Xử lý doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, dự án thua lỗ

12/01/2023, 10:10

TCDN - Chính phủ yêu cầu khẩn trương thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch. Rà soát phát hiện và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu khẩn trương thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch. Tập trung tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại doanh nghiệp, dự án, công trình đầu tư và vốn, tài sản nhà nước để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp. Rà soát phát hiện và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Có các giải pháp phù hợp để lành mạnh hóa thị trường tài chính, xử lý dứt điểm tồn đọng tài chính, nợ không có khả năng thanh toán và các tài sản không sinh lời trong các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thành viên. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo lộ trình, tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật; tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải nhưng không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Có giải pháp phù hợp huy động hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng số, nền tảng số, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, cung ứng các nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.

Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện phát triển một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, có vai trò mở đường phát triển một số ngành kinh tế chủ lực, dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Tăng cường kết nối, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, dự án FDI, nhất là các công ty đa quốc gia. 

Chính phủ cho biết, theo báo cáo của các đơn vị, tính đến ngày 31/12/2021, có 30 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đầu tư 137 dự án ra nước ngoài theo hình thức trực tiếp đầu tư và đầu tư thông qua các công ty con cấp 1, cấp 2.

Trong đó có 30 dự án bị lỗ với tổng số lỗ phát sinh trong năm là 335,53 triệu USD (tăng 42% so với số lỗ của các dự án báo lỗ năm 2020). Chiếm tỷ trọng lớn (87%) là số lỗ từ các dự án trong lĩnh vực viễn thông (8 dự án viễn thông bị lỗ với tổng số lỗ là 293,32 triệu USD; tỷ giá biến động mạnh và lỗ kinh doanh tại thị trường Tanzania là 43,93 triệu USD do chính sách thắt chặt quản lý thông tin thuê bao của chính phủ và các loại thuế, phí cao).

Đến 31/12/2021, vẫn còn 44 dự án có lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 1.335,10 triệu USD, giảm 2 dự án nhưng tăng 164,04 triệu USD so với năm 2020.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Xử lý doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, dự án thua lỗ tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan