"Xin đừng để người vô cảm, thờ ơ giữ chức vụ trong bộ máy công quyền"

31/10/2019, 21:19

TCDN - Các đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu ý kiến, quan điểm về các vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật, bao gồm cả những vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường.

Ngày 31/10, các Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó một số ý kiến đã bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông cũng như cân đối cho kế hoạch đầu tư công.

Lo cân đối đầu tư công

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), cách đây ba năm, khi Quốc hội xem xét thông qua kế hoạch trung hạn thì vấn đề được quan tâm nhất đó là sẽ có bao nhiêu tiền để đầu tư cho các dự án. Nghị quyết 26 của Quốc hội đã xác định rõ mức 2 triệu tỷ, đây là định hướng nhưng cũng là chỉ tiêu mang tính pháp lệnh. Nếu như không cân đối đủ thì cũng đồng nghĩa với việc là chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên, đến nay khi chỉ còn 1 năm là kết thúc kế hoạch trung hạn thì việc thực hiện nhiệm vụ này thực sự là rất khó khăn. Hiện nay, tổng ngân sách cân đối cho các dự án mới chỉ được là 1.911.700 tỷ, như vậy là còn thiếu 88.300 tỷ, riêng ngân sách trung ương thì thiếu 211.650 tỷ, đây là con số rất lớn, đại biểu Mai nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai được bà Mai đề cập là việc cân đối của ngân sách địa phương đối với các dự án. 

Vị đại biểu Hà Nội nêu thực tế, khi đề xuất các dự án thì hầu hết các địa phương đều cam kết bố trí phần còn thiếu để đủ điều kiện bổ sung vào kế hoạch trung hạn. Hiện nay trong gần 10.000 dự án có trong danh mục thì có tới 70% các dự án có cam kết từ phía địa phương là bố trí đủ phần còn thiếu, nhưng qua giám sát thực tế cho thấy số địa phương thực hiện được đúng cam kết thì không nhiều, nhất là các tỉnh nghèo.

Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách, theo đại biểu Mai cũng là vấn đề cần quan tâm. Bởi nghị quyết 26 của Quốc hội cũng đề ra nhiệm vụ rất rõ đó là huy động nguồn lực ngoài ngân sách, tuy nhiên thời gian qua nhiều dự án đã không đạt được mức kỳ vọng. Ví dụ gần đây nhất có dự án tuyến đường ven biển khi đã đưa vào kế hoạch trung hạn là thực hiện theo hình thức PPP nhưng cuối cùng thì cũng phải chuyển sang là 100% vốn nhà nước và ngân sách trung ương đã phải cân đối là 4.500 tỷ.

Như vậy, khi nguồn lực ngân sách Trung ương không cân đối đủ, khi các địa phương khó có thể thực hiện được cam kết và khi huy động nguồn lực ngoài ngân sách là khó khăn thì hệ quả đó là hiểu dự án thiếu vốn, dở dang và tạo áp lực rất lớn cho giai đoạn tiếp theo, bà Mai khái quát.

Việt Nam phải có "tam công chiến pháp" về biển Đông

Trong phiên thảo luận chiều 31/10, khi nói về tình hình biển Đông, đại biểu Lê Thanh Vân -  Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng, Trung Quốc lâu nay không từ bỏ âm mưu và thủ đoạn phi pháp để biến biển Đông thành "ao nhà".

Theo ông, Trung Quốc đã áp dụng "tam chủng chiến pháp" trên các mặt trận tâm lý, truyền thông và pháp lý. Họ rao giảng cho các thế hệ học sinh Trung Quốc một cách sai trái rằng "Biển Đông là của Trung Quốc"; đồng thời rêu rao điều này trên các diễn đàn. Trung Quốc cũng tiến hành nhiều hành động trên thực địa và diễn đạt lại Luật biển quốc tế theo cách của họ...

Trước bối cảnh đó, ông Vân cho rằng Việt Nam phải có "tam công chiến pháp" làm đối sách với Trung Quốc. Đó là công luận, công khai và công pháp. Công luận bao gồm việc phải đẩy mạnh tuyên truyền, củng cố hồ sơ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định với thế giới về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Đồng thời, công khai hóa các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cho thế giới và người dân trong nước biết.

"Còn công pháp là sử dụng tối đa các cơ sở pháp lý, từ Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 cho tới cơ sở pháp lý mà Luật Biển Việt Nam đã quy định", ông Vân nói và nhấn mạnh, về lâu dài Việt Nam phải có "đối sách căn bản, phòng thủ chặt chẽ, để ngăn chặn sự lấn tới và vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông".

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói, qua nghe báo cáo của Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh cho thấy tình hình biển Đông mấy tháng qua diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tiến hành các hoạt động trái phép. 

Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp ngoại giao, các lực lượng chấp pháp trên biển cũng kiên trì đấu tranh. Hôm 24/10, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống đã rời vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam trên Biển Đông.

Theo ông Trí, "cử tri tin tưởng vào đường lối giải quyết vấn đề Biển Đông của Đảng, Nhà nước". Tuy nhiên, cử tri là mong Chính phủ làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin dưới các hình thức khác nhau để nhân dân biết rõ, yên tâm và tham gia hoạt động bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông đúng cách, hiệu quả.

Trước đó, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, "biển Đông là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm". Thời gian qua công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu.

Về việc "vừa qua trong dư luận, người dân có hiến kế cách này, cách khác", Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói "Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng và tâm huyết của nhân dân, đồng thời kiên trì kế thừa truyền thống văn hoá dựng nước của cha ông". 

Thượng tướng Nghĩa cho rằng, đó là truyền thống dĩ bất biến ứng vạn biến; những vấn đề thuộc về độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì quyết không nhân nhượng. Nhưng Việt Nam phải có đối sách phù hợp vì truyền thống văn hoá giữ nước của cha ông là hoà hiếu, hoà bình. 

Cần chống lại sự thờ ơ, vô cảm

Cũng tại phiên thảo luận hôm nay, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã nhắc lại vụ án bé trai trường Gateway bị bỏ quên và tử vong trên xe đưa đón để nói về thái độ thờ ơ, vô cảm đang phổ biến trong xã hội.

Theo đại biểu, “Cần chống lại sự thờ ơ, vô cảm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn". Pháp luật cần bổ sung quy định để hạn chế sự thờ ơ, vô cảm; tạo thuận lợi để người dân tố cáo những người thờ ơ, thiếu trách nhiệm.

"Sắp tới đại hội Đảng xin đừng để người thờ ơ, vô cảm giữ bất kỳ chức trách nào trong bộ máy công quyền", Đại biểu Trí nói.

La Giang
Bạn đang đọc bài viết "Xin đừng để người vô cảm, thờ ơ giữ chức vụ trong bộ máy công quyền" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan