WB: GDP của Việt Nam sẽ ở quanh mức 6,5% trong hai năm tới

18/12/2019, 06:20

TCDN - Tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam ước tính vào khoảng 6,8%. Trong hai năm tới, tốc độ này có thể lùi về mức 6,5%.

Ngày 17/12, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo Điểm lại, nhận định kinh tế Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực năm nay, dù toàn cầu chững lại.

Trong đó, WB đánh giá tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục được duy trì nhờ khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, xuất khẩu dự kiến tăng trưởng trên 8% trong năm 2019, cao hơn gần 4 lần so với bình quân của thế giới.

tphcm_liqo

Việt Nam được WB đánh giá cao về các yếu tố căn bản. Nợ công giảm gần 8% so với 2016 và thặng dư thương mại tăng liên tiếp 4 năm qua, tỷ lệ nợ công trên GDP giảm đáng kể. 

Bên cạnh đó, theo đánh giá của WB, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết bình quân đạt gần 3 tỷ USD mỗi tháng. 

Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là yếu tố đóng góp ngày càng quan trọng cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu ngày một lớn mạnh và mức lương tăng lên. Đầu tư của doanh nghiệp ở khu vực tư nhân tăng ở mức 17% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam ước tính vào khoảng 6,8%. Hai năm tới, tốc độ này có thể lùi về 6,5%.

Nhận định về các rủi ro với Việt Nam trong thời gian qua, WB cho biết các cú sốc bên ngoài đang khiến tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc. Việt Nam cũng đang ngày càng phụ thuộc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, lượng FDI đổ vào cơ sở sản xuất mới cũng đang tăng chậm lại.

Ông Alwaleed Fareed Alatabani – chuyên gia cấp cao về tài chính tại WB cho rằng trong tương lai, dòng vốn FDI có thể không còn tạo ra nhiều việc làm, khi các nhà máy hiện đại tăng dùng robot. Vì vậy, ông gợi ý Việt Nam "tăng kết nối doanh nghiệp nước ngoài với trong nước" và "đa dạng hóa lĩnh vực nhận dòng vốn FDI" để tận dụng tối đa lợi ích. 

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – ông Ousmane Dione thì cho rằng: "Chiến lược để thành công là không chỉ dựa vào FDI. Các doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn ra nước ngoài và tạo ra của cải đem về nước, đầu tư lại". Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển khu vực tư nhân để có thêm động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn. 

"Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, kể cả Đông Nam Á, thị trường cổ phiếu và trái phiếu hoạt động tốt có thể giúp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh trong nước, bổ sung cho nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa các nguồn huy động vốn", báo cáo của WB nêu rõ.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết WB: GDP của Việt Nam sẽ ở quanh mức 6,5% trong hai năm tới tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan