Xây lắp dầu khí Thanh Hóa thua lỗ triền miên

25/09/2023, 13:53
báo nói -

TCDN - Một thời là ông lớn tại xứ Thanh, nhưng hiện Công ty CP Xây lắp dầu khí Thanh Hóa chỉ còn là "cái bóng của chính mình" với nhiều số liệu tài chính ảm đạm.

Nhiều năm thua lỗ

Từng là một công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, Công ty CP Xây lắp dầu khí Thanh Hóa (PVC-TH) trong kỳ chỉ ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ vỏn vẹn 10,04 tỷ đồng. Trong đó, giá vốn ghi nhận 9,59 tỷ đồng, tương đương khoảng 96% doanh thu, khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 455 triệu đồng. Trong kỳ, đơn vị cũng ghi nhận 1,4 tỷ doanh thu từ hoạt động tài chính, tuy nhiên, thu nhập này cộng với mức lợi nhuận gộp khiêm tốn không thể giúp PVH thoát lỗ trong kỳ sau khi trừ các khoản như chi phí quản lý, chi phí khác... 

Dự án khách sạn Lam Kinh (Tp.Thanh Hóa) liên quan PVC-TH hoạt động không hiệu quả.

Dự án khách sạn Lam Kinh (Tp.Thanh Hóa) liên quan PVC-TH hoạt động không hiệu quả.

Theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023, PVC-TH tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối ảm đạm khi lợi nhuận sau thuế âm 1,266 tỷ đồng. Mức lỗ này tuy có giảm nhiều so với con số âm 4,547 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn khiến nhiều nhà đầu tư nuối tiếc cho một thương hiệu lớn tại xứ Thanh.

Với kết quả này, PVC-TH đã tiếp tục nối dài chuỗi thua lỗ của mình nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2019 ghi nhận âm 7,7 tỷ đồng; năm 2020 âm 5,8 tỷ đồng; năm 2021 âm 33,2 tỷ đồng; năm 2022 âm 6 tỷ đồng.

Tương tự, do cả yếu tố khách quan và chủ quan, nhiều năm gần đây Xây lắp dầu khí Thanh Hóa cũng ghi nhận doanh thu trồi sụt thiếu ổn định khi lần lượt ghi nhận 40,7 tỷ năm 2019; 6,5 tỷ năm 2020; 10,8 tỷ năm 2021 và 30,6 tỷ năm 2022.

Theo công bố từ BCTC của Công ty, tại thời điểm cuối quý II/2023, PVC-TH ghi nhận tổng tài sản đạt 604,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 4 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 223 tỷ đồng, không biến động nhiều so với mức 226 tỷ đồng thời điểm đầu năm.

Các khoản mục lớn như hàng tồn kho ghi nhận 94,6 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn 94,2 tỷ đồng, giảm lần lượt 2 và 4 tỷ so với đầu năm.

Đáng chú ý, tài sản ngắn hạn ghi nhận mục đầu tư tài chính ngắn hạn 29,5 tỷ đồng, đây là khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại Ngân hàng Đông Nam Á, Ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng Bank. 

Tương tự, tài sản dài hạn của đơn vị cũng không ghi nhận biến động lớn, trong kỳ đơn vị ghi nhận 381 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ so với đầu năm. Trong đó, các khoản mục như phải thu 107 tỷ đồng, xây dựng dở dang 226 tỷ đồng, bất động sản đầu tư dài hạn 46 tỷ đồng và gần như không ghi nhận biến động trong kỳ. Điều này cho thấy, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ liên quan các khoản mục này của đơn vị gần như rất hạn chế.

Tài sản cố định của Xây lắp dầu khí Thanh Hóa còn 397 triệu - báo cáo tài chính quý II/2023 của PVH-TH.

Tài sản cố định của Xây lắp dầu khí Thanh Hóa còn 397 triệu - báo cáo tài chính quý II/2023 của PVH-TH.

Nhiều từ chối đưa kết luận với báo cáo tài chính

Tại báo cáo Tài chính soát xét bán niên 2023 của Công ty này, hãng kiểm toán AASC đã đưa ra ý kiến từ chối kết luận, do chưa có đủ thông tin cần thiết để đánh giá sự phù hợp của các khoản mục nợ phải thu.

Cụ thể, Hãng kiểm toán AASC cho rằng chưa có đủ thông tin để đánh giá sự phù hợp ở các khoản mục nợ phải thu của khách hàng mà PVH nêu trong báo cáo tài chính bán niên lần lượt là 31,32 tỷ và 34,14 tỷ; và các khoản trả trước cho người bán là 42,33 tỷ và 40,15 tỷ, phải thu khác lần lượt là 12,96 tỷ, và 12,27 tỷ. Tiền phải trả cho người bán lần lượt là 67,75 tỷ, và 61,84 tỷ, vay và nợ tài chính với số tiền là 2,39 tỷ.

Ngoài ra Hãng kiểm toán AASC cũng đưa ra nghi ngờ về việc PVH đang phân loại các khoản công nợ trên bảng cân đối kế toán với các khoản phải thu khách hàng dài hạn số tiền lần lượt là 66,24 tỷ và 65,95 tỷ. Trả trước cho người bán dài hạn số tiền là 39,28 tỷ; phải thu khách dài hạn số tiền 28,88 tỷ, dự phòng phải thu khó đòi dài hạn số tiền là 26,81 tỷ đồng, phải trả cho người bán dài hạn số tiền 69,05 tỷ, vay và nợ thuê tài chính dài hạn số tiền là 309,75 tỷ đồng.

Hãng kiểm toán AASC còn cho rằng, tại ngày 30/6/2023 PVH vẫn chưa thực hiện đánh giá lại dự phòng phải thu khó đòi đối với các khoản nợ phải thu. "Chúng tôi không có đủ thông tin cần thiết để có thể đánh giá được sự phù hợp của số dư dự phòng phải thu ngắn hạn và dài hạn đang được trình bầy trên báo cáo tài chính giữa niên độ".

Hay việc kiểm toán AASC nghi ngờ về khả năng thu hồi hàng tồn kho và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn mà công ty đã phản ánh một số công trình đã dừng thi công từ năm 2020 trở về trước với số tiền khoảng 268 tỷ đồng.

Hãng kiểm toán AASC đặt nghi vấn, nếu công ty trình bày báo cáo tài chính theo đúng quy định chế độ kế toán hiện hành thì việc ghi nhận chi phí khấu hao của Tòa nhà dầu khí số 38A Đại Lộ Lê Lợi và chi phí phát sinh phục vụ hoạt động cho thuê văn phòng tòa nhà này vào chỉ tiêu hàng tồn kho với số dự tại ngày 30/6/2023 là 3,1 tỷ (trong khi tại ngày 01/01/2022 là 2,2 tỷ).

Nếu như vậy chỉ tiêu hàng tồn kho sẽ giảm đi các số dư nêu trên đồng thời chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối cũng giảm đi số tiền tương ứng; Chỉ tiêu giá vốn hàng bán trên Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 sẽ tăng thêm 896,9 triệu (6 tháng đầu năm 2022 sẽ tăng lên 551 triệu).

Tiếp đến, hãng kiểm toán AASC cũng lưu ý về chỉ tiêu chi phí xây dựng dở dang phản ánh giá trị chi phí đầu tư vào dự án "Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp I và khu tập kết vật tư, thiết bị xây dựng Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa tại xã Mai Lâm huyện Tĩnh Gia, nay là TX Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa với số tiền là 14,9 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án này đã bị chấm dứt thực hiện từ ngày 01/08/2013 (xem thuyết minh số 13b).

Theo AASC đến thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ này, PVH chưa phân bổ một phần giá trị sửa chữa, khắc phục Tòa nhà 38A tại Đại Lộ Lê Lợi.

AASC từ chối đưa ra ý kiến khi ghi nhận vào chỉ tiêu doanh thu chưa thực hiện đối với khối lượng hoàn thành công việc đợt 7 và đợt 8 Công trình QL 217 Cẩm Thủy là 16,4 tỷ đồng. Các khối lượng công việc hòan thành này đã được chủ đầu tư và tư vấn giám sát nghiệm thu và đã được các bên bàn giao, tiếp nhận và đưa vào sử dụng từ ngày 22/12/2020. Tuy nhiên công ty chưa quyết toán được các hạng mục này với các đơn vị tổng thầu là Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất.

Bên cạnh đó, AASC nghi ngờ về việc PVH chưa ghi nhận khoản chi phí phải trả cho Ngân hàng Thương mại CP Đại chúng Việt Nam liên quan đến 02 dự án là khách sạn Lam Kinh và Tòa nhà dầu khí số 38A" từ năm 2015 đến 30/6/2023 với giá trị khoảng 603,05 tỷ đồng.

Lê Doãn Tài
Bạn đang đọc bài viết Xây lắp dầu khí Thanh Hóa thua lỗ triền miên tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan