Xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2022

18/11/2020, 14:18

TCDN - Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Xây dựng, triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nhà nước.

Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2021 - 2025.

Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2021 - 2025.

Sớm ban hành quy định về quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Có chính sách mới thu hút doanh nghiệp FDI liên kết đầu tư, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Triển khai kịp thời các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, đầu tư công, bảo đảm an toàn nợ công. Thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 trong phân bổ vốn đầu tư công dự phòng ngân sách trung ương.

Bên cạnh đó, Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt.

Về lĩnh vực xây dựng, Nghị quyết Quốc hội nêu rõ, khẩn trương hoàn thiện chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên bố trí đủ quỹ đất, thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để người dân mua nhà ở xã hội. Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý và đầu tư xây dựng công trình. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong việc điều chỉnh quy hoạch, chất lượng công trình xây dựng, các dự án phát triển nhà ở chậm triển khai, quản lý, vận hành nhà chung cư. Rà soát, điều chỉnh, xử lý, thu hồi các “dự án treo”, bảo đảm quyền lợi của người dân.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiến hành thanh tra và báo cáo Quốc hội kết quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2017.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2022 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Mới chỉ có 52/138 doanh nghiệp nhà nước được đánh giá tài chính
Bộ Tài chính cho biết, trong số 138 doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trên cả nước có 46 đơn vị được đánh giá an toàn về tài chính, 4 đơn vị mất an toàn về tài chính, 2 đơn vị có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.