Xây lắp dầu khí Thanh Hóa giải trình thế nào khi kiểm toán từ chối kết luận về báo cáo tài chính?
TCDN - Công ty CP Xây lắp dầu khí Thanh Hóa (UPCoM: PVH) nói gì sau khi hãng kiểm toán AASC đưa ra ý kiến từ chối kết luận đối với Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 của Công ty?
Công ty CP Xây lắp dầu khí Thanh Hóa (UPCoM: PVH) vừa có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX về việc giải trình do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra kết luận về báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.
Trước đó, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đưa ra ý kiến từ chối kết luận do chưa có đủ thông tin cần thiết để đánh giá sự phù hợp của các khoản mục nợ phải thu.
Cụ thể, Hãng kiểm toán AASC cho rằng chưa có đủ thông tin để đánh giá sự phù hợp ở các khoản mục nợ phải thu của khách hàng mà PVH nêu trong báo cáo tài chính bán niên lần lượt là 31,32 tỷ và 34,14 tỷ; và các khoản trả trước cho người bán là 42,33 tỷ và 40,15 tỷ, phải thu khác lần lượt là 12,96 tỷ, và 12,27 tỷ. Tiền phải trả cho người bán lần lượt là 67,75 tỷ, và 61,84 tỷ, vay và nợ tài chính với số tiền là 2,39 tỷ.
Giải trình về nội dung này PVH cho biết: Đây là các khoản công nợ tồn đọng tại các công trình mà công ty đã thực hiện trước đây. PVH cũng cho biết đã thành lập tổ thu hồi công nợ để đôn đốc, thu hồi các khoản công nợ này, thậm chí đã nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Hiện nay PVH đang làm thủ tục khởi kiện một số đơn vị để thu hồi công nợ tồn đọng này. Với các khoản công nợ phải trả PVH đang chờ quyết toán, thu hồi tiền từ chủ đầu tư để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Ngoài ra Hãng kiểm toán AASC cũng đưa ra nghi ngờ về việc PVH đang phân loại các khoản công nợ trên bảng cân đối kế toán với các khoản phải thu khách hàng dài hạn số tiền lần lượt là 66,24 tỷ và 65,95 tỷ. Trả trước cho người bán dài hạn số tiền là 39,28 tỷ; phải thu khách dài hạn số tiền 28,88 tỷ, dự phòng phải thu khó đòi dài hạn số tiền là 26,81 tỷ đồng, phải trả cho người bán dài hạn số tiền 69,05 tỷ, vay và nợ thuê tài chính dài hạn số tiền là 309,75 tỷ đồng.
Đối với nội dung này PVH cho biết công nợ phải thu, phải trả dài hạn được ghi trên bảng cân đối kế toán thuộc các công trình dự án: Công trình SLMB LHD Nghi Sơn, Công trình khu nhà ở và dịch vụ phục vụ liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn (dự án 25ha), dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp I và khu tập kết vật tư, thiết bị xây dựng khu Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (dự án 157ha) và dự án đầu tư xây dựng khách sạn Lam Kinh.
Đồng thời do còn có nhiều vướng mắc nên PVH chưa hoàn thiện quyết toán được các công trình, dự án nói trên. Chưa quyết toán được với chủ đầu tư đồng thời chưa quyết toán được với nhà thầu phụ. Thời gian giải quyết kéo dài vượt quá 1 chu kỳ kinh doanh nên mới có sự phân loại trên. Đối với dự phòng phải thu khó đòi PVH đang căn cứ vào phân loại công nợ phải thu cần trích lập dự phòng để phân loại ngắn hạn, dài hạn.
PVH cũng nêu lý giải các khoản vay và nợ thuê tài chính, sở dĩ có sự phân loại nêu trên là do đây là khoản vay của 2 hợp đồng tín dụng dài hạn để đầu tư xây dựng Tòa nhà dầu khí số 38A Đại Lộ Lê Lợi (HĐ số 14/HDTD - DH/PVFCTL08) và đầu tư xây dựng công trình khách sạn Lam Kinh (HĐ số 01/2010/HDTD-DH/04032010/PVFCTL-PVFC LAND).
Ngoài ra Hãng kiểm toán AASC còn cho rằng, tại ngày 30/6/2023 PVH vẫn chưa thực hiện đánh giá lại dự phòng phải thu khó đòi đối với các khoản nợ phải thu. "Chúng tôi không có đủ thông tin cần thiết để có thể đánh giá được sự phù hợp của số dư dự phòng phải thu ngắn hạn và dài hạn đang được trình bầy trên báo cáo tài chính giữa niên độ", kiểm toán cho hay.
Liên quan đến vấn đề này PVH cho biết: Đây là các khoản công nợ phải thu hồi tồn đọng từ các công trình mà PVH thực hiện trước đây. PVH đã cân nhắc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 26,81 tỷ đồng, số còn lại PVH đang tích cực thực hiện mọi biện pháp để thu hồi công nợ, thậm chí đã nhờ đến sự can thiệp của pháp luật để thu hồi các khoản công nợ tồn đọng nói trên.
Hãng kiểm toán AASC nghi ngờ về khả năng thu hồi hàng tồn kho và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn mà công ty đã phản ánh một số công trình đã dừng thi công từ năm 2020 trở về trước với số tiền khoảng 268 tỷ đồng.
Về nội dung này PVH giải trình: Đây là chi phí dở dang của các công trình đã thi công xong nhưng chưa thực hiện quyết toán. Công trình khách sạn Lam Kinh 199,60 tỷ đồng, Công trình SLMB Liên hợp LHD Nghi Sơn 31,94 tỷ đồng; Công trình đường giao thông 217 đoạn qua Cẩm Thủy 18,51 tỷ đồng; Công trình 25ha ở Nghi Sơn 7,79 tỷ đồng; Các công trình khác 10,16 tỷ đồng PVH vẫn đang tích cực làm việc với các bên liên quan để sớm quyết toán công trình, ghi nhận doanh thu đồng thời ghi nhận giảm chi phí sản xuất kinh doanh dang dở nói trên.
Hãng kiểm toán AASC đặt nghi vấn, nếu công ty trình bày báo cáo tài chính theo đúng quy định chế độ kế toán hiện hành thì việc ghi nhận chi phí khấu hao của Tòa nhà dầu khí số 38A Đại Lộ Lê Lợi và chi phí phát sinh phục vụ hoạt động cho thuê văn phòng tòa nhà này vào chỉ tiêu hàng tồn kho với số dự tại ngày 30/6/2023 là 3,1 tỷ (trong khi tại ngày 01/01/2022 là 2,2 tỷ).
Nếu như vậy chỉ tiêu hàng tồn kho sẽ giảm đi các số dư nêu trên đồng thời chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối cũng giảm đi số tiền tương ứng; Chỉ tiêu giá vốn hàng bán trên Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 sẽ tăng thêm 896,9 triệu (6 tháng đầu năm 2022 sẽ tăng lên 551 triệu).
Liên quan đến nội dung này PVH đưa ra ý giải như sau: Tòa nhà 38A là tòa nhà văn phòng cho thuê với diện tích thuê lớn bao gồm 11 tầng, mỗi tầng rộng 573: m2. Tuy nhiên tòa nhà mới được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy và đưa vào khai thác kinh doanh chưa lâu, lượng khách thuê chưa nhiều, diện tích cho thuê được còn rất ít nên PVH mới phân bổ một phần chi phí của Tòa nhà vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ, phần còn lại PVH sẽ phân bổ vào chi phí vào sản xuất kinh doanh khi tòa nhà hoạt động ổn định và lượng khách thuê nhiều hơn.
Hãng kiểm toán AASC cũng lưu ý về chỉ tiêu chi phí xây dựng dở dang phản ánh giá trị chi phí đầu tư vào dự án "Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp I và khu tập kết vật tư, thiết bị xây dựng Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa tại xã Mai Lâm huyện Tĩnh Gia (nay là TX Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa" với số tiền là 14,9 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án này đã bị chấm dứt thực hiện từ ngày 01/08/2013 (xem thuyết minh số 13b).
PVH cho biết: Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp I và khu tập kết vật tư, thiết bị xây dựng khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn Thanh Hóa tại xã Mai Lâm huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa (Dự án 157ha Nghi Sơn) ngày 24/9/2014 PVH đã có biên bản làm việc với đối tác là Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP (Công ty Anh Phát) về việc thỏa thuận hoàn trả chi phí đã đầu tư tại dự án với tổng giá trị là hơn 26.4 tỷ, trong đó giá trị đầu tư thống nhất được hoàn trả là hơn 14 tỷ, giá trị chưa được thống nhất là hơn 11 tỷ đồng liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng mà PVH đã ứng cho các hộ dân để thu hồi đất nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục có liên quan.
Bên cạnh đó, ngày 12/10/2017, PVH đã có biên bản xác nhận giá trị (lần 1) về hoàn trả chi phí đã đầu tư tại dự án 157ha Nghi Sơn với Công ty Anh Phát, theo đó tổng giá trị được hoàn trả chưa bao gồm VAT là 8,4 tỷ đồng PVH đã ghi nhận vào doanh thu dự án đồng thời giảm chi phí xây dựng dở dang của dự án với số tiền 17,96 tỷ đồng.
Theo AASC đến thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ này, PVH chưa phân bổ một phần giá trị sửa chữa, khắc phục Tòa nhà 38A tại Đại Lộ Lê Lợi.
PVH: Do công tác nghiệm thu PCCC Công an tỉnh Thanh Hóa vừa mới hoàn thành PVH đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán công trình sửa chữa khắc phục Tòa nhà 38A. Ngay sau khi hoàn thành việc quyết toán PVH sẽ căn cứ vào các quy định hiện hành để thực hiện phân bổ, triết khấu hao giá trị sửa chữa, khắc phục nói trên vào chi phí kinh doanh.
AASC từ chối đưa ra ý kiến khi ghi nhận vào chỉ tiêu doanh thu chưa thực hiện đối với khối lượng hoàn thành công việc đợt 7 và đợt 8 Công trình QL 217 Cẩm Thủy là 16,4 tỷ đồng. Các khối lượng công việc hòan thành này đã được chủ đầu tư và tư vấn giám sát nghiệm thu và đã được các bên bàn giao, tiếp nhận và đưa vào sử dụng từ ngày 22/12/2020. Tuy nhiên công ty chưa quyết toán được các hạng mục này với các đơn vị tổng thầu là Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất.
PVH: Nguyên nhân chúng tôi chưa ghi nhận trực tiếp vào doanh thu do giá trị này vẫn đang trong quá trình tranh chấp tại tòa án. Hiện nay Tòa án tỉnh Ninh Bình đang thụ lý phúc thẩm vụ án, sau khi có quyết định cuối cùng của Tòa án chúng tôi sẽ tiến hành ghi nhận vào doanh thu, giá trị tương ứng.
AASC nghi ngờ về việc PVH chưa ghi nhận khoản chi phí phải trả cho Ngân hàng thương mại CP đại chúng Việt Nam liên quan đến 02 dự án là khách sạn Lam Kinh và Tòa nhà dầu khí số 38A" từ năm 2015 đến 30/6/2023 với giá trị khoảng 603,05 tỷ đồng. (xem thuyết minh số 20).
PVH cho biết: Chi phí đi vay do liên quan đến dự án "Khu tổ hợp thương mại dịch vụ nhà ở" từ năm 2015 đến 30/6/2023 chưa được ghi nhận trong báo cáo tài chính là do giữa PVcomBank và PVH đang có nhiều ý kiến khác nhau. PVH chưa thống nhất mức lãi suất mà PVCombank tính toán. Mặt khác đối với khách sạn Lam Kinh PVH không phải chủ sở hữu, đồng thời cũng không phải đơn vị thụ hưởng doanh thu từ hoạt động kinh doanh của khách sạn Lam Kinh.
Vì vậy PVH cho rằng nghĩa vụ thanh toán khoản dư nợ nói trên thuộc trách nhiệm của Công ty CP khách sạn Lam Kinh. Tại thời điểm hiện tại, khoản lãi vay này vẫn đang trong quá trình đàm phán giải quyết. Sau khi có quyết định cuối cùng của Tòa án PVH sẽ căn cứ để thực hiện theo đúng quy định.
Việc bị kiểm toán viên từ chối đưa ra kết luận với báo cáo tài chính là một trong những điều tệ hại nhất với công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899