Xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2023

28/10/2021, 10:18

TCDN - Việt Nam bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch Covid-19 theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Vì vậy, phải xây dựng được Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế đến năm 2023.

Tạo nền tảng phát triển kinh tế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng độ bao phủ, tiến độ tiêm vaccine ngày càng khả quan cũng tạo điều kiện tốt để mở cửa, khôi phục lại các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, kinh tế nước ta trong thời gian tới phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, áp lực về ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là ngân sách nhà nước, nguồn cung và giá cả nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, tiêu dùng nội địa, thiên tai, biến đổi khí... Thách thức và yêu cầu đặt ra cho năm 2022 và năm 2023 là hết sức to lớn.

“Do đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dự thảo, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hướng tới mục tiêu tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng giai đoạn phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát đồng thời phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phù hợp với các mục tiêu, định hướng, tầm nhìn dài hạn; hướng đến mục tiêu tạo việc làm cho người dân, người lao động và đào tạo, đào tạo lại lao động thích ứng với bối cảnh mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả.

Về cơ bản dự kiến có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế. Thứ nhất, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022 nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19” là yếu tố tiên quyết, không thể thiếu để thực hiện phục hồi kinh tế.

Thứ hai, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất; tiết kiệm chi thường xuyên.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hành chính các cấp.

Thứ tư, phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Phát triển ngành du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường; thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại và giảm thuế, phí ô tô trong nước.

Thứ năm, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng (tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất với một số đối tượng cụ thể); tài chính (miễn, giảm thuế, phí); sản xuất; phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thứ sáu, phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động trong các KCN, KKT; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông và nông nghiệp, thủy lợi, dự kiến nguồn vốn đầu tư công trong 2 năm 2022-2023 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Thứ bảy, phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước.

Thứ tám, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động.

Chuyển đổi chiến lược đa mục tiêu

Đồng tình với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, nghiên cứu của chúng tôi công bố vào tháng 4/2021 đã kiến nghị ba giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế, với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách.

Theo đó, bà Minh đưa ra 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến quý I/2022) ưu tiên phòng chống dịch Covid-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn, và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 2 (đến hết 2023) sau khi kiểm soát dịch Covid-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 3 (sau 2023) bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực gợi mở vấn đề chuyển đổi chiến lược, từ mục tiêu kép thành “đa mục tiêu” bao gồm bảo đảm hệ thống y tế, yếu tố an sinh xã hội và năng lực phát triển kinh tế. Việc thay đổi chiến lược phòng chống dịch đã được thống nhất, nhất quán nhưng cần làm rõ như thế nào là “sống chung với dịch”. Bên cạnh việc phân loại nhóm rủi ro lây lan dịch bệnh theo địa lý, cần phải đối chiếu theo cả lĩnh vực ngành nghề kinh tế, cần ban hành khung chương trình phục hồi để địa phương lấy đó làm căn cứ xây dựng chương trình phục hồi kinh tế của địa phương mình.

Bên cạnh đó, các biện pháp giãn cách phải được thực hiện phù hợp hơn; gói hỗ trợ cần thực thi nhanh, giải quyết ngay các vướng mắc liên quan đến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; thiết kế gói hỗ trợ mới tập trung vào đối tượng lao động tự do, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp; cần có lộ trình kế hoạch mở cửa rõ ràng để doanh nghiệp chuẩn bị lực lượng lao động; tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trên cơ sở phát triển kinh tế xanh.

Trong khi đó, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud cho rằng, Việt Nam nên tạo ra sự cân bằng tốt hơn giữa các gói hỗ trợ tài chính và tài khóa, chú trọng nhiều hơn đến phần chi tiêu, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thuế.

Linh Giang

Tạp chí in số tháng 10/2021
Bạn đang đọc bài viết Xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2023 tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan