Vướng mắc về việc đóng thuế GTGT và thuế TNCN của Công ty kinh doanh dịch vụ sàn TMĐT

05/06/2023, 15:06
báo nói -

TCDN - Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc về việc đóng thuế GTGT và thuế TNCN của Công ty kinh doanh dịch vụ sàn TMĐT.

Hỏi: Công ty tôi ở Hà Nội có kinh doanh dịch vụ Sàn thương mại điện tử, các nhà bán sẽ đăng tải, bán khóa học và giảng dạy trực tuyến trên Sàn TMĐT này. Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định cá nhân bán buôn, bán lẻ trên sàn TMĐT nếu có doanh thu từ 100tr/năm trở lên thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo tỷ lệ quy định tại Phụ lục I Thông tư này.

Tuy nhiên, căn cứ vào Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định: Thuế thu nhập cá nhân cần nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất. Đối với cá nhân cư trú thì thuế TNCN theo mức thuế suất, đối với cá nhân không cư trú thì mức thuế suất cố định là 20%.

Vì vậy tôi có 2 câu hỏi như sau: 1. Nếu đóng thuế TNCN dựa trên doanh thu trên sàn TMĐT rồi thì có tính thuế TNCN theo thông thường (như Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định) nữa hay không? 2. Tại Phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về tính thuế trên tỷ lệ % doanh thu, với hoạt động "1. Phân phối, cung cấp hàng hóa" tỷ lệ tính thuế là 1.5% (VAT 1% + thuế TNCN 0.5%), với hoạt động "Dịch vụ kèm theo bán hàng hóa như dịch vụ đào tạo, bảo dưỡng, chuyển giao công nghệ kèm theo bán sản phẩm" tại mục 3. "Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu" tỷ lệ tính thuế là 4.5% (VAT 3% + thuế TNCN 1.5%).

Xin hỏi với mô hình kinh doanh bán lẻ khóa học và giảng dạy trên sàn TMĐT thì nhà bán hàng sẽ tính thuế theo tỷ lệ % doanh thu nào? Tôi rất mong nhận được phản hồi từ cơ quan Thuế. Xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

- Căn cứ Điều 3 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/7/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin:

“1. Sản phẩm phần mềm là phần mềm và tài liệu kèm theo được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử dụng.

...10. Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm.”

- Căn cứ Điều 2, Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ quy định về thương mại điện tử như sau:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:

a) Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;

…Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

…8.Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.

9.Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.”

- Căn cứ Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:

+ Tại Điều 2 hướng dẫn như sau:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, bao gồm cả một số trường hợp sau:

đ) Hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.”

+ Tại Điều 10 hướng dẫn về căn cứ tính thuếđối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

+ Tại Điều 16 hướng dẫn quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân.

-   Căn cứ  Phụ lục I Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN hướng dẫn xác định theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

232

- Căn cứ Thông tư số 100/2021/TT-BTC ngày 15/11/2021 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:

“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính

2. Sửa đổi điểm d, điểm e khoản 1 Điều 8 như sau:

“đ) Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự;

e) Cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân là người nộp thuế trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.”

- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng:

+ Tại Khoản 13 và khoản 21 Điều 4 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:

“13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp…

21. Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.”

+ Tại Điều 11 quy định thuế suất 10%:

“Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này”

Căn cứ quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội trả lời nguêy như sau:

Trường hợp Công ty của Độc giả được cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử ủy quyền thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân đối với hoạt động thương mại điện tử trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự thì thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC ngày 15/11/2021 của Bộ Tài chính và hồ sơ khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính.

Trường hợp hoạt động của các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử nếu không được xác định là dịch vụ phần mềm theo quy định tại Nghị định số 71/2007/NĐ-CP thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với dịch vụ là 5%, tỷ lệ % để tính thuế TNCN là 2% theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Đề nghị Công ty của Độc giả liên hệ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông để xác định cụ thể loại hình hoạt động có phải là dịch vụ phần mềm hay không, từ đó căn cứ tình hình thực tế và đối chiếu với các hướng dẫn nêu trên để áp dụng theo đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Công ty của Độc giả cung cấp hồ sơ cụ thể và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hỗ trợ giải quyết.

PV
Bạn đang đọc bài viết Vướng mắc về việc đóng thuế GTGT và thuế TNCN của Công ty kinh doanh dịch vụ sàn TMĐT tại chuyên mục Hỏi - Đáp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899