị định, thông tư vượt quá thẩm quyền của tỉnh. 

Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai các giải pháp tháo gỡ các khó khăn này. Một mặt kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương phối hợp tháo gỡ khó khăn về kiến trúc thượng tầng, các quy định pháp luật. 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tìm ra giải pháp giúp các khu công nghiệp tháo gỡ khó khăn, sớm thành lập, đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư. Tới đây sẽ có "làn sóng" đầu tư vào Đồng Nai và đây là cơ hội để tỉnh rà soát lại chất lượng thu hút đầu tư.  

Thời gian qua, Đồng Nai chú trọng thu hút các dự án mà chưa quan tâm nhiều đến giá trị gia tăng mang lại cũng như chất lượng lao động. Do đó, tỉnh có lượng nhập cư đông nhưng chất lượng lao động không đạt. Và điều này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững sau này. 

Vì vậy, tỉnh Đồng Nai nhận định đây là cơ hội để thay đổi quan điểm cũng như đổi mới cách đào tạo, tuyển dụng lao động đầu vào, xuất phát từ thu hút đầu tư các doanh nghiệp phải có lao động chất lượng, tay nghề, có chứng chỉ đào tạo, chứ không phải chỉ lao động phổ thông như trước đây.

 Nói về định hướng thu hút FDI của Đồng Nai trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, tỉnh sẽ chọn lọc kỹ lưỡng để thu hút các dự án chất lượng cao. Vì chọn lọc dự án, nên có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư FDI vào tỉnh, nhưng về lâu dài, việc này sẽ đảm bảo cho phát triển kinh tế bền vững, hướng đến nền kinh tế xanh.  

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Vốn FDI giảm sâu và bài toán quỹ đất khu công nghiệp của Đồng Nai tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Long An sẽ không bố trí khu công nghiệp dọc các tuyến sông lớn
Long An sẽ không bố trí phát triển công nghiệp dọc các tuyến sông lớn, nhất là 2 sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông và hạn chế phát triển khu, cụm công nghiệp ở vùng Đồng Tháp Mười. Chỉ bố trí một số cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản, các doanh nghiệp thuộc ngành nghề nông thôn.