Nhiều doanh nghiệp nhà nước lỗ hàng nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách giảm mạnh

30/07/2020, 16:04

TCDN - Sáu tháng đầu năm 2020, một số doanh nghiệp nhà nước lĩnh vực dịch vụ, vận tải như Vietnam Airlines lỗ tới 7.474 tỷ đồng, Petrolimex lỗ 1.360 tỷ… Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước 6 tháng qua cũng giảm 22,7%, ước đạt 97.800 tỷ đồng.

Tại Hội nghị sơ kết tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương diễn ra sáng 29/7, số liệu báo cáo tại hội nghị cho biết, tổng kết 6 tháng đầu năm 2020, các tập đoàn, tổng công ty trong khối doanh nghiệp nhà nước ghi nhận hơn 663.000 tỷ đồng doanh thu và 41.090 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Kết quả này so với cùng kỳ năm 2019 đã giảm lần lượt 17,7% và 41,8%. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giao thông, thương mại, dịch vụ (Petrolimex; VNPT; Vietnam Airlines; Vinalines; VNR; Mobifone; VTC; VNPost; Vinafood 1; Vinafood 2) là nhóm bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước 6 tháng qua cũng giảm 22,7%, ước đạt 97.800 tỷ đồng.

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ nêu trên, báo cáo của các đại biểu cho thấy, do các lệnh giản cách xã hôi chống dịch, hoạt động hàng không đình trệ, nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giảm mạnh, xuất khẩu hàng hóa khó khăn.

Vietnam Airlines dẫn đầu danh sách các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nặng nhất nửa đầu năm nay.

Vietnam Airlines dẫn đầu danh sách các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nặng nhất nửa đầu năm nay.

Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu trong và ngoài nước có thời điểm xuống thấp kỷ lục khiến cạnh tranh gay gắt giữa các nhà mạng và thị trường viễn thông đã bão hòa khiến các chỉ tiêu kinh doanh của đơn vị trong ngành đều giảm so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu 10 doanh nghiệp thuộc nhóm này nửa năm qua ước đạt 161.200 tỷ, giảm 27%. Số nộp ngân sách nhà nước cũng giảm 19%, đạt 25.090 tỷ và các doanh nghiệp trong nhóm lỗ 3.720 tỷ đồng.

Đáng chú ý, riêng Vietnam Airlines đã ghi nhận khoản lỗ 7.474 tỷ đồng trong kỳ, Petrolimex cũng lỗ 1.360 tỷ và VNR lỗ 450,6 tỷ đồng.

Trước đó, tại buổi toạ đàm với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng diễn ra mới đây, CEO Vietnam Airlines Dương Trí Thành ước tính hãng lỗ ròng 13.000 tỷ đồng, dù thị trường nội địa đã dần phục hồi.

Tính cả tháng, trung bình mỗi ngày hãng chỉ bay 4 chuyến. "Từ năm 1975 đến nay, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam ít chuyến bay đến thế", ông Thành nói.Đến tháng 6, thị trường khách nội địa của Vietnam Airlines đã tăng bằng 84% năm ngoái nhưng doanh thu chưa phục hồi được.

Ông Thành lý giải bởi trong 3 tháng qua, Vietnam Airlines liên tục mở 18 đường bay nội địa mới phần lớn là các chặng ngắn, bán với giá rất rẻ. Trong khi thực tế, mười mấy đường bay nội địa mới bằng một đường bay quốc tế.

CEO Vietnam Airlines dự đoán thị trường hàng không nội đến hết năm 2021 mới có thể phục hồi bằng mức trước dịch – năm 2019, còn quốc tế phải đến hết năm 2022."Chúng tôi đề nghị Chính phủ - với vai trò là chủ sở hữu hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng, nếu không đến cuối tháng 8 sẽ rất khó khăn", CEO Vietnam Airlines nói.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng có 10 đơn vị, bao gồm Tập đoàn Dầu khí; Tập đoàn Dệt May; Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản; Tập đoàn Điện lực; Tập đoàn Hóa chất; TCT Thép; TCT Phát triển nhà và đô thị; TCT Sông Đà; TCT Xi măng; và TCT Công nghiệp Tàu thủy.

Nhóm này cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường không thuận lợi.Ước tính tổng doanh thu 10 đơn vị đạt khoảng 457.000 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế thu về cũng giảm 50,3%, đạt 11.940 tỷ và số tiền nộp ngân sách Nhà nước đạt 55.900 tỷ, giảm 25%.

Trong nhóm này chỉ ghi nhận 2 đơn vị có doanh thu tăng trong nửa năm qua gồm TCT Thép (5,2%) và Tập đoàn CN Than Khoáng sản (1%). Ngoài ra, duy nhất TCT Sông Đà ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 42,3% so với cùng kỳ.

PVE cũng bị thua lỗ do giá dầu thế giới giảm mạnh.

PVE cũng bị thua lỗ do giá dầu thế giới giảm mạnh.

Giá dầu liên tục giảm mạnh, kéo dài chưa từng có tiền lệ trong ngành năng lượng thế giới (giao dịch ở mức âm 37,6 USD/thùng đối với dầu WTI vào ngày 21/4); giá nguyên vật liệu đầu vào bị hạn chế nguồn cung; xuất khẩu gặp nhiều khó khăn…

Điều này dẫn tới chỉ tiêu tài chính của các doanh nghiệp trong nhóm đều giảm so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng khả quan hơn. 

Cụ thể, 9 đơn vị là Tập đoàn Bảo Việt; TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam; Vietcombank; Vietinbank; Agribank; BIDV; Ngân hàng Phát triển; Ngân hàng Chính sách xã hội, báo cáo cho biết trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại Nhà nước với vai trò chủ lực của nền kinh tế đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng như giảm lãi vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; tung các gói tín dụng lãi suất ưu đãi; miễn giảm phí giao dịch…

Các chỉ tiêu của ngân hàng như tổng tài sản, huy động vốn, dư nợ tín dụng vẫn tăng so với cùng kỳ.

Trong đó, huy động vốn của các NHTM Nhà nước ước đạt 4,654 triệu tỷ đồng, tăng 6,68%; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 3,936 triệu tỷ, tăng 6%.Kết quả, nhóm nhà băng này ghi nhận 27.940 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ giảm 3,8% so với cùng kỳ và số nộp ngân sách Nhà nước đạt 7.920 tỷ đồng, giảm 29%.

Tập đoàn Bảo Việt trong nửa năm qua cũng ghi nhận 22.190 tỷ đồng doanh thu, tăng 30,6%. Lợi nhuận trước thuế thu về đạt 641 tỷ, giảm 13,8% và tiền nộp ngân sách Nhà nước là 500 tỷ đồng, tăng 2%.

Hoạt động của SCIC trong kỳ này đạt 3.580 tỷ doanh thu, tăng 15,7%, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 12,6%, ở mức 2.580 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 1.850 tỷ, giảm 13%.

Riêng các đơn vị kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận gồm Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi cơ bản hoàn thành tốt vai trò cung ứng tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ hiệu quả hơn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và đảm bảo các chính sách về tài chính của Nhà nước.

Tuy nhiên, hoạt động của Ngân hàng Phát triển còn gặp nhiều khó khăn, công tác tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu còn chậm.Với lĩnh vực sản xuất nông, lập nghiệp bao gồm các công ty như Tập đoàn Cao su, TCT Cà phê, TCT Giấy, TCT Thuốc lá, dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng đến giá cả, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.Các doanh nghiệp này đều có giải pháp ứng phó nhưng kết quả tài chính vẫn giảm so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu toàn nhóm ước đạt 19.160 tỷ, giảm 19,5%, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.700 tỷ đồng, cũng giảm 18% và nộp ngân sách Nhà nước giảm 5%, đạt 6.460 tỷ đồng.

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết Nhiều doanh nghiệp nhà nước lỗ hàng nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách giảm mạnh tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan