Giá cổ phiếu dầu khí chưa tương xứng với đà tăng giá dầu

09/09/2023, 13:43
báo nói -

TCDN - Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại các thị trường chủ chốt có thể sớm tăng trở lại, tạo đà để nhóm cổ phiếu dầu khí có cơ hội tăng trưởng.

Sau tuần vừa qua, giá cổ phiếu dầu khí đều tăng nhẹ. Cổ phiếu PVS, PVD, PVB lần lượt tăng 6,3%, 5,4% và 6,5%%. Trong khi đó, các cổ phiếu dầu khí thuộc sàn UpCOM như OIL, BSR tăng lần lượt là 5,8% và 11,5%. Mức tăng của các cổ phiếu dầu khí dường như chưa cùng pha với đà tăng nhanh của giá dầu trong cùng khoảng thời gian.

Giá dầu Brent vọt lên mức cao nhất từ đầu năm 2023 và đã cán mốc 90 USD/thùng trong tháng 9/2023, trước khi giảm nhẹ về 89 USD/thùng (chốt phiên ngày 8/9). Giới phân tích cho rằng giá dầu tăng do 3 nguyên nhân chính. Yếu tố đầu tiên là sự sụt giảm lượng dầu tồn kho tại Mỹ với giá trị đạt 10,6 triệu thùng tính đến ngày 25/08, theo ước tính của IEA. Yếu tố thứ hai đến từ thỏa thuận giảm sản lượng khai thác giữa Nga và Arab Saudi – 2 thành viên đóng vai trò đầu tàu trong nhóm OPEC+. Yếu tố thứ ba đến từ sự suy yếu của đồng USD, khiến giá dầu trở nên rẻ hơn đối với những người mua không sử dụng đồng USD.

Giá dầu Brent dự kiến dao động trong vùng 85 - 95 USD/thùng

Trong 3 yếu tố khiến giá dầu tăng, chỉ yếu tố thứ ba là có xu hướng bền vững khi các nội dung được phát đi tại hội nghị Jackson Hole cho thấy thái độ của Fed đã tỏ ra bớt “diều hâu” hơn, hàm ý về việc chính sách thắt chặt tiền tệ đang bước vào giai đoạn cuối.

Trong khi đó, lượng dầu tồn kho tại Mỹ là yếu tố khó dự báo khi Mỹ vẫn là quốc gia có trữ lượng dầu đá phiến lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Nga và Arab Saudi xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng dự kiến sụt giảm mạnh tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, diễn biến xung đột Nga - Ukraine đang trở thành biến số khó lường nhất tác động đến diễn biến giá dầu thế giới.

Ông Lâm Gia Khang, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK Vietinbank (CTS) cho rằng, trong trường hợp xung đột Nga - Ukraine vẫn duy trì thế trận như hiện nay, giá dầu Brent dự kiến dao động trong vùng 85 - 95 USD/thùng trong năm 2023. Mức giá này có thể tăng mạnh lên trên mức 105 USD/thùng trong trường hợp xung đột tiếp tục lan rộng sang khu vực bán đảo Crimea và eo biển Kerch - tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng của thế giới.

Công ty Chứng khoán DSC nhận định, giá dầu thô Brent sẽ sớm trở lại mốc 90 USD/thùng. Nguyên nhân khiến giá dầu tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua, tới từ 3 yếu tố.

Thứ nhất, OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) thống nhất về một thỏa thuận nhằm hạn chế nguồn cung năm 2024 trong cuộc họp chính sách tháng 6. Thứ hai, Arab Saudi và Nga, hai quốc gia khai thác dầu lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới độc lập cắt giảm sản lượng sản xuất. Arab Saudi đã cắt 1 triệu thùng dầu/ngày kể từ 20/7 và sẽ duy trì chính sách này đến hết năm 2023. Nga đã giảm 500.000 thùng/ngày và sẽ cắt thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng tới. Thứ ba, giới phân tích dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu tại các thị trường chủ chốt sẽ sớm khả quan trở lại, đặc biệt là Mỹ (kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng) và Trung Quốc (các chính sách kích thích nền kinh tế liên tục được ban hành).

Dự phóng của EIA (Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ) cho thấy, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô sẽ kéo dài từ quý 3/2023 tới quý 3/2024 khi nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu gia tăng, tạo điều kiện cho giá dầu dao động quanh mốc 88 USD USD/thùng trong năm 2024.

DSC dự báo giá dầu sẽ sớm cán lại mốc 90 USD/thùng. Song khả năng giá dầu quay lại mốc 100 USD/thùng vào cuối năm nay là rất khó, do nguồn cung/cầu thị trường hiện tại đã tương đối cân bằng và và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn còn hiện hữu (Fed dự báo Mỹ có 70% khả năng bước vào suy thoái kinh tế từ tháng 2 năm 2024).

Vận động của nhóm cổ phiếu dầu khí

Đối với tác động của giá dầu, theo ông Lâm Gia Khang, nhóm cổ phiếu dầu của doanh nghiệp hạ nguồn (PLX, OIL, BSR) sẽ trải qua diễn biến đồng pha và “nhạy cảm” nhất với diễn biến giá dầu thế giới. Trong khi đó, khi giá dầu duy trì ở mức đủ cao, nó sẽ thúc đẩy nhu cầu khoan và đẩy mạnh công tác triển khai thi công các dự án dầu khí, tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp thượng nguồn (PVD, PVS, PVB). Đối với các doanh nghiệp nhóm trung nguồn (GAS, PVT, PVC, PXS), kết quả kinh doanh không phụ thuộc quá lớn vào giá dầu, mà phụ thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng dịch vụ từ các doanh nghiệp nhóm thượng nguồn.

PVS

Các doanh nghiệp dầu khí còn chịu tác động lớn hơn từ tiến độ triển khai dự án Lô B - Ô Môn, bởi yếu tố này tác động đến khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức bàn giao hồ sơ Dự án Nhà máy điện Ô Môn 3 và Ô Môn 4 cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Sau sự kiện, hai bên đã thực hiện nhiều cuộc trao đổi, đề xuất nhằm nhanh chóng có quyết định đầu tư (FID) để triển khai các gói tổng thầu trong nước và quốc tế ở khâu thượng nguồn, làm cơ sở để triển khai đồng bộ các dự án thành phần trong cả chuỗi dự án Lô B - Ô Môn, gồm hệ thống đường ống vận chuyển khí từ ngoài khơi về đến Ô Môn (khâu trung nguồn) và các nhà máy điện ở Ô Môn, Cần Thơ (khâu hạ nguồn).

Hưởng lợi đầu tiên khi dự án Lô B - Ô Môn bắt đầu triển khai là các doanh nghiệp dầu khí nhóm thượng nguồn (PVS, PVD, PVB). Theo ước tính, chi phí đầu tư và chi phí khoan trong giai đoạn thượng nguồn rơi vào khoảng 9 - 9,5 tỷ USD trong suốt vòng đời dự án. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho các dự án trung nguồn cũng rất lớn ở mức 1,3 tỷ USD, với GAS là doanh nghiệp đóng vai trò giám sát việc vận chuyển khí từ các mỏ đến các nhà máy điện sau khi khởi công.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành, CTCK VPBank cho rằng, định giá cổ phiếu ngành dầu khí đang thấp hơn so với VN-Index cả về PE và PB. Một số cổ phiếu có PE cao như PVD, PVC, OIL và PVG do nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào sự phục hồi từ đáy thấp của doanh thu lợi nhuận doanh nghiệp. Trong khi cổ phiếu có PB cao như GAS, PGD cao hơn trung bình VN-Index và VN30 do có dòng doanh thu lợi nhuận tương đối ổn định, đồng thời biến động thuận chiều với giá dầu, giá khí tự nhiên. Hay nói cách khác, so với biến động của giá dầu trong giai đoạn vừa qua, cổ phiếu ngành dầu khí chưa tăng theo tỷ lệ thuận.

“Giá dầu kỳ vọng hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp tục tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và kết quả của các doanh nghiệp trong ngành”, ông Dương nói và cho biết, mặc dù kết quả kinh doanh cả năm của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí sẽ tích cực, nhưng sẽ khó quay trở lại mức đỉnh của năm 2022 như của một số doanh nghiệp BSR, GAS.

Tùng Lâm
Bạn đang đọc bài viết Giá cổ phiếu dầu khí chưa tương xứng với đà tăng giá dầu tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan