Xi măng Công Thanh với khoản vay hơn 7.000 tỷ, chủ nợ Vietinbank sẽ thu hồi như thế nào?

01/10/2023, 09:42
báo nói -

TCDN - Xi măng Công Thanh liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Cùng với đó là khoản vay hơn 7.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, hiện công ty này đang sử dụng nhiều tài sản cả nội tại và bên thứ 3 để thế chấp cho khoản vay.

Bức tranh ảm đạm cùng khoản nợ khủng

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán, năm 2022 Công ty CP Xi măng Công Thanh (Xi măng Công Thanh) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 1.595 tỷ đồng, giảm khoảng 900 tỷ so với mức 2.500 tỷ cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn ghi nhận 1.748 tỷ khiến lợi nhuận gộp âm hơn 153 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính chiếm tỷ trọng lớn với hơn 837 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận trước thuế công ty âm 1.181,7 tỷ đồng. Lũy kế tại ngày 31/12/2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 6.079 tỷ đồng.

Cổng chính Công Thanh group.

Cổng chính Công Thanh group.

Cũng tại BCTC sau kiểm toán, thời điểm cuối năm 2022, Xi măng Công Thanh đang có các khoản nợ phải trả khoảng 7.300 tỷ đồng với 2 ngân hàng lớn là Vietinbank và SHB. Trong đó, các khoản vay nợ tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm 95,9%. Đây là khoản nợ bao gồm các hợp đồng cho vay đơn thuần và các khoản nợ liên quan trái phiếu phát hành của Xi măng Công Thanh từ năm 2009 và 2010.

Theo đó, trong hơn 7.000 tỷ đồng mà Vietinbank cho vay tại Xi măng Công Thanh có hơn 1.593 tỷ đồng là các khoản vay ngắn hạn, trong đó, các khoản vay dài hạn tới hạn trả là 1.160 tỷ đồng, và 420 tỷ là khoản nợ trái phiếu tới hạn trả. Còn lại 5.437 tỷ đồng các khoản vay dài hạn, bao gồm 3.053 tỷ đồng các khoản vay dài hạn từ các hợp đồng tín dụng và 1.950 tỷ đồng liên quan trái phiếu phát hành của Xi măng Công Thanh.

Để được Vietinbank cấp vốn hàng nghìn tỷ đồng, Xi măng Công Thanh đã phải sử dụng nhiều tài sản đảm bảo, trong đó bao gồm nhiều tài sản hữu hình và vô hình của đơn vị, các dự án và nguồn thu hình thành trong tương lai... và cả các tài sản từ bên thứ 3.

Cụ thể, Xi măng Công Thanh sử dụng các tài sản của công ty để đảm bảo cho khoản vay với Vietinbank bao gồm: Quyền sử dụng đất (QSDĐ) công trình xây dựng, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải của dự án dây chuyền 1; cổ phần vốn góp của các cổ đông sáng lập công ty; quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên tại mỏ đá vôi, đất sét; máy móc thiết bị, công trình xây dựng trên đất của nhà máy thu hồi nhiệt; hệ thống máy rót hàng tự động dây chuyền 1; hàng tồn kho luân chuyển; quyền đòi nợ luân chuyển; phương tiện vận tải…

Ngoài các tài sản của công ty, các tài sản từ bên thứ 3 cũng được dùng để bảo lãnh cho khoản vay của Xi măng Công Thanh bao gồm: cổ phần vốn góp của ông Nguyễn Công Lý (Chủ tịch HĐQT) tại các công ty nhóm Xi măng Công Thanh; 3 bất động sản thuộc sở hữu của ông Nguyễn Công Lý và bà Nguyễn Thị Huệ; 1 bất động sản thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị Dạ Thảo (con gái ông Lý) và 1 bất động sản thuộc sở hữu công ty TNHH Tina.

Như vậy, có thể thấy nhằm đảm bảo cho các khoản vay với Vietinbank, phía Xi măng Công Thanh đã có nhiều nỗ lực, trong đó bao gồm gần như toàn bộ tài sản công ty hiện có đủ điều kiện để trở thành đảm bảo và cả việc huy động ngoại lực từ các tài sản của bên thứ 3.

Tuy nhiên, trong các năm qua, Xi măng Công Thanh liên tiếp ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh rất ảm đạm. Lũy kế tại ngày 31/12/2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 6.079 tỷ đồng. Với việc kinh doanh thua lỗ triền miên mỗi năm cả nghìn tỷ đồng, trong khi đó giá trị các tài sản đảm bảo như tài sản cố định, hàng tồn kho, vật tư, giá trị xây dựng cơ bản dở dang... đều thường có xu hướng giảm giá trị theo thời gian bởi yếu tố khấu hao, hao mòn, biến động thị trường… khiến các tài sản đảm bảo này của Xi măng Công Thanh có xu hướng sụt giảm giá trị theo thời gian.

Đồng thời, theo số liệu ước tính và đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy, thời gian qua và tới đây, ngành xi măng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023 ngành, sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 39 triệu tấn, giảm 7%, tiêu thụ đạt 43 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính cả năm nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa chỉ đạt 65 triệu tấn, so với tổng công suất, lượng xi măng sản xuất ra dư thừa một nửa.

Với những yếu tố chủ quan và khách quan khiến kế hoạch thu hồi nợ của Vietinbank ngày càng khó khăn hơn nếu không có sự đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cơ cấu thượng tầng của Xi măng Công Thanh.

Chủ nợ có ngồi yên

Với khoản nợ 7.300 tỷ của Xi măng Công Thanh, việc khách hàng kinh doanh gặp nhiều khó khăn, từ năm 2017, Vietinbank chi nhánh Tp.HCM đã có công văn 9507/TGĐ-NHCT.52.2 về việc cơ cấu thời hạn trả nợ gốc, lãi khoản vay dài hạn và trái phiếu đầu tư dự án dây chuyền II nhà máy xi măng Công Thanh.

Theo đó, đối với phần nợ gốc, công ty phải thanh toán nợ gốc các khoản vay dài hạn theo lộ trình tới hết năm 2035, căn cứ theo lịch trả nợ sau cơ cấu. Đối với khoản nợ lãi, Vietinbank yêu cầu Xi măng Công Thanh thanh toán thành 2 phương án. Cụ thể, đối với phần lãi vay phải trả lũy kế tới năm 2016 chưa thanh toán, Xi măng Công Thanh sẽ phải trả trong giai đoạn từ năm 2020 tới năm 2026. Đối với lãi vay phát sinh giai đoạn từ năm 2017 tới 2035 sẽ được phân bố trả theo kế hoạch dòng tiền từ năm 2022 tới năm 2035. Ngoài ra, đối với phần lãi phát sinh còn lại chưa trả do chênh lệch phát sinh so với với thực tế sẽ được thanh toán vào năm 2035.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi việc thu hồi nợ gặp khó, ngân hàng này đã bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo thông báo từ năm 2018. Sau khi thực hiện cơ cấu kế hoạch trả nợ, Vietinbank được VAMC ủy quyền thực hiện việc đòi nợ, thu hồi nợ gốc và lãi, quản lý tất cả các khoản nợ mà VietinBank đã bán lại cho VAMC, xử lý tài sản đảm bảo.

Chi tiết các khoản cho vay của Vietinbank tại thời điểm cuối quý II/2023.

Chi tiết các khoản cho vay của Vietinbank tại thời điểm cuối quý II/2023.

Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2023, ngân hàng này ghi nhận tổng tài sản đạt 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng và tiền gửi Khách hàng lần lượt đạt 1,36 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% và 4,9% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ CASA của VietinBank trong quý II/2023 có sự cải thiện từ mức 18,06% trong quý I/2023 lên mức 18,74%.

Thu nhập lãi thuần trong kỳ đạt 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 12,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ghi nhận 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3 nghìn tỷ so với cùng kỳ. 

Về chất lượng nợ cho vay, tính tới cuối quý II/2023, trong 1,36 triệu tỷ đồng, Vietinbank có 1,306 triệu tỷ đồng nợ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý là 35,1 nghìn tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn là 8,4 nghìn tỷ đồng, nợ nghi ngờ 3,4 nghìn tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn là 5,4 nghìn tỷ đồng. Tính đến 30/06/2023, tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 1,27% trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 169%.

Trong các năm qua, Xi măng Công Thanh liên tiếp ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Cụ thể, năm 2022 Công ty CP Xi măng Công Thanh ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 1.595 tỷ đồng, giảm khoảng 900 tỷ so với mức 2.500 tỷ cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế công ty âm 1.181,7 tỷ đồng. Lũy kế tại 2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 6.079 tỷ đồng.

Lê Doãn Tài
Bạn đang đọc bài viết Xi măng Công Thanh với khoản vay hơn 7.000 tỷ, chủ nợ Vietinbank sẽ thu hồi như thế nào? tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hải quan Thanh Hóa hoàn thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 93%
Thông tin từ Cục Hải quan Thanh Hóa, đến nay toàn Cục đã thực hiện 102.744 lượt thủ tục hành chính được cung cấp trên dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, số lượng thủ tục được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 96.313 hồ sơ, đạt 93%/ tổng số dịch vụ công trực tuyến phát sinh tại đơn vị.